CHA GUSTAVO GUTIÉRREZ, CHA ĐẺ CỦA NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

Ngài là một trong những thần học gia quan trọng nhất của thế kỷ XX. Vị linh mục dòng Đaminh, người Pêru, giải thích tại sao ngài đã dâng hiến đời mình cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và người nghèo.

Cha Gustavo Gutiérrez được xem như là « cha đẻ » của nền thần học giải phóng. Trong dịp đến Paris dịp kỷ niệm 50 năm của Ủy ban Giám mục Pháp-Châu Mỹ Latinh (CEFAL), cha đã gặp gỡ các nhà thừa sai, các sinh viên và các giáo sư của Học viện Công giáo Paris, các vị hữu trách của « Secours catholique », các đối tác của CCFD.

Sáng nay, trong nhà khách lớn của Tỉnh hội Xuân Bích Pháp (số 6 Rue du Regard), nơi ngài cư trú, một lần nữa, ngài đã khơi lên nền thần học này, một nền thần học đã đánh dấu sâu sắc Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh. Trái lại, nói về mình không phải là thói quen của ngài. Tuy nhiên, hôm nay, ngài lại chấp nhận nói về cuộc đời của mình. Cuộc gặp gỡ kéo dài gần 3 giờ.

Sinh năm 1928, tại Lima (Pêru). Lúc 12 tuổi, ngài phải nằm liệt giường trong nhiều năm do chứng bệnh viêm xương tủy. « Lúc đó không có thuốc kháng sinh. Tôi là học sinh của trường các sư huynh dòng Maristes. Tôi đã phải nghỉ học ». Ngài đã học ở nhà, chơi cờ, đọc sách. « Cha tôi là một người ham mê đọc sách. Chắc chắn ông đã ảnh hưởng đến tôi. Tôi cũng phải thừa kế từ ông đối với ý thức về sự hài hước mà ông luôn chứng tỏ bất chấp những khó khăn của chúng tôi ».

« Tôi đã chọn trở thành linh mục »

Lúc 15 tuổi, ngài khám phá Pascal, người đã ghi dấu ngài cách sâu xa. Ít lâu sau, cuốn « Histoire du Christ » của Giovanni Papini cũng đánh động ngài cách sâu sắc. Ngài cũng quan tâm đến triết học và tâm lý học, qua các tác phẩm của Karl Jaspers và Honorio Delgada.

Ước muốn trở thành linh mục đã hình thành nơi ngài từ lúc bị bệnh, sau đó nó mất đi. Tuy nhiên, lúc 14 tuổi, ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Ngài cho biết sự nghèo khổ đã từng hiện diện trong cuộc đời thơ ấu của ngài, trong gia đình của ngài và trong những chọn lựa của ngài.

Lúc 18 tuổi, ngài có thể vào đại học để học y khoa (với ước muôn trở thành bác sĩ tâm thần), cũng như triết học. « Là thành viên của phong trào đại học công giáo, tôi đã tích cực tham dự vào đời sống chính trị của đại học. Chính lúc đó tôi đã cảm thấy, trong đời mình, những câu hỏi chất vấn đức tin của tôi. Lúc 24 tuổi, tôi đã chọn trở thành linh mục. Đức giám mục giáo phận Lima, cho rằng tôi quá già để vào chủng viện, đã gởi tôi sang Châu Âu ».

Ở Louvain, ngài học tiếng Pháp, viết một luận án về « Comment Freud est arrivé à la notion de conflit psychique ». Rồi ngài đến Lyon để học thần học. Ngài kể lại : « Đó là một thời gian rất khó khăn trong Giáo Hội Pháp, nhưng rất phong phú, đã cho phép tôi gặp được Albert Gelin (mà các công trình của ông về « Những người nghèo của Gia-vê » đã định hướng việc nghiên cứu của tôi), Gustave Martelet và các cha dòng Đaminh (Marie-Dominique Chenu, Christian­ Duquoc…, cũng như những người cùng thế hệ với tôi như Claude Geffré).  Nhiều năm sau, khi tôi quyết định vào Dòng Giảng Thuyết, một trong những người bạn của tôi lúc đó, cha Edward Schillebeeckx, dòng Đaminh, người Đức, đã viết cho tôi một bức thư bắt đầu bằng từ : « Cuối cùng ! »

