Đại hội Thánh Thể Quốc tế: phúc lành cho Ireland

Bài giảng của Đức hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục và Đặc sứ của Đức Thánh Cha

trong Thánh Lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland

10 tháng Sáu 2012

Kính chào quý anh em giám mục và linh mục, quý tu sĩ nam nữ toàn thể anh chị em giáo dân Ireland cũng như từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ đông đảo nơi đây để tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Là đặc sứ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI yêu quý của chúng ta, tôi muốn đặc biệt cảm ơn Đức Tổng giám mục Diarmuid Martin và các cộng tác viên của ngài đã rất vất vả chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, cũng như sự hợp tác quý báu của các chính quyền dân sự. Tôi xin cảm ơn đặc biệt các linh mục vì tình yêu và lòng can đảm của anh em vào thời điểm thanh tẩy khó khăn này của đời sống Giáo Hội.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cuộc quy tụ đang diễn ra ở Ireland này thật phù hợp biết bao. Ireland là một đất nước nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên, lòng hiếu khách và văn hóa phong phú, nhưng đặc biệt nhất là truyền thống lâu đời của lòng trung thành với đức tin Công giáo. Lịch sử vững chắc của lòng trung thành của Ireland đã làm phong phú không chỉ các bờ biển này, nhưng, qua các nhà thừa sai nam nữ Ireland, còn giúp đem Tin Mừng đến nhiều bến bờ xa xôi khác. Giờ thì Giáo Hội tại Ireland đang phải đau khổ và đối mặt với nhiều thách thức mới và nghiêm trọng cho đức tin. Ý thức rõ những thách thức này, chúng ta cùng nhau hướng về Chúa chúng ta, Đấng đổi mới, chữa lành và củng cố đức tin của dân Người. Theo kinh nghiệm riêng của tôi về Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần trước ở Quebec, tôi biết là một sự kiện như thế này sẽ mang lại nhiều phúc lành cho Giáo Hội địa phương và tất cả những người tham dự, cả những người tham gia bằng lời cầu nguyện, công việc tình nguyện và tình liên đới. Vì thế với lòng tin tưởng vào Chúa Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện cho Đại hội lần thứ 50 này của Giáo Hội hoàn vũ sẽ mang lại một phúc lành rất đặc biệt cho Ireland trong giai đoạn nhiễu loạn này và cho tất cả anh chị em.

Chúng ta đến đây như gia đình của Thiên Chúa, được Người kêu gọi đến nghe Lời của Người, để nhớ lại chúng ta là ai trong ánh sáng lịch sử cứu độ và để đáp lại tiếng Chúa qua lời cầu nguyện vĩ đại nhất và cao trọng nhất từng được thế giới biết đến là bí tích Thánh Thể. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ý thức đầy đủ chúng ta đã được chúc phúc và ưu ái như thế nào. Sách Xuất Hành nhắc nhở chúng ta về giao ước của Thiên Chúa với dân Người. Giao ước này dựa trên lời tuyên bố của Môsê với dân và được đóng ấn bằng máu rảy trên bàn thờ và rảy trên dân: “Ðây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em” (Xh 24,8 ). Dân chúng long trọng hứa vâng lời. Họ nói: “Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7).

Máu là một trong những biểu tượng quan trọng nhất trong Kinh Thánh. Máu có nghĩa là sự sống, và sự sống thuộc về Thiên Chúa. Do đó từ ban đầu con người không được phép đổ máu đồng loại vì tội đáng chết ấy làm cho họ ra ô uế và loại bỏ họ khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa và tình bạn với Người. Ý thức quyền thống trị của Thiên Chúa trên mọi cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống con người, tín đồ của hầu hết các tôn giáo đều dâng lời cầu nguyện và hy lễ cho Thiên Chúa để xin Người thi ân và tha thứ cho tội đáng chết. Trong dân tuyển chọn Israel, việc tìm kiếm ơn cứu chuộc và thanh tẩy này đạt đến chóp đỉnh nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian của giao ước mới.

Trong Thư gửi tín hữu Do Thái chúng ta đọc thấy: “Máu của Ðức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Ðức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Máu của Chúa Kitô có quyền năng cứu chuộc và thanh tẩy này bởi vì đó là máu đổ ra vì tình yêu hoàn toàn dành cho Thiên Chúa và nhân loại, là máu thần linh làm cho giao ước trở nên hoàn thiện, không chỉ cho dân Israel, nhưng còn cho tất cả mọi dân tộc.

