Tương lai của Trung Quốc nằm ở người dân

Yunnan Xianju (*)  từ Bắc Kinh

Công dân phải kiên quyết chống sự tư lợi của nhà nước

Tôi vẫn còn đau xót về vụ cưỡng chế thu mua đất của tôi cách đây 10 năm. Phản đối của tôi lúc đó quá yếu ớt trước một nhóm công an có trang bị vũ khí và vài quan chức chính quyền và tôi bị bắt giam trong vài giờ.

Một thập niên sau thời điểm đen tối đó, tôi lại gặp phải số phận tương tự.

Tôi và những người láng giềng nhận được thông báo gần đây nói rằng một số công trình không phép phải bị gỡ bỏ vì làm “ô nhiễm tầm nhìn” cho tài xế trên quốc lộ gần đó. Cửa hiệu của tôi nằm trong số gây ô nhiễm đó.

Đúng là các công trình này gây ra một số nguy hiểm, nhưng sự tồn tại của nó trong nhiều năm nay không phải là do chính quyền địa phương ngầm thoả thuận thúc đẩy kinh tế vì công lao riêng tư của họ sao?

Chính quyền của chúng ta chưa bao giờ có kế hoạch phát triển lâu dài. Xử lý “ô nhiễm tầm nhìn” chỉ là dự án tự cao tự đại của các quan chức muốn đánh bóng hình ảnh của chính mình.

Trên thực tế, các công trình không phép của các nhân vật có thế lực vẫn còn nằm chình ình trong vùng. Chỉ có các công trình của những người không có sự hậu thuẫn mới bị phá huỷ.

Bất kỳ hành động pháp lý hay chính trị nào không hướng đến người dân đều thật sự bất lương. Các quan chức không biết được rằng việc giải toả đó có thể phá tan cuộc sống của một gia đình, hy vọng của một người hay thậm chí là tương lai của một người.

Tại Trung Quốc, cưỡng chế giải toả và thu hồi đất đai là cặp song sinh. Chúng nằm trong các xung đột chính giữa nông dân và nhóm quan chức có chung lợi ích, và là một trong những nhân tố chính góp phần gây bất ổn xã hội.

Trong khi tôi đang lo sợ bị thất nghiệp, thì một vụ đánh bom tự sát xảy ra ở tỉnh Vân Nam phản đối cưỡng chế giải toả hôm 10-5. Tin này lan nhanh trên các diễn đàn Internet và các trang mạng xã hội.

Một bà mẹ họ Li ở hạt Qiaojia dẫn theo đứa con một tuổi đến văn phòng tái định cư. Bà châm ngòi quả bom để phản đối việc cưỡng chế giải toả ngôi nhà của bà. Vụ nổ làm 4 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.

Tôi không dám tưởng tượng cảnh máu me đó. Tôi sẽ không hành động đến mức đó. Nhưng tôi hiểu bà ta đã phải tuyệt vọng đến mức nào khi phải chấm dứt cuộc sống quý báu của mình và của cả đứa con khi hành động như thế.

Sau thảm kịch này, điều đầu tiên mà chính quyền địa phương làm là kiểm soát các phương tiện truyền thông. Điều này lố bịch và đáng buồn như chuyện lấy cớ “ô nhiễm tầm nhìn”.

Sau đó tin tức cho biết, gia đình của các nạn nhân và những người bị thương đã ổn định tâm lý. Người đánh bom bị nghi là một người đàn ông hậu 8x chứ không phải là phụ nữ. Nghi can này đánh bom là để trả thù xã hội, không liên quan gì đến vụ cưỡng chế giải toả nhà.

Chỉ cần mọi thứ được kiểm soát là các vụ giải toả có thể tiếp diễn. Trên thực tế, các bloggers và cư dân mạng khác hiện nay nhắc đến từ “China” là họ sử dụng cách chuyển tự “Chai-na-er”, có nghĩa là “giải toả ở đó”.

Sau vụ đánh bom tự sát, chính quyền địa phương thành lập các nhóm điều tra thêm vụ này. Tôi không chắc ai sẽ trở thành kẻ bung xung bất hạnh để che giấu sự bất tài của chính quyền. Nhưng trên các diễn đàn mạng, người dân lên án văn phòng tái định cư và các nhóm có chung lợi ích ăn cướp tài sản của thường dân.

Người dân Trung Quốc hiện nay hiểu biết và văn minh hơn. Sử dụng những lời giải thích ngớ ngẩn để bác bỏ tin đồn là không thể thuyết phục được công chúng.

Cho dù sự thật thế nào đi nữa, cưỡng chế giải toả và thu hồi đất đai vẫn tiếp diễn. Kháng cự lại những chuyện này ngày càng nhiều từ các vụ phản đối cá nhân cách đây nhiều năm đến các hành động tự sát và nay là đánh bom liều chết. Dường như công chúng đã thua trong cuộc chiến chống lại các nhóm chung lợi ích có quyền lực lớn.

Nhưng theo câu nói của người Trung Quốc xưa giải thích: “Khi chơi gian lận, thì không sớm thì muộn anh sẽ phải trả lại”.

Lịch sử thường ủng hộ người dân, vì họ là những người thúc đẩy thay đổi theo thời gian.

Tôi tin rằng sức mạnh của Trung Quốc trong tương lai không phải là cưỡng chế giải toả hay tịch thu, cũng không phải mất tích do ép buộc, nhưng là sự cương quyết ngày càng cao của người dân.

----------------

(*) Yunnan Xianju là bút danh của một blogger Công giáo ở Trung Quốc đại lục.

Nguồn: UCAN

(emty.org Cập nhật: 30/05/2012 - 14:03:38)

 


Về Trang Mục Lục