ĐTC Phanxicô: Gặp Gỡ Thiên Chúa Nơi Những Người Bé Mọn Nhất

(dongten.net) 04/10/2013

  Nơi những vết thương của bệnh nhân dấu ẩn thương tích của chính Đức Giêsu Đấng luôn lắng nghe và đón nhận những con người bị loại trừ bởi nền văn hóa “thải bỏ”. Đây chính là điều mà Đức Thánh Cha muốn nhắn nhủ với các bệnh nhân nơi Viện Serafico, một Viện chăm sóc các bệnh nhân khuyết tật ở Assisi, quê hương của thánh Phanxicô Assisi. Trong bài nói chuyện của mình, Đức Thánh Cha cũng đọc cho mọi người nghe một lá thư tuyệt vời từ một cậu bé bị khuyết tật, một là thư mà ngài gọi đó là “quà tặng của Tình yêu Giêsu”. Sau đây là bài nói chuyện của Đức Thánh Cha.

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bắt đầu cuộc thăm viếng Assisi của mình bằng cách đến với anh chị em, chào mừng anh chị em! Hôm nay là ngày lễ thánh Phanxicô, và với tư cách là Giám Mục Roma, tôi đã chọn tên của ngài. Đó là lý do hôm nay tôi đến đây: cuộc thăm viếng của tôi trên hết là một cuộc hành hương của tình yêu, để cầu nguyện trước ngôi mộ của một người đã từ bỏ chính mình và mặc lấy Đức Kitô, và theo gương Ngài, thánh nhân đã yêu mến mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi. Với sự ngạc nhiên và giản dị, ngài đã yên mến công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tôi đang ở đây, tại cửa của thành phố, và tìm thấy Viện này, một cộng đoàn có tên gọi là Viện “Serafico”, một danh hiệu của thánh Phanxicô. Và người thành lập Viện này cũng là một Tu sĩ dòng Phanxicô, chân phước Ludovico da Casoria.

Và thật chính xác khi khởi hành từ đây. Thánh Phanxicô, trong Chứng Tá của ngài, đã viết: “Thiên Chúa nói với tôi: Phanxicô, con hãy bắt đầu làm việc đền tội như thế này: khi tôi ở trong tội, tôi cảm thấy hết sức khó chịu và cay đắng khi nhìn thấy người phòng cùi: và chính Thiên Chúa dẫn tôi đến giữa họ và tỏ rõ lòng thương xót. Và khi tôi rời xa họ, những gì trước đây dường như cay đắng, đã trở thành một sự dịu ngọt lớn lao trong tâm hồn và thân xác” (FF, 110).

Đáng buồn thay, xã hội này đang bị thấm nhiễm bởi một thứ văn hóa “thải bỏ”, vốn đi ngược với văn hóa đón nhận. Và những nạn nhân của thứ văn hóa thải bỏ ấy chính là những người yếu đuối và mỏng dòn nhất. Ngược lại, trong căn nhà này, tôi nhìn thấy sự diễn tả của một văn hóa đón nhận. Tất nhiên, mọi thứ ở đây chưa phải là hoàn thiện, nhưng anh chị em đang hợp tác với nhau vì phẩm giá của đời sống con người cùng khốn nhất. Cảm ơn vì dấu chỉ tình yêu mà các anh chị trao ban cho chúng tôi: đây chính là dấu chỉ của nền văn minh, mang tính nhân bản và Ki-tô giáo đích thực. Những người bất hạnh nhất phải trở thành trung tâm điểm của xã hội và chính trị! Tuy nhiên, đôi khi, các gia đình cảm thấy lẻ loi trong trách nhiệm của mình. Cần phải làm gì? Ở đây, nơi mà người ta nhận ra một tình yêu rất cụ thể, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: hãy nhân rộng những hoạt động của nền văn hóa đón nhận này, những hành động mà trên hết được làm sống động bởi tình yêu Kitô giáo sâu sắc, tình yêu Đức Kitô bị đóng đình, thân mình Đức Kitô, những hoạt động nơi ấy, những người lao động có chuyên môn, khả năng và được trả công thích đáng kết hợp với những người thiện nguyện hình thành một kho tàng vô giá.

