Nạn mang thai mướn tại Ấn Độ

vi.radiovaticana.va2013-08-20 17:36:19 – Trong các tuần qua báo chí thế giới đã phanh phui ra một thảm cảnh nô lệ mới trong xã hội ngày nay: đó là thảm cảnh phụ nữ Ấn nghèo tại Mumbai và New Dehli được trả tiền để mang thai mướn cho những cặp vợ chồng Tây Âu muốn có con mà không thể có con, vì nhiều lý do khác nhau. Trứng đã thụ thai được trồng vào tử cung của các bà mẹ mang thai mướn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Washington Post bà Koomal Kapoor, 24 tuổi sống trong một xóm nghèo ngoại ô thủ độ New Dehli, cho biết chị đã sinh đôi hai đứa con rất đẹp, da trắng tóc đen, và đã nhận được 8.000 mỹ kim tiền mang thai mướn từ một cặp vợ chồng Tây phương, có học vấn cao và công ăn việc làm chắc chắn tuyệt đối muốn có con. Chị Koomal Kapoor cho biết chị đã nhận mang thai mướn để có tiền bảo đảm tương lai cho đứa con gái của chị. Chị làm thuê trong một hãng may quần áo mỗi tháng chỉ có 54 mỹ kim tiền lương, còn chồng chị làm nghề hốt rắc mỗi tháng được 85 mỹ kim. Trong suốt thời gian mang thai người ta lập đi lập lại với chị rằng bào thai ấy không phải là con chị, mà là con của người khác. Mặc dù vậy, giây phút khó khăn nhất vẫn là lúc phải giao đứa bé chị đã nuôi nấng trong suốt thời gian mang thai cho người khác. Khi các bào thai không hội đủ tiêu chuẩn, nghĩa là không lành mạnh, đa số các phụ nữ mang thai mướn đã phải quyết định phá thai.

Việc mua bán trẻ sơ sinh bị coi là một tội phạm bị trừng phạt trong mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng hiện nay các hình thức thương mại này được tổ chức một cách rất tinh vi và được giới thiệu một cách dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, trong bản chất chúng thuộc thị trường quốc tế rộng lớn và mang lại các lợi nhuận rất lớn, gồm từ việc cho thụ thai trong lồng kính trong tất cả các hình thức khác nhau của nó: với trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng muốn có con, hay chỉ có một nửa tức chỉ có trứng của người vợ hay tinh trùng của người cha, hoặc phôi thai hoàn toàn của người khác được bán sẵn, rồi sau đó được trồng vào tử cung của phụ nữ mang thai mướn, cho tới khi đứa con chào đời.

Mang thai mướn đã là một dịch vụ thương mại rất cổ xưa trong lịch sử loài người, trong đó chỉ có những người nghèo là nạn nhân phải nhường thân thể và đứa con mình sinh ra cho những người giầu, để thỏa mãn ước muốn có con của những kẻ có tiền. Tuy nhiên, với các kỹ thuật tối tân ngày nay phôi thai được cấy vào tử cung của người phụ nữ mang thai mướn là con của một cặp vợ chồng lấy nhau hơp hợp pháp, hay chỉ chung sống với nhau. Nhưng càng ngày càng có nhiều trường hợp chỉ có một người nam hay nữ hoặc một cặp đồng phái muốn có con. Và trong trường hợp đó thì các tương quan sinh học giữa phôi thai và người sinh ra nó hoàn toàn vô danh và không chắc chắn.

Riêng đối với các cặp đồng phái nam, thì tử cung đi mướn và mua các trứng đã thụ tinh hầu như là phương thế duy nhất để có con với vài đóng góp di truyền riêng. Chính vì thế việc hợp thức hóa hôn nhân của các người đồng phái sẽ khiến cho dịch vụ thụ thai trong ống nghiệm và mang thai mướn lại ngày càng thịnh hành và lan tràn hơn nữa.

Để ý thức được tầm nghiêm trọng rộng lớn của tệ nạn mang thai mướn này trên bình diện tâm sinh vật thể lý và luân lý đạo đức xã hội, cần phải đọc bản tường trình tựa đề ”Làm mẹ thay thế. Luân lý đạo đức hay thương mại” của tổ chức phi chính phủ có tên gọi là ”Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli”. Tổ chức này chuyên nghiên cứu về các điều kiện sống của phụ nữ Ấn Độ. Bản tường trình cống hiến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về số phận của các phụ nữ Ấn nghèo, và vén mở cho thấy các tin tức và sự thật kinh khủng của tệ nạn này.

Bản tường trình nói trên là kết quả các cuộc phỏng vấn khoảng 100 bà mẹ mang thai mướn, tất cả người Ấn Độ, và 50 cặp vợ chồng Tây âu, đã liên lụy trong dịch vụ này tại các trung tâm và nhà thương ở Mumbai và New Dehli, từ nay trở đi đã nổi tiếng là các thủ đô của dịch vụ thương mại quốc tế cho mướn tử cung.