« Sống liên đới với người nghèo »

Được phong linh mục năm 1959, ngài trở lại Pêru. Được bổ nhiệm đến một giáo xứ của khu phố nghèo Rimac ở Lima và làm tuyên úy cho các phong trào kitô hữu, ngài vừa làm việc mục vụ vừa dạy học tại đại học công giáo. Nhưng rồi, một câu hỏi ám ảnh ngài : làm thế nào nói với người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ ?

Tháng 5/1967, hai năm sau Công đồng Vatican II mà ngài tham dự, ngài đã đề cập điều đó trước các học sinh của đại học Montréal, bằng cách lần đầu tiên phân biệt ba chiều kích của sự nghèo khó. Sự nghèo khó hiện thực của mọi ngày : « Nó không phải là một định mệnh, nhưng là một bất công ».

Sự nghèo khó thiêng liêng : « Đồng nghĩa với sự thơ ấu thiêng liêng, nó hệ tại phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa ».

Sự nghèo khó như là sự dấn thấn : « Nó đưa đến chỗ sống liên đới với người nghèo, đấu tranh với họ chống lại sự nghèo khổ, loan báo Tin Mừng từ họ ».

« Năm tiếp theo, tôi phải có bài nói chuyện tại Chimbote, ở Pêru. Người ta yêu cầu tôi nói về thần học về sự phát triển. Tôi đã giải thích rằng một nền thần học giải phóng là thích hợp nhất ». Ngôn ngữ thần học này, lưu tâm đến nỗi thống khổ của người nghèo, sẽ gợi hứng cho các giám mục nhóm họp ở Medellin (Côlômbia) dịp Hội nghị lần hai các giám mục Châu Mỹ Latinh (Celam).

Thần học giải phóng

Tháng 5/1969, cha Gustavo Gutiérrez  đã đến Bra-xin, lúc đó đang sống dưới chế độ độc tài quân sự. Ngài đã gặp các sinh viên, các nhà tranh đấu của Công giáo tiến hành, các linh mục, mà các chứng tá của họ sẽ làm phong phú cho suy tư của ngài trong tác phẩm chủ chốt : Thần học giải phóng. « Trước Công đồng, đức Gioan XXIII đã loan báo : Giáo Hội là và muốn là Giáo Hội của mọi người, và cách riêng Giáo Hội của người nghèo ».

Các Nghị phụ, vì bận tâm với vấn đề mở ra cho thế giới hiện đại, đã hơi quên đi một chút. Ở Châu Mỹ Latinh, trực giác này đã được lấy lại. Người nghèo bắt đầu được lắng nghe. « Lúc đó chúng tôi đã nhận thấy ở đó một dấu chỉ của thời đại mà cần phải khám phá, như Hiến chế Gaudium et spes đòi hỏi. Do tuổi tác của tôi, do tôi hiện diện ở Công đồng và ở Medellin, nên chính tôi đã có tư cách của thần học gia. Điều đó hẳn có thể là một người khác. »

Sự giải phóng mà ngài nói đến không phải là một chương trình chính trị. Nó nằm ở ba cấp bậc chồng chéo nhau. Cấp bậc kinh tế : cần phải tìm cách giải quyết các nguyên nhân của các hoàn cảnh bất công. Cấp bậc con người : thay đổi cấu trúc mà thôi thì không đủ, cần phải thay đổi con người. Cấp bậc sâu xa nhất, đối thần : cần giải thoát khỏi tội lỗi là việc khước từ yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Còn về thần học, nó là phương thế chứng thực rằng sự dấn thân với người nghèo là một nhiệm vụ giải thoát của Tin Mừng, một câu trả lời cho thách đố mà sự nghèo khổ đặt ra cho ngôn ngữ về Thiên Chúa. Nền thần học này chứng tỏ dễ lây lan. ở Hoa Kỳ trong thiểu số da đen, ở Châu Phi, Châu Á, những nền thần học thế giới thứ ba thức tỉnh, được mang lấy bởi một hơi thở mới mẻ.

