24-5: NGÀY CẦU NGUYỆN CHO TRUNG QUỐC

Radiovaticana 24/05/2012 13.31.14 – 24-5 lễ Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu cũng là ngày Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI chọn làm Ngày Cầu Nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc. Trong bức thư đề ngày 27-5-2007 gởi các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và tín hữu Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Đức Thánh Cha viết:

- Tôi mời gọi anh chị em cử hành ngày này trong tâm tình canh tân mối hiệp thông Đức Tin nơi Đức GIÊSU Chúa chúng ta và lòng trung thành với Giáo Hoàng, và sốt sắng cầu xin cho mối giây hiệp nhất giữa anh chị em được mỗi ngày một sâu xa và hữu hình hơn (số 19).

Trước đó, vào Chúa Nhật 1-10-2000, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh. Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907).

Trong số 120 thánh tử vì đạo có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 thánh tử vì đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ MARIA).

86 trong số 120 thánh Tử Đạo Trung Hoa chịu chết vì Đạo vào năm 1900.

Năm 1900 mở ra một trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn nổi lên đốt phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát.

Trong những tháng ngày âu lo và sợ hãi ấy, ông trùm một họ đạo quý danh Phaolô Cao Đình Chu - 61 tuổi - luôn miệng khuyến khích các tín hữu trong họ đạo hãy bình tĩnh và trung thành với Đức Tin Công Giáo. Ông khuyến khích bằng lời nói, và cao quý hơn, ông khuyến khích bằng chính cái chết anh dũng, làm chứng cho lòng ông trung kiên cùng THIÊN CHÚA.

Ngày 8-8-1900, bọn giặc tràn vào làng ông Chu. Số tín hữu Công Giáo tại đây rất ít nên trốn thoát cách dễ dàng. Như mọi người, ông Chu cũng tìm lối chạy trốn. Chẳng may trên đường ông chạm phải bọn lính. Biết rằng mình không thể thoát thân, ông Chu lấy hết bình tĩnh và hỏi:

- Mấy ông tìm ai vậy?

Thay vì trả lời, bọn lính hỏi lại:

- Có phải ông là Cao Đình Chu, ông trùm của họ đạo này không?

Ông Chu điềm đạm đáp:

- Phải, chính tôi!

Vừa nghe ông nói, bọn lính nhảy tới, bắt trói ông vào một gốc cây và chuẩn bị cuộc hành quyết. Để yên một lúc, ông Chu bỗng cất tiếng nói:

- Nơi đây không phải ruộng vườn của tôi. Các ông giết tôi làm phiền rộn chủ vườn. Trong khi nhà tôi ở phía Bắc của làng này, nơi đó có đủ thứ cây cối, nếu muốn, các ông có thể treo tôi trên cây mít hay cây xoài, hoặc cây nào khác cũng được!

Bọn lính nghe ông Chu nói có lý bèn làm theo lời ông. Họ gươm giáo đưa ông về nhà. Trên đường, có nhiều người ngoại giáo trong làng nhận ra ông. Họ lên tiếng bênh vực ông. Họ quả quyết ông không còn là tín hữu Công Giáo. Nhưng ông Chu đâu dễ dàng chấp nhận trò chơi! Nhất là, ông không muốn đánh mất dịp may ngàn vàng:

- Được hồng phúc chết vì Đức Tin Công Giáo.

Ông giải thích với người cùng làng có thiện cảm và muốn cứu ông:

- Xin quý cô bác đừng bận tâm. Họ chỉ có thể giết chết thân xác tôi, nhưng hồn thiêng của tôi, họ đâu có thể giết được!

Bọn lính cột ông Chu vào một gốc cây trong vườn nhà ông. Họ tìm cách dụ dỗ ông chối Đạo lần cuối. Nhưng ông Chu cương quyết trả lời:

- Thà tôi chịu mất xác chứ không chịu mất linh hồn!

Nghe vậy bọn lính tức giận lấy gươm xẻo từng miếng thịt và cứ mỗi lần ông trả lời không chịu bỏ Đạo, họ lại cắt đi một phần cơ thể. Ông Phaolô Cao Đình Chu luôn miệng kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA cho đến khi ông ngã gục xuống và tắt thở. Thân xác ông không còn hình tượng một người nữa!

... Kinh Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI cầu cùng Đức Mẹ Xà-Sơn (Trung Quốc)

Lạy Đức Nữ Trinh Rất Thánh, Mẹ Ngôi Lời nhập thể và là Mẹ chúng con, được tôn kính nơi đền thánh Xà-Sơn dưới tước hiệu ”Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”, Mẹ là Đấng mà toàn thể Giáo Hội tại Trung Quốc ngước nhìn với lòng trìu mến sâu xa, ngày hôm nay chúng con đến trước nhan Mẹ để khẩn cầu ơn che chở đặc biệt của Mẹ. Xin Mẹ ghé mắt nhìn đến dân Chúa với mối quan tâm từ mẫu và dẫn dắt dân Chúa bước đi trên con đường sự thật và tình yêu, hầu cho trong mọi hoàn cảnh đều có mối chung sống hòa điệu giữa mọi công dân. Nhờ tiếng ”THƯA VÂNG” Mẹ thuần thục đáp lại ở Nazareth mà Con THIÊN CHÚA đã nhập thể làm người trong cung lòng vô nhiễm của Mẹ và khởi đầu công trình cứu chuộc trong lịch sử loài người, công trình mà Mẹ mau mắn hợp tác cách tận tụy khi chấp nhận lưỡi đòng đau đớn đâm thủng hồn Mẹ, cho đến giờ phút tối cao của Thánh Giá, khi, trên đồi Can-Vê, Mẹ đứng bên Thánh Giá Con Mẹ, chịu chết để cho loài người được sống.

Từ đó, Mẹ trở thành, theo cách thức mới, Người Mẹ của tất cả những ai đón tiếp trong Đức Tin Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ và sẵn sàng bước theo Ngài khi chấp nhận vác Thánh Giá trên vai. Lạy Mẹ của niềm Hy Vọng, khi trong đêm đen của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, với trọn lòng tin tưởng phó thác không lay chuyển, Mẹ đã can đảm tiến bước cho đến buổi sáng Phục Sinh, xin Mẹ ban cho con cái Mẹ khả năng biết phân biệt trong mọi hoàn cảnh, cho dù đen tối nhất, vẫn nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện ưu ái của THIÊN CHÚA.

Lạy Đức Mẹ Xà-Sơn, xin Mẹ nâng đỡ sự dấn thân của tất cả mọi người, tại Trung Quốc, giữa những khó khăn hàng ngày, vẫn tiếp tục tin, cậy, mến, hầu cho họ không bao giờ sợ hãi nói về Đức Chúa GIÊSU cho thế giới và nói về thế giới với Đức Chúa GIÊSU. Nơi bức tượng Mẹ đặt trong đền thánh, Mẹ giơ cao Con Mẹ để giới thiệu cho thế giới với đôi tay giang rộng trong cử điệu đầy yêu thương. Xin Mẹ hãy giúp các tín hữu Công Giáo được luôn luôn là những chứng nhân đáng tin cậy về tình yêu thương này. Xin Mẹ gìn giữ các tín hữu Công Giáo luôn hiệp nhất với Đá Tảng là Phêrô, trên đó được xây dựng Hội Thánh. Lạy Mẹ là Hiền Mẫu của Trung Quốc và của Á Châu, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và mãi mãi. Amen!

(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, I Beati Martiri Cinesi nella persecuzione della Boxe, Celi Sud-Est 1900, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 


Về Trang Mục Lục