ĐỨC BÊNÊĐÍCTÔ XVI KHẲNG ĐỊNH TÍNH THỜI SỰ CỦA THÔNG ĐIỆP « PACEM IN TERRIS »

 

Đánh dấu ngày kỷ niệm 50 năm ra đời thông điệp Pacem in terris (11/4/1963), di chúc thiêng liêng thực sự của đức Gioan XXIII, Viện Hàn Lâm Tòa Thánh về các khoa học xã hội đã nghiên cứu những hệ quả hiện đại của nó.

Đức Bênêđictô XVI cho rằng « ý niệm ‘tha thứ’ phải tìm thấy chỗ đứng của nó trong diễn từ quốc tế ».

Thông điệp Pacem in terris đã là một « bức thư mở ra cho thế giới » nhằm bảo vệ hòa bình và tự do, lần đầu tiên được nói với « hết mọi người thiện chí ».

50 năm sau, Viện Hàn Lâm Tòa Thánh về các khoa học xã hội, nhóm họp tại Vatican từ 27/4 đến 1/5/2012 về chủ đề « Đâu là sự tìm kiếm toàn cầu đối với ‘tranquillitas ordinis’ (trật tự yên bình)? » – Hòa bình giữa con người mà thánh Augustin đã dạy -, đã tự vấn về tính hợp thức hiện nay của thông điệp được công bố vào cao điểm cuộc chiến tranh lạnh, trong giai đoạn 30 Năm Huy Hoàng (giai đoạn gia tăng kinh tế nhanh chóng) và trong sự nhiệt huyết của các nền độc lập.

Trong sứ điệp gởi cho các tham dự viên, trong số đó có ông Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế, ông Alan Garcia, nguyên Tổng thống Pêru, ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu và ông Hans Tietmeyer, nguyên chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank, đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh sức mạnh hiện đại của bản văn này.

Vai trò tôn giáo trong hòa bình

Đức Thánh Cha nhắc lại : « Dấn thân một cuộc đối thoại sáng tạo giữa Giáo Hội và thế giới, giữa người tin và người không tin, thăng tiến một cái nhìn Kitô giáo về vị trí của con người trong thế giới » là những gì vẫn luôn còn tính thời sự. Đối diện với « ngôn ngữ vô bổ của sự đả kích lẫn nhau mà chẳng dẫn đến đâu », Đức Thánh Cha cho rằng « ý niệm ‘tha thứ’ phải tìm được chỗ đứng của nó trong diễn từ quốc tế về việc giải quyết các cuộc xung đột ».

Đức Thánh Cha nói : « Những sự dữ và những bất công lịch sử chỉ có thể được vượt qua nếu những người nam và người nữ được gợi hứng bởi một sứ điệp chữa lành và hy vọng, một sứ điệp mà đề nghị một con đường tiến lên phía trước, ở bên ngoài ngõ cụt thường giam hãm các dân tộc và các quốc gia trong cái vòng luẩn quẩn của bạo lực ».

« Sự tha thứ không phải là việc chối bỏ sự dữ bị vi phạm, nhưng là một sự tham dự vào việc chữa lành và vào tình yêu của Thiên Chúa, Đâng giao hòa và phục hồi ».

Viện Hàn Lâm Tòa Thánh được đức Gioan-Phaolô II thiết lập vào năm 1994 để giúp đỡ suy tư của Giáo Hội trong lãnh vực các khoa học nhân văn. Nó bao gồm 35 thành viên thuộc mọi chân trời, không phân biệt tôn giáo. Bà Mary-Ann Glendon, nguyên là đại sứ của Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, hiện là chủ tịch của Viện. Chính bà đã muốn, trong khóa họp lần thứ 18 này, suy nghĩ về « vai trò của các tôn giáo trong việc tìm kiếm hòa bình đang khi thế giới luôn trở nên phức tạp và xung đột hơn ».

Những nền tảng của thông điệp luôn luôn thời sự

Đức cha Roland Minnerath, Tổng giám mục Dijon, đã làm nổi bật những nền tảng luôn có tính thời sự của thông điệp Pacem in terris : khẳng định tự do lương tâm, nhìn nhận Liên Hiệp Quốc như là cấp hợp pháp giải quyết các xung đột, cổ võ nền dân chủ, tôn trọng các quyền tự do.

Mở rộng suy tư về Học thuyết xã hội của Giáo Hội, các tham dự viên đã lắng nghe Pierre Manent , triết gia người Pháp, quy nghĩ về « Nhà Nước-quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa », và cũng lắng nghe Jimmy Wales, đồng sáng lập Wikipédia, khai triển suy tư của mình về « Wikipédia, kiến thức tự do và hòa bình ». Đối với ông, cuốn bách khoa toàn thư trên Internet này, bằng việc tiết chế tổng thế các kiến thức qua sự can thiệp của số đông, « đóng một vai trò hòa bình trên Internet ».

ĐHY Oscar Maradiaga, chủ tịch Caritas quốc tế, cũng nhìn nhận rằng sự gia tăng mức sống và giáo dục không được đi kém với một sự đào sâu suy tư về ý nghĩa của cuộc sống.

Tý Linh on by Xuân Bích Việt Nam

Theo La Croix

 

 


Về Trang Mục Lục