Với việc chuyển tài chánh, đứa con sinh ra từ bà mẹ mang thai mướn trở thành một ”món hàng có thể bán”, mà không chú ý gì đến các quyền của các phụ nữ mang thai mướn và các trẻ em sẽ sinh ra. Dịch vụ mang thai mướn này trầm trọng tới độ báo động Hội đồng nghiên cứu y khoa của Ấn Độ, là tổ chức của chính quyền năm 2005 đã phải đề ra một đường hướng chỉ dẫn. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có luật để điều phối hiện tượng này và nó đã trở thành một phong trào thu hút các cặp muốn có con trên toàn thế giới.

Ngoài ra từ năm 2012 các người ngoại quốc không còn có thể mướn mang thai tại Ấn Độ với giấy phép nhập cảnh du lịch nữa. Nhưng cần phải có giấy chứng nhận của một bác sĩ, và để có giấy này họ phải cống hiến vài bảo đảm tối thiểu, chẳng hạn như việc mang thai mướn phải được chấp nhận bởi chính quyền của các cặp vợ chồng muốn có con, hay thỏa thuận giữa hai bên phải được ký kết một cách chính thức. Mặc dù có các phòng ngừa tối thiểu như thế, tình hình được miêu tả trong bản tường trình gây kinh hoàng, và cũng thật là không ngoa, khi dùng từ ”nô lệ”.

Kỹ nghệ mang thai mướn bên Ấn Độ hàng năm thu lời tới 2 tỷ mỹ kim với hàng ngàn nhà thương không hợp pháp. Và dĩ nhiên là không ai có thể biết đã có bao nhiêu trẻ em sinh ra từ các cuộc mang thai mướn này. Giá biểu cho mỗi vụ mang thai mướn xê dịch từ 10.000 đến 35.000 mỹ kim: tính ra thì vẫn rất rẻ so với giá từ 59.000 cho tới 80.000 mỹ kim cho cùng các tiến trình mang thai mướn bên Hoa Kỳ. Nhưng nói tới việc lựa chọn các bà mẹ mang thai mướn cho các phụ nữ khác là một dối trá tàn ác. Thật ra các phụ nữ nhận mang thai mướn này là các phụ nữ nghèo, và mù chữ hay bán mù chữ, với các công việc làm bấp bênh được trả lương quá thấp, và không có cơ hội tiến thân nào trong xã hội Ấn. Họ chấp nhận mang thai mướn chỉ để có tiền, và họ được sự hỗ trợ của chồng, vì ông cũng cần tiền để trả nợ, hay để bảo đảm cho việc giáo dục các con cái của họ. Các phụ nữ được phỏng vấn tuổi từ 26 đến 30, phải mắn con, nghĩa là đã có các con. Luật cấm sử dụng các trứng thụ tinh riêng của họ cho dịch vụ mang thai mướn. Như thế các phụ nữ này bị bắt buộc phải ký hợp đồng tuyệt đối theo các kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm để có con, và phải từ bỏ chúng ngay sau khi cho chúng chào đời.

Đa số các phụ nữ mang thai mướn tại Ấn Độ được tuyển lựa bởi các người trung gian đã từng mang thai mướn. Hợp đồng được ký nhận giữa đôi vợ chồng muốn có con, người phụ nữ nhận mang thai mướn và người chồng của bà ta, nhưng không có chữ ký của nhân viên nhà thương lo cho dich vụ này hầu tránh các vụ kiện tụng tranh chấp pháp lý. Bình thường nó được ký vào tháng thứ 4 trở đi, khi cặp vợ chồng muốn có con biết chắc chắn bào thai sẽ chào đời và lành mạnh, không có các bất bình thường. Và trong trường hợp bào thai tàn tật, thì người mẹ mang thai mướn bị bắt buộc phải phá thai, mà không được hỏi ý kiến, nếu cặp vợ chồng muốn có con quyết định như thế. Trái lại, nếu khi sinh ra mà đứa bé tàn tật, thì khi đó các nhà thương hay các người trung gian có bổn phận phải tìm một giải pháp. Đôi khi hợp đồng cũng bao gồm cả phái tính của đứa trẻ sẽ sinh ra nữa.

