Bài Giảng Của ĐTC Phanxicô Trong Thánh Lễ Đầu Tiên Tại Nhà Thờ Chính Tòa Của Giám Mục Rôma

(dongten.net) 09/04/2013

Vào lúc 5 giờ 30 chiều ngày Chúa Nhật 07 tháng 04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại đền thờ thánh Gioan Laterano, nhà chính tòa của Giám Mục Roma. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám Quản Roma và các Giám Mục Phụ Tá, trước sự tham dự của đông đảo các linh mục nam nữ và đại diện các hội đoàn và giáo dân các họ đạo Roma. Trong bài giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha.

Thật là một niềm vui cho tôi khi được cử hành thánh lễ đầu tiên tại Đại thánh đường Laterano, nhà thờ Chính tòa của Giám mục Rô-ma. Tôi xin thân ái chào tất cả anh chị em: Hồng y Giám Quản, các vị Giám Mục phụ tá, hàng Giáo Sĩ giáo phận, các phó tế, các tu sĩ nam nữ và toàn thể tín hữu. Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong ánh sáng của Chúa Phục Sinh.

1. Hôm nay, chúng ta đang cử hành thánh lễ Chúa Nhật II Phục Sinh, cũng là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đây là một chân lý đức tin tuyệt đẹp cho đời sống chúng ta: lòng thương xót của Thiên Chúa! Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao và sâu đậm; đó là một tình yêu bất diệt, một tình yêu luôn nâng đỡ, hỗ trợ, nâng chúng ta lên và dẫn chúng ta về.

2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Tô-ma Tông Đồ đã kinh nghiệm một cách cá vị lòng thương xót của Thiên Chúa, mang một gương mặt cụ thể, gương mặt của Đức Giê-su, Đấng Phục Sinh. Tô-ma không tin vào việc Đức Giê-su phục sinh khi các tông đồ khác nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Đối với ông, lời hứa của Giê-su, lời tiên báo về sự phục sinh của Ngài thì không đủ: “Vào ngày thứ ba Thầy sẽ chỗi dậy”. Ông muốn thấy, muốn đặt tay vào các dấu đanh và cạnh sườn Chúa. Và Đức Giê-su đã phản ứng thế nào? Với sự kiên nhẫn: Đức Giê-su không bỏ mặc Tô-ma trong sự cứng lòng ngu muội của ông; Ngài cho ông thời gian một tuần, Ngài không đóng cửa nhưng chờ đợi. Và Tô-ma nhận ra sự nghèo hèn và đức tin nhỏ bé của mình. “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”: với lời cầu đơn sơ nhưng trọn niềm tin này, ông đã đáp lại sự kiên nhẫn của Đức Giê-su. Ông đã để cho mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa; ông nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa trước mắt mình, nơi các thương tích ở tay, chân Đức Ki-tô và nơi cạnh sườn rộng mở của Người, và ông khám phá ra sự tin tưởng: ông là một con người mới, không còn là một kẻ cứng tin, nhưng là một người tin.

Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Phê-rô: ba lần ông chối Đức Giê-su, lúc mà đáng lẽ ông phải gần gũi nhất với Thầy, và khi ông cảm thấy đau khổ nhất, ông đã bắt gặp cái nhìn của thầy Giê-su đầy kiên nhẫn, không diễn tả bằng lời, cái nhìn đó nói với ông: “Phê-rô đừng e ngại sự yếu đuối của con, hãy tin tưởng vào Thầy”. Phê-rô hiểu, ông cảm nhận được cái nhìn đầy yêu thương của Thầy và ông khóc. Cái nhìn này của Đức Giê-su thật đẹp biết bao – biết bao nhiêu sự thắm thiết-dịu dàng chứa đựng nơi đó! Anh chị em thân mến, chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng vào sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về hai môn đệ trên đường đi Emaus: ngắm gương mặt buồn sầu của họ, dõi theo cuộc hành trình vô vị và sự thất vọng của họ. Nhưng Đức Giê-su không từ bỏ họ: Ngài đi bên cạnh họ, và không chỉ có thế, Ngài kiên nhẫn diễn giải những đoạn Thánh Kinh nói về Ngài, và Ngài đã ở lại để chia sẻ bữa ăn với họ. Đây chính là cách hành xử của Thiên Chúa: Ngài không mất kiên nhẫn như chúng ta. Chúng ta thường giải quyết mọi chuyện một lần cho xong, kể cả trong khi chúng ta đối xử với người khác. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn bởi vì Ngài yêu thương chúng ta, và những ai có khả năng yêu mến, thì có khả năng hiểu, hy vọng và tạo ra sự tin tưởng; họ không từ bỏ, không “qua cầu rút ván”, họ có thể tha thứ. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ điều này trong đời sống chúng ta với tư cách là Ki-tô hữu: Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta, thậm chí khi chúng ta đã rời xa Ngài! Ngài không bao giờ rời xa chúng ta, và nếu chúng ta quay lại với Ngài, Ngài sẵn sàng ôm trọn chúng ta.