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu, sau khi dâng hiến bánh trở nên Thân Mình Ngài, thì cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các các môn đệ và nói: “Ðây là chén máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho các con và cho nhiều người” (Mc 14,24). “Đổ ra cho nhiều người” thay vì “đổ ra cho mọi người” là một bản dịch trung thành hơn với văn bản gốc, nhưng không có ý nói hy tế của Chúa Giêsu cho mọi người lại bị giới hạn một cách nào đó. Thực sự là hy lễ duy nhất của Chúa Kitô đem lại ơn cứu rỗi cho mỗi người và mọi người. Chúng ta không biết và cũng không cần biết, liệu có ai hoặc có nhiều người từ khước ân sủng Chúa vào lúc cuối cùng không. Nhưng chúng ta cầu xin cho ý Chúa muốn ban ơn cứu rỗi cho mọi người được thể hiện. Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta quy tụ nơi đây trong ngày Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa như là một biểu tượng của Giáo Hội phổ quát, đến với nhau từ khắp mọi phương trời để tưởng niệm giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Chúa Kitô.

Cuộc quy tụ của chúng ta là một hành động đức tin trong Thánh Thể vốn là kho tàng của Giáo Hội, là điều thiết yếu cho cuộc sống Giáo Hội và cho tình hiệp thông của chúng ta như anh chị em trong Chúa Kitô. Giáo Hội khơi nguồn sống từ Bí Tích Thánh Thể, có được căn tính của mình từ quà tặng là Thân Mình Chúa Kitô. Một khi hiệp thông với Thân Mình Người, Giáo Hội trở nên điều mà mình nhận được, tức là trở nên một thân thể với Người trong Thần khí của giao ước mới và vĩnh cửu. Thật là một mầu nhiệm cao cả và kỳ diệu biết bao! Mầu nhiệm tình yêu! Chúng ta không nhìn thấy Chúa Phục Sinh, nhưng tình yêu của Người lại gần hơn bao giờ hết. Thân xác phục sinh của Người đã đạt đến sự tự do mới và các thuộc tính mới để làm nên Thánh Thể diệu kỳ. Nhờ quyền năng Lời thần linh của Người và Thánh Thần, Người biến đổi bánh và rượu này thành Mình và Máu thực sự của Người.

Như Thánh giáo hoàng Lêô Cả dạy chúng ta: “Sự hiện diện hữu hình của Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã đi vào các bí tích” (Bài giảng 2, lễ Chúa Thăng thiên 1 - 4: PL 54, 397-399). Khi chúng ta rước lễ, Thánh Thần Chúa nơi Thân Mình Chúa Kitô đi vào tâm hồn và thân xác chúng ta, làm cho chúng ta trở thành một thân xác mới thuộc về giáo hội, nhiệm thể của Chúa. Thân xác thuộc về giáo hội này là căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Mỗi Chúa nhật và lễ trọng, chúng ta đến nhà thờ để gặp Chúa Phục Sinh, để củng cố mối dây yêu thương của chúng ta với Người khi tham dự vào bí tích Thánh Thể. Theo con mắt thế gian, dường như chúng ta tụ họp nhau vì lý do xã hội hoặc theo truyền thống văn hóa và tôn giáo của mình, nhưng thực ra, chính Chúa quy tụ chúng ta, Chúa của giao ước mới và vĩnh cửu, Đấng muốn chúng ta được nên một thân thể với Người trong một giao ước tình yêu thực sự và trung thành.

Khi tụ họp cùng nhau, chúng ta vẫn là chính mình, là những tội nhân nghèo hèn, và có thể không phải lúc nào cũng sẵn sàng rước Chúa. Nhưng, như tài liệu chuẩn bị Đại hội Thánh Thể này nhắc nhở, mọi người đều có thể sống điều gọi là tinh thần hiệp thông trong ý nghĩa của một hành động thờ phượng, kết hiệp chính mình với hành vi tự hiến được cử hành trong Thánh Lễ (x. Thánh Thể: kết hiệp với Chúa Kitô và với nhau, số 12). Ngay cả khi chúng ta không rước lễ, chúng ta cũng có thể chia sẻ ân sủng tuôn chảy từ Mình và Máu Chúa Kitô cho Thân thể Giáo Hội của Người. Việc tham dự tích cực và ý thức này có nghĩa là thuộc về một thân thể và nhận lãnh được từ nơi thân thể ấy tình yêu, bình an, hy vọng và lòng can đảm để tiến bước, chấp nhận chia sẻ đau khổ của chính mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói với chúng ta: “Ngay cả khi không thể rước lễ thì việc tham dự Thánh Lễ vẫn cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa và mang lại hiệu quả” (Sacramentum Caritatis, số 55). Vậy chúng ta hãy mở lòng ra với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đang kêu gọi chúng ta trung thành hơn với giao ước mới. Hãy ý thức món quà kỳ diệu là Thánh Thể. Thiên Chúa đáng được tôn thờ và mang ơn biết bao vì món quà tình yêu này.

Ước gì chứng từ của chúng ta về tình yêu thương nhau và phục vụ anh chị em mình là lời loan báo khiêm tốn tin mừng Thánh Thể.

(Theo bản tiếng Anh trên Vatican Radio, 11-06-2012)

Huy Hoàng chuyển dịch

 


Về Trang Mục Lục