Nếu vào địa chỉ trên mạng ”newlifeIndia.com” người ta có thể thấy tin tức chi tiết liên quan tới kỹ nghệ mang thai mướn này, với ”giá cả trọn gói” khác nhau tùy theo nguồn gốc các phôi thai. Trứng đã thụ tinh Ấn độ rẻ hơn trứng đã thụ tinh gốc Caucase. Chỉ cần trả thêm 10.000 mỹ kim nữa thì sẽ có đứa con da trắng, tóc hoe. Các gói giá mang thai mướn cũng bao gồm cả trường hợp hai bà mẹ mang thai cùng một lúc, rồi tùy ý các cặp muốn có con lựa chọn. Chi phí trả thành 4 đợt: đợt đầu 400 mỹ kim cho việc lựa chọn phụ nữ mang thai mướn bao gồm cả tiền chuyên chở; đợt hai trước khi thụ tinh trong ống nghiệm, đợt ba là khi đã mang thai, và đợt bốn là sau khi sinh. Tổng cộng tất cả là 28.550 mỹ kim, nếu đứa trẻ chào đời; trong trường hợp hai đứa thì được giảm giá chỉ mất 42.200 mỹ kim. Ngoài ra còn có các chi phí ngoại lệ: trường hợp sinh đôi thì thêm 1.000 mỹ kim, chỉ có một phôi thai thì 500 mỹ kim. Trường hợp mất tử cung được bồi thường 1.500 mỹ kim, trường hợp đứa trẻ sinh sớm thì cũng có giá tương đương với thời gian đứa bé sống trong lồng kính vv...

Sự kiện chỉ ký hợp đồng khi bào thai đã lớn khiến cho các phụ nữ mang thai mướn hoàn toàn tùy thuộc nơi các nhà thương, xét vì hầu như không có phụ nữ mang thai mướn hay chồng của họ biết đọc biết viết để hiểu các điều lệ của dịch vụ này. Chẳng hạn các chỉ dẫn hạn chế tối đa là ba lần thụ thai trong ống nghiệm cho mỗi lần mang thai mướn. Tử cung cho mướn phải được chuẩn bị đón nhận các phôi thai, nhưng vì là những người mù chữ các phụ nữ mang thai mướn thường không biết các nhà thương làm gì với họ và thân thể họ. Bản tường trình của Trung tâm nghiên cứu xã hội New Dehli cho biết hợp đồng chỉ được giải thích bằng miệng bởi các nhân viên hay bởi các bác sĩ nhà thương, và chỉ có ít phụ nữ mang thai mướn nhận được một bản của hợp đồng, mà họ không hay biết các điều khoản. Trong trường hợp phá thai tự nhiên hay được trợ giúp, các phụ nữ mang thai mướn không luôn luôn được trả tiền, cũng như trong trường hợp sinh đôi. Cũng có thể xảy ra là một cặp vợ chồng muốn có con mướn hai ba phụ nữ mang thai một lúc để được thành công một cách chắc chắn hơn. Nếu tất cả đều mang thai, thì chính họ được quyết định để cho họ sinh con hết hay không. Cũng có thể lựa chọn giải pháp rẻ hơn: trả tiền cho hai phụ nữ mang thai mướn cùng một lần thì rẻ hơn là phải trả trước sau một cách riêng rẽ. Tóm lại, trong kỹ nghệ mang thai mướn cũng giống như trong việc chuyển ngân thương mại, khách hàng có quyền đưa ra các điều kiện trước khi được phục vụ. Việc mang thai mướn là một dịch vụ với mọi hiệu qủa của nó, cũng như đứa bé là một sản phẩm với mọi hiệu qủa của nó.

Số tiền mà các phụ nữ cho mượn tử cung nhận được hoàn toàn là trong sự kín đáo của các nhà thương, thường chỉ bằng 1 hay 2% tổng số tiền các cặp vợ chồng muốn có con trả cho dịch vụ mang thai mướn này. Nói chung các nhà thương và các người trung gian thường không khích lệ các liên lạc giữa các bà mẹ nhận mang thai mướn và các cặp vợ chồng muốn có con, vì muốn tránh các hợp đồng kinh tế trực tiếp gây thiệt thòi cho tổ chức.

Trong thời gian mang thai các bà me mang thai mướn sống trong các ”nơi ẩn kín” là các nhà có người canh gác để họ khỏi trốn đi, để bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cho họ, và kiểm soát các điều kiện vệ sinh và y tế tránh các bệnh truyền nhiễm đến từ chồng của họ.

Trong các buổi phỏng vấn các bà mẹ mang thai mướn luôn luôn có sự hiện diện của các nhân viên nhà thương. Và trong đa số các trường hợp đứa bé sinh ra bị lấy đi ngay, và thường khi người ta cũng không nói cho người mang thai mướn biết đứa con đó là con trai hay con gái.

Đây qủa thật là một chế độ thực dân sinh sản, mà Tây phương già nua nhưng giầu có đã quen một cách bình thản, nhân danh các ”quyền dân sự mới”.

(Avvenire 6-8-2013) Viết theo Assunta Morresi

Linh Tiến Khải

 


Về Trang Mục Lục