Tôi luôn bị đánh động mỗi khi đọc lại dụ ngôn người Cha nhân hậu. Dụ ngôn này gây ấn tượng cho tôi bởi vì nó luôn trao cho tôi một niềm hy vọng lớn lao. Hãy nghĩ về người con thứ, người đã từng ở trong nhà của Cha, nơi cậu luôn được yêu mến. Dẫu vậy, cậu vẫn muốn phần gia tài của mình và ra đi, chi tiêu hết mọi thứ, và khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, nơi cậu không thể rời xa cha hơn được nữa, khi cậu đang ở trong tình trạng tệ nhất, cậu nhớ tới sự ấm áp nơi căn nhà của cha và quay về. Còn người cha? Phải chăng ông đã quên cậu? Không, chưa bao giờ. Ông vẫn ở đó, trông ngóng con từ đàng xa, ông chờ đợi con mỗi giờ và mỗi ngày. Cậu con trai luôn ở trong trái tim cha, cho dẫu cậu đã rời xa, cho dẫu cậu đã lãng phí toàn bộ gia tài của mình, tự do của mình. Với sự kiên nhẫn, người cha vẫn yêu thương, hy vọng, thương xót và không lúc nào là không nghĩ về con. Ngay khi ông thấy con ở đàng xa, ông đã chạy ra để gặp con, ôm lấy con với sự thắm thiết-dịu dàng, sự thắm thiết-dịu dàng của Thiên Chúa, không một lời quở trách: người con đã trở về! Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta, Ngài không bao giờ mệt mỏi. Đức Giê-su tỏ ra cho chúng ta sự kiên nhẫn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa để chúng ta có thể tiếp tục tin tưởng, hy vọng – luôn luôn là vậy! Romano Guardini nói rằng, Thiên Chúa đáp trả sự yếu đuối của chúng ta bằng sự kiên nhẫn của Ngài, và đây là lý do cho sự tin tưởng và niềm hy vọng của chúng ta (x. Glaubenserkenntnis, Würzburg 1949, p. 28).