Phục vụ với tình yêu và sự thắm thiết dịu dàng dành cho những người cần nhất giúp chúng ta lớn lên trong lòng nhân từ, bởi vì họ chính là nguồn mạch của lòng nhân từ. Thánh Phanxicô đã từng là một chàng trai trẻ giàu có, có những lý tưởng về vinh quang, nhưng Đức Giêsu, trong hình ảnh của một người cùi, đã nói với thánh nhân trong thinh lặng, biến đổi và giúp ngài hiểu được đâu là giá trị đích thực trong đời sống: không phải là sự giàu sang, sức mạnh quân sự, vinh quang trần thế nhưng là sự khiêm nhường, lòng thương xót và sự tha thứ.

Anh chị em thân mến, ở đây, tôi muốn đọc cho các bạn một vài điều thuộc về cá nhân, một trong những lá thư đẹp nhất mà tôi nhận được, một quà tặng của Tình Yêu Giêsu. Nicolas, một chàng trai 16 tuổi bị tàn tật từ thuở mới lọt lòng mẹ đã viết cho tôi. Em sống tại Buenos Aires. Tôi sẽ đọc nó cho anh chị em: “Đức Thánh Cha Phanxicô thân yêu: Con là Nicolas, năm nay con 16 tuổi. Tuy nhiên con không thể tự viết cho cha (bởi vì con không thể nói cũng chẳng thể bước đi được), vì thế con nhờ cha mẹ của con viết giúp con, bởi vì họ là những người hiểu con nhất. Con muốn kể cho cha rằng, khi con mới 6 tuổi, nơi Học viên của con, có tên gọi là Aedin, cha Pablo đã cho con rước lễ lần đầu, và cũng trong năm ấy, vào tháng 11, con đã nhận bí tích thêm sức, một điều đã trao cho con rất nhiều niềm vui. Cả buổi tối, vào cái đêm mà cha hỏi con, con đã hỏi Thiên Thần Bổn Mệnh của con, Đấng ấy có tên là Eusebio, ngài rất kiên nhẫn, con xin ngài bảo trợ và giúp đỡ cha. Cha hãy tin chắc rằng vị thiên thần bổn mệnh này sẽ làm rất tốt vì Ngài dã chăm sóc con và đồng hành với con mỗi ngày! Ah, và khi con không buồn ngủ.. ngài cũng đến để vui đùa với con! Con rất ước ao để được đến và gặp cha và để nhận phép lành cũng như một cái hôn của cha: chỉ vậy thôi cha ạ! Xin chào cha và con tiếp tục cầu xin Đấng bảo trợ Eusebio chăm sóc cha và ban cho cha sức mạnh. Nico”.

Trong lá thư, trong trái tim của cậu bé này, có một vẻ đẹp, một tình yêu và một vần thơ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn mạc khải cho những kẻ có trái tim đơn sơ, những người bé nhỏ, khiêm hạ, những người được xem là rốt hết và cả với anh chị em đây, anh chị em thân mến: cậu bé này khi không thể ngủ thì đùa vui với Thiên Thần Bổn Mệnh của cậu, là Thiên Chúa cũng đến để đùa vui với cậu.

Trong nhà nguyện của Viện này, vị Giám mục đã muốn chúng ta kiên nhẫn tôn thờ Thánh Thể: Đức Giêsu, chính Đấng mà chúng ta tôn kính trong Bí tích này, chúng ta cũng gặp Ngài trong những anh chị em mỏng dòn nhất, qua họ, chúng ta học được rằng Thiên Chúa yêu chúng ta với một trái tim đơn sơ, không có rào cản và sự phức tạp nào cả.

Cảm ơn tất cả mọi người vì cuộc gặp gỡ này. Tôi sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện cũng như trong tâm khảm tôi. Nhưng anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, xin Mẹ Maria và Thánh Phanxicô bảo vệ anh chị em.

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ


Về Trang Mục Lục