« Cuộc đời của họ cho người nghèo »

Nhưng nó cũng vấp phải những phản đối. Những đối lập mạnh bạo nhất đến từ các quyền lực kinh tế, chính trị và quân sự, ở Châu Mỹ Latinh cũng như ở Hoa Kỳ. Nhưng chúng cũng là sự kiện các người công giáo cáo giác nó kêu gọi đến lý thuyết về sự lệ thuộc sửu dụng các khái niệm đến từ sự phân tích của mar-xít.

Khi hội nghị Celam ở Puebla (1979) xác nhận cái nhìn của Medellin và nói đến « chọn lựa ưu tiên cho người nghèo », thì những kháng cự được biểu lộ ngay giữa lòng Giáo Hội Châu Mỹ Latinh. « Medellin đã là một tiếng nói rất ngôn sứ đã gây nên những dấn thân và những kháng cự. Nhưng khi một Giáo Hội cs khả năng có, trong số các thành viên của mình, những con người hiến mạng sống vì người nghèo, như Đức cha Oscar Romero  và nhiều người khác, thì có điều gì đó quan trọng xảy đến cho Giáo Hội này ! »

Nền thần học giải phóng cũng chịu đau khổ bởi những lập trường của Vatican. Vào năm 1984, nó bị phê bình nặng nề bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin, mà ĐHY Ratzinger lúc đó làm tổng trưởng. Cha Gustavo Gutiérrez, cũng như những người khác, đã phải giải bày. Vào năm 2004, lúc kết thúc một tiến trình đối thoại 20 năm, cha đã nhận được một bức thư (17/9/2004) trong đó ĐHY Ratzinger « tạ ơn Đấng Tối Cao vì sự kết thúc đầy thỏa mãn về con đường làm sáng tỏ và đào sâu này ».

Giữa công việc mục vụ và dạy thần học

« Trong suốt những năm này, dầu sao tôi đã có thể rao giảng Tin Mừng trong giáo xứ của tôi », cha cho biết. Trong thời gian đó, cha cũng dành thời gian cho việc nghiên cứu về Bartolomé de Las Casas, « một thiên tài thiêng liêng, đã biết nhìn thấy nơi người thổ dân châu Mỹ người nghèo theo Tin Mừng ». Cha tiếp tục công trình thần học của mình và theo dõi « sự hiện diện mới mẻ của nữ giới, rồi của người thổ dân Châu Mỹ, trên trường lịch sử, tư tưởng, mà họ đã từng vắng mặt ».

Ngày nay, cha cư ngụ ở tu viện dòng Đaminh ở Lima. Cha chia sẻ thời gian của mình trong việc mục vụ, giảng tĩnh tâm, dạy thần học ở Đại học Đức Bà (Indiana, Hoa Kỳ) và ở Studium của các cha dòng Đaminh ở Lille.

Ngài cũng theo đuổi công trình thần học của mình, bằng việc đọc sách, kể cả các thi sĩ. « Thơ ca là ngôn ngữ tốt nhất của tình yêu. Làm thần học, đó cũng là viết một bức thư tình yêu cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội mà tôi phục vụ và cho dân tộc mà tôi thuộc về ».

Hiện tại, ngài hoàn thành một cuốn sách về chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. « Nền thần học giải phóng có thể biến mất, nhưng nếu vẫn còn chọn lựa ưu tiên này cho người nghèo, thì chúng ta sẽ đạt được điều gì đó quan trọng, gắn liền sâu xa với Mạc khải ».

Rồi ngài nói thêm : « Sự nghèo khổ và những di hại của nó luôn là thách đố lớn cho thời đại chúng ta, ở Châu Mỹ Latinh và nhiều nơi khác trên thế giới. Thực hành công lý, ra sức giải phóng con người, đó là nói về Thiên Chúa. Đó là một hành vi Phúc Âm hóa ».

Tý Linh on by Xuân Bích Việt Nam

Theo La Croix

 


Về Trang Mục Lục