3. Tôi muốn nhấn mạnh thêm một điều nữa: sự kiên nhẫn của Thiên Chúa khơi dậy nơi chúng ta sự can đảm để quay lại với Ngài, cho dẫu đã có quá nhiều lần chúng ta sai lỗi và phạm tội trong đời sống chúng ta. Đức Giê-su bảo Tô-ma đặt tay của ông vào những thương tích nơi cách tay, chân và cạnh sườn Ngài. Chúng ta cũng có thể đi vào những thương tích của Đức Giê-su, chúng ta có thể thực sự đụng chạm đến Ngài. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta lãnh nhận bí tích với niềm tin. Thánh Bernardo, trong bài giảng rất hay, đã nói: “Nhờ các thương tích của Đức Giê-su, tôi có thể nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương (x. Đnl 32,13), tôi có thể cảm nếm và nhìn xem sự thiện hảo của Thiên Chúa (sách Diễm-ca (On the song of songs), 61,4). Chính ở đó, nơi các thương tích của Đức Giê-su mà chúng ta thực sự an toàn; đó cũng là nơi ta gặp gỡ tình yêu vô hạn của con tim Ngài. Thánh Tô-ma hiểu điều này. Thánh Bernado tiếp tục hỏi: Tôi có thể cậy dựa vào điều gì? Vào công trạng của chính tôi ư? Không, công trạng của tôi chính là lòng thương xót của Chúa. Tôi không bao giờ thiếu công trạng bao lâu Ngài còn giàu có lòng thương xót. Nếu lòng thương xót của Thiên Chúa phong nhiêu, thì tôi cũng luôn dư thừa công trạng (ibid, 5). Điều này thì quan trọng: can đảm tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, tin tưởng vào sự kiên nhẫn của Ngài, tìm nương náu nơi các thương tích của tình yêu Ngài. Thánh Bernardo thậm chí còn nói rằng: “Nếu lương tâm của tôi giày vò tôi vì những tội lỗi của tôi thì sao? “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội (Rô-ma 5,20)” (Ibid.). Ai đó có thể nghĩ: Tội lỗi tôi nhiều lắm, tôi rời xa Thiên Chúa như người con thứ, tôi cứng lòng tin như Tô-ma; tôi không có can đảm để quay về, tin rằng Thiên Chúa đón chào tôi và rằng Ngài đang chờ đợi tôi. Nhưng Thiên Chúa thực sự đang chờ đợi bạn; điều Ngài yêu cầu bạn chỉ là sự can đảm để đến với Ngài. Trong sứ vụ mục tử của mình, có biết bao nhiêu lần tôi đã nghe người ta nói rằng: “Thưa cha, con có rất nhiều tội”; và tôi luôn mời gọi: “Đừng sợ, hãy đến với Ngài, Ngài đang chờ đợi con, Ngài sẽ chăm sóc mọi sự”. Chúng ta nghe những lời mời gọi từ thế giới xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa: lời mời gọi của Ngài là sự chăm sóc của tình yêu. Đối với Thiên Chúa, chúng ta không phải là những con số, chúng ta quan trọng vì chúng ta thật sự rất quan trọng đối với Ngài, kể cả khi chúng ta là những tội nhân, chúng ta là điều gì đó gần gũi nhất với trái tim của Ngài.

Adam sau khi sa ngã đã nghiệm thấy sự hổ thẹn, thấy trần truồng của mình, cảm nhận được gánh nặng của điều ông đã làm; nhưng Thiên Chúa không từ bỏ ông: nếu như khoảnh khắc phạm tội đánh dấu một khởi đầu của cuộc lưu đày ra khỏi Thiên Chúa, thì đó cũng là khoảnh khắc của lời hứa trở về, khả thể quay trở về với Ngài. Thiên Chúa liền hỏi: “Adam, ngươi ở đâu?” Ngài tìm kiếm ông. Đức Giê-su đã mang lấy sự trần truồng của chúng ta, chính Ngài đã mang lấy nỗi hổ thẹn của Adam, sự trần truồng của tội lỗi nơi ông, để rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta: nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành. Hãy nhớ lại điều thánh Phao-lô đã nói: “Tôi tự hào về điều gì nếu không phải là sự yếu đuối của tôi, sự nghèo hèn của tôi? Rõ ràng, khi cảm nhận tình trạng tội lỗi của tôi, khi khi vào tội lỗi của tôi, tôi có thể thấy và gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, tình yêu thương của Ngài và đến với Ngài để đón nhận sự tha thứ.

Trong đời sống của mình, tôi thường xuyên nhìn thấy gương mặt đầy lòng thương xót của Thiên Chúa và sự kiên nhẫn của Ngài. Tôi đã gặp biết bao nhiêu người tìm thấy sự can đảm để đi vào những thương tích của Chúa Giê-su bằng cách thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa, này con đây, xin đón nhận sự yếu nghèo khó của con, xin cất dấu tội lỗi con trong thương tích Chúa, và xin tẩy rửa tội con bằng máu của Ngài”. Và tôi đã thấy Thiên Chúa đã làm như vậy – Ngài đón nhận, an ủi, tẩy rửa và yêu thương họ.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy tin tưởng vào sự kiên nhẫn của Ngài, vì Ngài luôn cho chúng ta thời gian. Chúng ta hãy can đảm quay về nhà Ngài, để cư ngụ trong các thương tích yêu dấu của Ngài, để cho chúng ta được yêu thương và gặp gỡ được lòng thương xót của Ngài nơi các bí tích. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thắm thiết-dịu dàng của Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy được vòng ta yêu thương của Ngài để chúng ta ngày càng có khả năng thương xót, kiên nhẫn, tha thứ và yêu thương nhiều hơn.

Nguyễn Minh Triệu sj, chuyển ngữ


Về Trang Mục Lục