Nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi người nghèo, yếu đuối và khổ đau

Radiovaticana 2013-01-16 17:35:11 – Nếu muốn trông thấy dung nhan Thiên Chúa, một dung nhan trao ban ý nghĩa, sự vững vàng và an bình cho con đường đời sống, chúng ta phải theo Chúa Kitô và hướng toàn cuộc sống tới việc gặp gỡ Người, yên mến Người và yêu mến tha nhân. Vì dưới ánh sáng của Đấng bị đóng đinh, tình yêu ấy khiến cho chúng ta nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu nơi người nghèo, người yếu đuối và người đau khổ.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 16-1-2013 trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý “Nơi Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa mạc khải dung nhan Người cho nhân loại”. Trong Hiến chế tín lý về việc mạc khải Dei Verbum, Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng chân lý thâm sâu của toàn sự Mạc Khải về Thiên Chúa sáng ngời nơi “Đức Kitô là Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn sự Mạc Khải” (Dv 2). Thánh Kinh Cựu Ước kể rằng sau khi tạo dựng, mặc dù có tội tổ tông là sự ngạo mạn của con người muốn thay thế chỗ của Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa lại cống hiến cho con người khả thể có được tình bạn của Người, nhất là qua giao ước với Abraham và lộ trình của một dân tộc bé nhỏ là dân Israel, mà Người đã chọn, không phải với các tiêu chuẩn của quyền bính trần thế, mà chỉ đơn thuần vì tình yêu thương của Người. Việc lựa chọn ấy là một mầu nhiệm, và nó vén mở cho thấy kiểu Thiên Chúa kêu gọi một vài người làm cầu nối dẫn đưa các người khác đến với Người. Trong lịch sử dân Israel chúng ta có thể đi lại các chặng của một lộ trình dài, trong đó Thiên Chúa tự mạc khải và bước vào trong lịch sử với các lời nói và hành động. Và để làm việc này Thiên Chúa dùng các người trung gian như ông Môshê, các Ngôn sứ, các Thẩm phán, để thông truyền cho dân ý muốn của Người, nhắc lại cho họ biết đòi buộc trung thành với giao ước, và tỉnh táo chờ đợi việc thực hiện tràn đầy và vĩnh viễn các lời Thiên Chúa đã hứa.

Chúng ta đã chiêm ngắm chính việc thực hiện các lời hứa này trong lễ Giáng Sinh: sự Mạc Khải của Thiên Chúa đạt tột đỉnh và sự trọn vẹn của nó. Nơi Đức Giêsu thành Nadarét, Thiên Chúa viếng thăm dân Người, viếng thăm nhân loại trong một cách thế vượt mọi chờ mong: Người gửi Con Duy Nhất của Người xuống thế làm người. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta gương mặt của Thiên Chúa. Trong bài ca dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan viết: “Thiên Chúa đã không ai trông thấy bao giờ: Con duy nhất là Thiên Chúa và ở trong lòng Cháu Cha, chính Người đã vén mở cho chúng ta” (Ga 1,18). Khi cuộc khổ nạn tới gần, Chúa Giêsu đối thoại với các môn đệ và nói với họ về Thiên Chúa Cha. Tông đồ Philiphê hỏi Người: “Thưa Thầy xin Thầy chỉ Cha cho chúng con là đủ” (Ga 14,8). Philiphê rất cụ thể và thực tiễn, ông xin được trông thấy Chúa Cha, thấy gương mặt của Người. Câu trả lời của Đức Giêsu đưa chúng ta vào trung tâm đức tin kitô học của Giáo Hội: “Ai đã thấy Thầy là đã thấy Cha” (Ga 14,9). Kiểu nói này gói ghém tổng hợp của sự mới mẻ của Tân Ước, sự mới mẻ xuất hiện trong Hang đá Bếlêhem: Người ta có thể trông thấy Thiên Chúa, Người đã biểu lộ dung nhan Người, Người hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô.

Trong toàn Thánh Kinh Cựu Ước có đề tài “tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa”. Từ “panim” dung nhan được lập lại tới 400 lần, trong đó có 100 lần quy chiếu về Thiên Chúa. Nhưng Do thái giáo cấm các hình ảnh, vì không thể diễn tả Thiên Chúa được, như các dân tộc làm với việc thờ lậy các ngẫu tượng. Xem ra nó loại trừ hoàn toàn việc “trông thấy” khỏi phụng tự và lòng đạo đức. Như vậy thì đối với tín hữu do thái đạo đức tìm nhan Thiên Chúa có nghĩa là gì, dù ý thức được rằng không thể có bất cứ hình ảnh nào của Người?

Câu hỏi này rất quan trọng, vì một đàng muốn nói rằng không thể giản lược Thiên Chúa vào một đồ vật, vào một hình ảnh đơn sơ, cũng không thể để cái gì vào chỗ của Thiên Chúa; tuy nhiên, đàng khác nó khẳng định rằng Người có một gương mặt, nghĩa là một ngôi thứ hai có thể bước vào trong tương quan, Người không khép kín trên Trời, và từ cao nhìn xuống nhân loại. Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:

Chắc chắn Thiên Chúa ở trên mọi sự, nhưng Người hướng mặt về chúng ta, lắng nghe, trông thấy, nói và kết ước với chúng ta, Mgười có khả năng yêu thương chúng ta. Lịch sử cứu rỗi là lịch sử của tương quan này của Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải từ từ cho con người, là Đấng làm cho con người biết tôn nhan Người.

Chính trong ngày đầu năm mùng một tháng Giêng chúng ta đã lắng nghe trong phụng vụ lời chúc lành rất đẹp trên dân: “Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Chúa rạng ngời nét mặt nhìn anh em và dủ thương anh em! Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,24-26).

Sự rạng ngời của dung nhan Thiên Chúa là suối nguồn sự sống, là điều cho phép trông thấy thực tại; ánh sáng gương mặt Người hướng dẫn cuộc sống. Trong Thánh Kinh Cựu Ước có một gương mặt gắn liền với đề tài “dung nhan Thiên Chúa”: đó là ông Môshê, người Thiên Chúa chọm để giải phóng dân Israel khỏi sự nô lệ Ai Cập, bằng cách ban cho dân Lề Luật của giao ước và dẫn đưa họ vế Đất hứa. Chương 33 sách Xuất Hành nói rằng ông Môshê có tương quan chặt chẽ và tin cậy với Thiên Chúa: “Chúa nói với ông Môshê mặt giáp mặt, như người ta nói với một người bạn” (Xh 33,11). Chính nhờ sự tin tưởng ấy ông Môshê mới xin Thiên Chúa: “Xin cho con thấy vinh quang Ngài” và câu trả lời của Thiên Chúa thật rõ ràng: “Ta sẽ cho tất cả lòng lành của Ta đi qua trước mặt ngươi và Ta sẽ xưng danh Ta là Giavê trước mặt ngươi... Nhưng ngươi sẽ không thể trông thấy mặt Ta, bởi vì không ai có thể thấy Ta mà vẫn sống... Đây là chỗ gần Ta.. Ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, nhưng tôn nhan Ta thì không được thấy” (Xh 33,18-33).

Như vậy, một đàng có sự đối thoại mặt giáp mặt như giữa bạn hữu, nhưng đàng khác có sự bất khả thể trông thấy Thiên Chúa là Đấng dấu ẩn, ở trong đời này. Việc trông thấy bị hạn chế. Sau cùng, chỉ có thể theo Thiên Chúa, bằng cách trông thấy lưng của Người.

Tuy nhiên, với sự Nhập Thể, xảy ra một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ. Việc tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa nhận được một khúc rẽ không thể tưởng tượng được, bởi vì bây giờ có thể trông thấy gương mặt ấy: đó là gương mặt của Đức Giêsu, của Con Thiên Chúa làm người. Nơi Người thành toàn con đường mặc khải của Thiên Chúa, đã bắt đầu với ơn gọi của tổ phụ Abraham. Người là sự trọn vẹn của việc mạc khải này, bởi vì là Con Thiên Chúa, đồng thời là “Đấng trung gian và sự toàn vẹn của Mạc Khải” (DV 2); nơi Người nội dung sự mạc khải và Đấng mạc khải trùng hợp với nhau. Đức Giêsu chỉ cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa và làm cho chúng ta biết tên của Thiên Chúa. Trong lời Cầu linh mục trong Bữa Tiệc Ly Người thưa với Thiên Chúa Cha: “Con đã biểu lộ danh Cha cho họ... Con đã làm cho họ biết danh Cha” (Ga 17,6.26). Kiểu nói “danh Thiên Chúa” có nghĩa Thiên Chúa như Đấng hiện diện giữa loài người.

Thiên Chúa đã vén mở danh người cho ông Môshê gần bụi gai cháy, Người đã khiến cho mình có thể khẩn cầu, đã cho một dấu chỉ cụ thể về “sự hiện diện” của Người giữa loài người. Tất cả những điều này tìm được sự thành toàn và trọn vẹn nơi Đức Giêsu: Người khai mào một kiểu mới sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì ai thấy Người là thấy Chúa Cha, như Người nói với Philiphê (x. Ga 14,9). Thánh Bênađô khẳng định: Kitô giáo là tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, nhưng khộng phải của “một lời nói viết ra và câm nín, mà là Ngôi Lời nhập thể và sống động” (Hom. super sissus est, IV, 11; PL 183,86B). Trong truyền thống giáo phụ và thời trung cổ người ta dùng một công thức đặc biệt để diễn tả thực tại này: Đức Giêsu là “Verbum abbreviatum”, là Lời ngắn gọn và nòng cốt của Thiên Chúa Cha, đã nói với chúng ta tất cả về Người.

Nơi Đức Giêsu sự trung gian giữa Thiên Chúa và con người tìm được sự viên mãn của nó. Trong Thánh Kinh Cựu Ước có một loạt các hình ảnh giữ nhiệm vụ này, đặc biệt là ông Môshê, người giải phóng, vị hướng đạo, người “trung gian” của giao ước như Thánh Kinh Tân Ước định ngĩa (x. Gl 3,19; Cv 7,35; Ga 1,17). Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là Người thật, không chỉ đơn sơ là một trong các người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, mà là “Vị Trung Gian” của giao ước mới và vĩnh cửu (x. Dt 8,6.9.15; 12,24). Thật thế, thánh Phaolô khẳng định: chỉ có một Thiên Chúa, một vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đó là Con Người Giêsu Kitô” (1 Tm 2,5; x. Gl 3,19-20). Nơi Người chúng ta trông thấy và gặp gỡ Thiên Chúa Cha; nơi Người chúng ta có thể khẩn cầu Thiên Chúa với tên gọi “Abba, Cha ơi”; nơi Người ơn cứu độ được ban cho chúng ta.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Nếu chúng ta muốn trông thấy gương mặt của Thiên Chúa, gương mặt trao ban ý nghĩa, sự vững vàng, niềm an bình cho con đường của chúng ta, chúng ta phải theo Chúa Kitô, không phải chỉ khi cần đến chúng hay khi chúng ta tìm ra được một khoảng thời gian giữa muôn ngàn bận rộn thường ngày. Nhưng toàn cuộc sống phải hướng về việc gặp gỡ Người, về tình yêu đối với Người và trong đó cả tình yêu đối với tha nhân cũng phải có một chỗ trung tâm, tình yêu mà dưới ánh sáng của Đấng chịu đóng đanh, làm cho chúng ta nhận biết gương mặt của Chúa Giêsu nơi người nghèo, người yếu đuối, người đau khổ.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ những ngày hành hương sốt sắng bổ ích. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục