Báo La Republica phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô

(dongten.net) 04/10/2013

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với tôi rằng: “Mối nguy hiểm nhất của các sự xấu ảnh hưởng đến thế giới trong những ngày này là tình trạng người trẻ bị thất nghiệp và người già chịu cảnh cô đơn. Người già cần sự săn sóc và tình bằng hữu; người trẻ thì cần công việc và niềm hy vọng nhưng lại chẳng có được cái nào, và vấn đề là thậm chí họ còn không lo cho chính mình nữa. Họ đã bị hiện tại vắt kiệt sức. Ngài nói với tôi: người ta có thể sống kiệt lực dưới sức nặng của hiện tại không? Không có ký ức về quá khứ và không có  khát vọng nhìn đến tương lai, liệu có thể xây dựng một kế hoạch, một tương lai, một gia đình? Liệu có thể tiếp tục bước đi như thế? Theo tôi, đây là vấn đề cấp bách nhất mà Giáo Hội đang đối mặt.”

Thưa Đức Thánh Cha, tôi nói, đây trước hết là một vấn đề kinh tế, chính trị dành cho các quốc gia, chính phủ, đảng phái chính trị và các hiệp hội thương mai.

“Vâng, ngài nói đúng, nhưng thực ra nó cũng làm cho Giáo Hội phải bận tâm, một cách đặc biệt liên quan đến Giáo Hội, vì vấn đề này không chỉ làm tổn thương đến phần thể xác nhưng còn là linh hồn. Giáo Hội phải cảm thấy mình có trách nhiệm cho cả phần thể xác và linh hồn.”

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói rằng Giáo Hội phải cảm thấy có trách nhiệm. Liệu tôi có thể kết luận rằng Giáo Hội không ý thức được về vấn đề này và ngài sẽ lái Giáo Hội đến chiều hướng đó?

“Ở một phạm vi nào đó, Giáo Hội đã ý thức rồi, nhưng chưa đủ. Tôi mong muốn Giáo Hội phải ý thức hơn. Đó không chỉ là vấn đề duy nhất mà chúng tôi đối mặt nhưng còn là một vấn đề cấp bách và kịch tính nhất.”

Cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn ra vào thứ 3 tuần trước tại nhà khách Santa Matta của ngài, trong một căn phòng chỉ có một cái bàn và năm hay sáu chiếc ghế, cùng một bức tranh treo trên tường. Cuộc gặp gỡ này đến từ một cuộc gọi mà tôi sẽ không bao giờ quên, bao lâu tôi còn sống. Lúc đó vào khoảng 2 giờ rưỡi chiều. Chuông điện thoại của tôi reo lên và viên thư ký của tôi nói với tôi bằng giọng điệu có phần run run: “Là Đức Giáo Hoàng. Tôi sẽ chuyển cho ngài ngay.”

Tôi vẫn còn kinh ngạc khi nghe giọng nói của Đức Thánh Cha ở đầu dây bên kia “Xin chào, tôi là Giáo Hoàng Phanxicô đây.” “Xin chào, thưa Đức Thánh Cha”, tôi trả lời và rồi tôi nói tiếp, “tôi hơi bất ngờ vì không thể nghĩ đến chuyện Đức Thánh Cha gọi điện cho tôi.” “Sao lại ngạc nhiên thế? Ngài đã viết cho tôi một lá thư xin được gặp tôi cách riêng tư. Tôi cũng muốn như vậy, nên tôi gọi để xác định giờ giấc. Để tôi xem lại chương trình của mình: tôi bận vào thứ tư, thứ năm, thứ ba chúng ta gặp nhau nhé?”

Tôi trả lời, “Thưa, được ạ”

“Thời gian có hơi bất cập, ba giờ chiều ngày thứ 3, nhưng được chứ? Nếu không thì chúng ta đổi ngày khác.” “Thưa Đức Thánh Cha, được ạ”. Vậy là chúng tôi đồng ý sẽ gặp nhau vào ngày thứ ba ngày 24, lúc 3 giờ chiều, tại nhà Matta. Tôi phải đến ở cổng Sant’Uffizio.”

Tôi không biết phải kết thúc cuộc gọi làm sao và thế là tôi mạnh dạn nói: “Tôi có thể ôm cha qua điện thoại chứ?” “Dĩ nhiên rồi, tôi cũng vậy. Có ngày chúng ta sẽ ôm nhau bằng con người thật bên ngoài. Chào tạm biệt.”

Bây giờ, tôi ở đây. Đức Thánh Cha đến và bắt tay tôi, và chúng tôi ngồi xuống. Ngài mỉm cười và nói: “Một vài đồng nghiệp của tôi biết ngài, bảo với tôi là ngài đang cố cải đạo tôi.”

Người ta chỉ đùa tôi, tôi nói với ngài như vậy. Những người bạn của tôi lại nghĩ là ngài sẽ cải đạo tôi.

Ngài mỉm cười lần nữa và nói: “Lôi kéo người từ tôn giáo khác theo tôn giáo của mình là chuyện vớ vẩn to lớn, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Người ta cần cố gắng biết nhau, lắng nghe nhau và giúp nhau hiểu biết hơn về thế giới chung quanh chúng ta. Thỉnh thoảng, sau một cuộc gặp gỡ, tôi muốn sắp xếp một cuộc gặp khác vì những ý tưởng mới sẽ nảy sinh và tôi khám phá ra những nhu cầu mới. Điều quan trọng là: biết nhau hơn, lắng nghe, nới rộng vòng ý tưởng. Thế giới bao gồm những con đường đan kết chằng chịt nhau, đến gần nhau rồi đi xa, nhưng điều quan trọng là chúng đều dẫn tới Sự Thiện Hảo.”

Thưa Đức Thánh Cha, chỉ có một cái nhìn về sự Thiện Hảo thôi sao? Và ai là người quyết định đó là điều thiện hảo?

“Mỗi người chúng ta đều có một cái nhìn về điều tốt và điều xấu. Chúng ta phải khuyến khích người khác hướng về điều mà họ nghĩ là Sự Thiện Hảo.”

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã viết điều đó trong thư gửi cho tôi. Ngài nói rằng mỗi người đều có một lương tâm tự chủ và phải tuân theo lương tâm đó. Tôi cho rằng đó là một trong những bước tiến can đảm nhất mà một vị Giáo Hoàng đưa ra.

“Và tôi lặp lại nó ở đây lần nữa. Mỗi người đều có một ý niệm về điều tốt, điều xấu và phải chọn lựa để làm lành lánh dữ khi đối mặt với chúng. Điều đó đã đủ để làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.”

Giáo Hội có đang làm điều đó không?

“Vâng, đây là mục đích của sứ mạng của chúng tôi: nhận diện những nhu cầu vật chất và phi vật chất của con người và cố gắng gặp gỡ họ như chúng tôi có thể. Ngài có biết tình yêu “agape” là gì không?

Vâng tôi biết.

“Đó là tình yêu dành cho người khác, như Thiên Chúa của chúng tôi đã rao giảng. Đó không phải là lôi kéo người theo tôn giáo khác vào tôn giáo của mình, nhưng là tình yêu. Tình yêu dành cho tha nhân, một tình yêu như men làm dậy bột, một tình yêu phục vụ công ích.”

Yêu tha nhân như chính mình

“Chính xác là thế”

Đức Giê-su khi rao giảng, đã nói rằng tình yêu agape, tình yêu dành cho người khác, là cách thức duy nhất để yêu mến Thiên Chúa. Không biết, tôi nói như vậy có đúng không, xin ngài chỉ dạy.

“Ngài nói không sai. Con Thiên Chúa đã nhập thể để khơi dậy trong linh hồn con người cảm thức tình huynh đệ. Tất cả mọi người là anh chị em, là con cái Thiên Chúa. Bố ơi (abba), giống như Người đã gọi Chúa Cha. Đức Giê-su còn nói là Ngài sẽ chỉ cho các môn đệ con đường. Hãy theo thầy và các con sẽ thấy Chúa Cha và tất cả các con sẽ là con cái của Ngài và Ngài sẽ khiến chúng con hạnh phúc. Agape, tình yêu của mỗi người chúng ta dành cho nhau, từ đầu chí cuối, chính xác là con đường duy nhất mà Đức Giê-su đã chỉ định cho chúng ta để tìm thấy cuộc sống của ơn cứu độ và Cõi Phúc.”

Nhưng, như chúng ta vừa nói, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng tình yêu dành cho người khác cũng ngang bằng với tình yêu ta dành cho mình. Thế thì điều mà nhiều người gọi là “tự yêu mình” (narcisismo) sẽ được nhìn nhận là có giá trị, tích cực ở cùng một cấp độ như những tình yêu khác. Chúng ta đã nói rất nhiều về phương diện này rồi.

“Tôi không thích từ “tự yêu mình”, Đức Giáo Hoàng nói, “nó ám chỉ đến một loại tình yêu thái quá dành cho chính mình và đây là điều không tốt, nó có thể gây ra những nguy hại nghiêm trọng không chỉ cho tâm hồn những ai bị ảnh hưởng mà còn cho tương quan với những người khác, với xã hội trong người đó đang sống. Vấn đề khó khăn thực sự là những ai chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi điều này – vốn là một dạng của rối loạn tinh thần – là những người có rất nhiều thế lực. Thường thì các ông chủ là những người “tự yêu mình”.

Nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo Hội là những người như thế?

“Ngài có biết tôi nghĩ gì về điều này không? Các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội thường là những người “tự yêu mình”, được các nhân viên của mình nịnh nọt và tung hô. Triều đình là căn bệnh phong của giáo triều”

Căn bệnh phong của giáo triều, đây chính xác là từ ngài nói. Nhưng triều đình là cái gì? Có lẽ ngài đang ám chỉ đến curia chăng? Tôi hỏi.

“Không, có các cơ quan trong curia, còn curia xét như là tổng thể là điều khác. Trong quân đội, nó tựa tựa như văn phòng sĩ quan hậu cần, nó chịu trách nhiệm phục vụ cho Tòa Thánh. Nhưng nó có một nhược điểm: tinh thần quy Vatican (Vaticano – centrica). Nó nhìn đến và chăm lo cho  những lợi ích của Vatican, vốn phần lớn chỉ là những lợi ích tạm bợ. Quan điểm quy Vatican này bỏ lơ thế giới chung ta chúng ta. Tôi không thích như vậy và tôi sẽ mọi thứ có thể để thay đổi nó. Giáo Hội là và nên quay lại với tình trạng là cộng đoàn của dân Thiên Chúa, và các linh mục, mục tử và giám mục, những người chăm sóc các linh hồn phải phục vụ dân Thiên Chúa. Giáo Hội là như thế, một từ không quá khác biệt đến nỗi gây nhạc nhiên với từ Tòa Thánh, vốn có chức năng quan trọng nhưng chỉ là để phục vụ Giáo Hội. Tôi sẽ không thể có một đức tin trọn vẹn vào Thiên Chúa và Con của Người nếu tôi không được đào luyện trong Giáo Hội và nếu tôi không có cơ may sinh ra là một người Argentina, trong một cộng đoàn mà không có nó tôi không thể ý thức được về chính mình và về niềm tin của tôi.”

Ngài nghe được tiếng gọi của mình khi tuổi còn trẻ?

Không, không phải lúc quá trẻ. Gia đình tôi muốn tôi có một sự nghiệp khác, làm việc và kiếm tiềm. Tôi học đại học. Tôi cũng có một giáo viên mà tôi rất mực kính trọng, và chúng tôi có một tình bạn rất thân thiết, bà ấy là một nhà cộng sản nhiệt thành. Bà ấy thường đọc cho tôi nghe và cho tôi đọc những bài viết của Đảng Cộng Sản. Tôi cũng biết thuật ngữ rất duy vật ấy. Tôi nhớ là bà ta có cho tôi bản thông cáo từ Đảng Cộng Sản Mỹ biện hộ cho Rosenbergs, người đã bị kết án tử hình. Người phụ nữ mà tôi đang nói đến sau đó đã bị bắt, bị tra tấn và bị giết bởi chết bởi chế độ độc tài đã thống trị Argentina sau đó không lâu.”

Điểm nào nơi Chủ Nghĩa Cộng Sản thu hút ngài?

“Chủ nghĩa duy vật của nó chẳng hề có tí thu hút gì đến tôi. Nhưng học về nó thông qua một  người can đảm và trung thực điều có ích đối với tôi, tôi nhận ra một vài điều, một phương diện xã hội, mà sau đó tôi tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội.”

Thần học giáo phóng, mà Đức Gioan Phaolo II tuyệt thông, đang lan rộng ở Mỹ La Tinh.

“Đúng, nhiều thành viên của nó là người Argentina.”

Ngài có nghĩ là việc chống lại nền thần học này của Đức Gioan Phaolo II là đúng đắn?

“Nó chắc chắn cung cấp một nền chính trị theo sau cho thần học của họ, nhưng nhiều người trong số họ là những tín hữu và có một quan niệm cao độ về nhân văn.”

Thưa Đức Thánh Cha, liệu tôi có thể nói với ngài đôi điều về bối cảnh văn hóa của riêng tôi không? Tôi được nuôi nấng bởi một bà mẹ là một người Công Giáo nghiêm ngặt. Lúc 12 tuổi, tôi đã giành được giải thưởng giáo lý do các giáo xứ ở Roma tổ chức và tôi được một vị linh mục trao giải. Tôi rước lễ vào thứ sáu đầu tiên mỗi tháng, nói cách khác, tôi đã thực hành những bổn phận của một người Công Giáo và là một tín hữu thực thụ. Nhưng tất cả đã thay đổi khi tôi vào trường trung học phổ thông. Bên cạnh những tác phẩm triết học khác, tôi đã học Decartes “Discourse on Method [Bàn về Phương Pháp]” và tôi được tác động bởi câu mà bây giờ đã trở thành biểu tượng “Tôi suy tư nên tôi tồn tại.” Vì thế, cá nhân trở nên cái cơ bản cho hiện hữu nhân sinh, thành cứ điểm của tư tưởng tự do.

“Nhưng Decartes không bao giờ chối bỏ đức tin vào một Thiên Chúa siêu việt.”

Điều đó đúng, nhưng ông ta đã đặt nền cho một cái nhìn rất khác và tôi dường như theo con đường này, vốn là cái sau đó nâng đỡ cho những điều khác mà tôi đọc, khiến tôi có một quan niệm rất khác

“Nhưng theo chỗ tôi thấy ngài là một người không tin chứ không phải là một người bài giáo sĩ. Đây là hai chuyện rất khác nhau.”

Đúng vậy, tôi không phải là người bài giáo sĩ, nhưng tôi dần trở nên như vậy khi tôi gặp một giáo sĩ

Đức Thánh Cha cười và nói: “Dường như khi tôi gặp một giáo sĩ, tôi bất thình lình cũng trở thành người bài giáo sĩ. Chủ nghĩa giáo sĩ không nên có chỗ trong Ki-tô giáo. Thánh Phaolo, người đầu tiên đã nói chuyện với Dân Ngoại, những người ngoại giáo, tín hữu của các tôn giáo khác, là người đầu tiên đã dạy chúng ta điều này.”

Thưa Đức Thánh Cha, liệu tôi có thể hỏi ngài là vị thánh nào ngài cảm thấy gần gũi nhất trong tận sâu tâm hồn ngài, những người đã khuôn đúc nên kinh nghiệm tôn giáo của ngài?

“Thánh Phaolo là người đã đặt viên đá nền cho tôn giáo và tín điều của chúng tôi. Người ta không thể là một Ki-tô hữu có ý thức nếu không có thánh Phaolo. Thánh nhân đã thông chuyển giáo huấn của Đức Ki-tô thành cấu trúc học thuyết, mà với sự đóng góp của rất nhiều các tư tưởng gia, nhà thần học và linh mục, đã luôn kiên vững và tồn tại sau hai ngàn năm. Rồi thánh Âutinh, Biển Đức, Tôma Aquino, Inhã. Và tự nhiên có cả thánh Phanxicô nữa. Tôi có cần phải giải thích tại sao không?”

Đức Phanxicô – tôi cho phép mình gọi ngài như thế vì chính Đức Giáo Hoàng đã đề nghị như vậy qua cách ngài nói chuyện, cách ngài cười, cách ngài biểu lộ sự ngạc nhiên, sự thấu hiểu – đã nhìn tôi như thể để khuyến khích tôi hãy hỏi những câu hỏi có phần gây cấn và gây bối rối hơn dành cho những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội. Vì thế, tôi hỏi ngài: Đức Thánh Cha vừa giải thích tầm quan trọng của thánh Phaolo và vai trò quan trọng của thánh nhân, nhưng tôi muốn biết là vị nào trong số những người ngài vừa kể tên ngài cảm thấy gần gũi với mình nhất trong tâm hồn?

“Ngài đang hỏi tôi về cấp bậc, nhưng sự phân chia giai tầng thì dành cho các môn thể thao hay những điều giống như thế. Tôi có thể kể cho ngài tên của những cầu thủ bóng đá giỏi nhất ở Argentina. Nhưng các thánh thì…”

“Có câu ngạn ngữ: họ nói đùa với quân lính, ngài có biết câu này không?

“Biết chứ. Nhưng tôi không cố trốn tránh câu hỏi của ngài, bởi vì ngài không hỏi tôi về thứ bậc tầm quan trọng về mặt tôn giáo và văn hóa của các thánh nhưng hỏi về người mà tâm hồn tôi thấy gần gũi với mình nhất. Tôi có thể nói là: thánh Âutinh và Phanxicô.”

Không phải thánh Inhã sao, Đấng tổ phụ của dòng ngài?

“Inhã, vì những lý do có thể hiểu được, là vị thánh tôi biết nhiều hơn những người khác. Ngài đã thành lập dòng chúng tôi. Hẳn là ngài vẫn còn nhớ Carlo Maria Martini, vị này cũng xuất thân từ dòng Tên, rất gần gũi với tôi và cũng với ngài nữa. Các Giê-su hữu đã và vẫn luôn là men ướp – không phải duy nhất nhưng có thể nói là hiệu quả nhất – của Đạo Công Giáo: văn hóa, giáo huấn, việc truyền giáo, trung thành với Giáo Hội. Nhưng thánh Inhã, người sáng lập dòng Tên, cũng là một nhà cải cách và là một nhà thần bí. Đặc biệt là một nhà thần bí.”

Và ngài có nghĩ là các nhà thần bí rất quan trọng đối với Giáo Hội?

Họ đóng vai trò nền tảng. Một tôn giáo mà không có các nhà thần bí thì chỉ là triết học.”

Ngài có một tiếng gọi thần bí nào không?

“Ngài nghĩ thế nào”

Tôi nghĩ là không.

“Hầu chắc là ngài đúng đấy. Tôi yêu mến các nhà thần bí; thánh Phanxicô cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong đời sống của ngài, nhưng tôi không nghĩ là tôi có ơn gọi đó và rồi chúng ta phải hiểu được ý nghĩa sâu xa của từ này. Nhà thần bí cố gắng cởi bỏ chính mình khỏi những hành vi, trạng huống, đối tượng và thậm chí là sứ mạng mục vụ và lớn lên cho đến khi đạt đến sự kết hiệp với Cõi Chân Phúc. Những khoảng khắc ngắn ngủi nhưng tôi nghĩ là đong đầy trọn vẹn cuộc sống.”

Chuyện đó có bao giờ xảy đến với ngài không?

“Rất hiếm khi. Chẳng hạn, khi Mật Viện chọn tôi làm Giáo Hoàng. Trước khi tôi chấp nhân, tôi đã hỏi các hồng y là liệu tôi có thể dành ít phút trong căn phòng kế phòng có ban công nhìn ra quảng trường không. Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng và một nỗi âu lo to lớn ập xuống trên tôi. Để có thể đuổi nó đi và thư giãn, tôi nhắm mắt lại và xua tan hết những tư tưởng, thậm chí là tư tưởng từ chối vị trí này, như thủ tục phụng vụ cho phép. Tôi nhắm mắt lại và tôi không còn có nỗi lo âu hay xúc cảm nào khác. Một lúc sau, tôi bỗng được một luồng ánh sáng mạnh mẽ phủ lấp. Nó kéo dài một chút, nhưng đối với tôi, nó dường như rất lâu. Thế rồi, ánh sáng cũng mờ đi, tôi bất chợt đứng dậy và đi vào căn phòng nơi các hồng y đang đợi và đi đến chiếc bàn nơi đã để sẵn văn bản chờ tôi xác nhận. Tôi ký vào, Đức Hồng Y Camerlengo tiếp ký và rồi ngoài ban công có “Habemus Pampa [chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng]”.

Chúng tôi ngồi lặng thinh một chút, rồi tôi nói: “Chúng ta đang nói về các thành mà ngài cảm thấy gần gũi với tâm hồn mình nhất và ngài đang dừng lại với thánh Âutinh. Ngài có thể chia sẻ với tôi là tại sao ngài lại gần gũi với thánh nhân đến vậy?

Thậm chí đối với vị tiền nhiệm của tôi, thánh Âutinh cũng là một điểm quy chiếu. Vị thánh ấy đã trải qua những thăng trầm trong đời sống và đã thay đổi quan điểm học thuyết của mình đôi lần. Thánh nhân cũng đã có những lời lẽ gay gắt với người Do thái, mà tôi không bao giờ đồng tình. Thánh nhân đã viết rất nhiều sách và tác phẩm mà tôi nghĩ là biểu lộ rõ ràng nhất tri thức và sự thân mật thiêng liêng của ngài là cuốn “Confessions [Tự thú]”, là tác phẩm cũng ghi chép lại một vài diễn tả của chủ nghĩa thần bí, nhưng ngài không phải là sự nối tiếp của thánh Phaolo, như nhiều người đã tranh luận. Thật ra, ngài nhìn về Giáo Hội và đức tin khác với thánh Phaolo, có lẽ đã bốn thế kỷ trôi qua giữa người này với người kia.”

Khác biệt thế nào, thưa Đức Thánh Cha?

“Theo tôi, sự khác biệt ấy đặt trên hai phương diện cốt yếu. Thánh Âu-tinh cảm thấy bất lực trước dung nhan vời vợi của Thiên Chúa và những nhiệm vụ mà một người Ki-tô hữu và một giám mục phải vun tròn. Thực ra, không phải ngài không có năng lực nhưng ngài cảm thấy rằng linh hồn ngài không luôn như ngài mong muốn và cần trở nên. Và Thiên Chúa đã ban cho ngài ân sủng như một yếu tố căn bản của đức tin. Của cuộc sống. Của ý nghĩa cuộc sống. Người không được ân sủng đụng chạm có thể là người không có vết nhơ gì hay sợ hãi gì, như họ nói, nhưng họ sẽ không bao giờ giống người được ân sủng đụng đến. Đây là trực giác của Âutinh.”

Ngài có cảm thấy được ân sủng đụng chạm tới không?

“Không ai có thể biết được điều đó. Ân sủng không phải là một phần của ý thức, nó là ánh sáng trong linh hồn, không phải kiến thức hay lý luận. Thậm chí cả ngài, dù không biết, nhưng cũng có thể được ân sủng đụng chạm đến.”

Không có đức tin? Không phải là một tín hữu?

“Ân sủng liên quan đến linh hồn”

Tôi không tin vào linh hồn.

“Ngài không tin vào nó nhưng ngài có nó.”

Thưa Đức Thánh Cha, ngài nói là ngài không có ý cải đạo tôi và tôi không nghĩ như vậy.

“Chúng ta không thể biết được điều đó, nhưng tôi không có bất kỳ ý tưởng nào như thế.”

Còn thánh Phanxicô thì sao?

“Ngài rất cao cả vì ngài là mọi thứ. Ngài là một người muốn làm việc, muốn xây dựng, ngài đã lập một dòng tu và viết quy luật cho nó, ngài là một người lưu động và là một nhà truyền giáo, một nhà thơ và là một ngôn sứ, ngài là một nhà thần bí. Ngài nhận thấy sự dữ trong chính mình và đã cố gắng nhổ nó ra tận gốc. Ngài yêu thiên nhiên, muôn thú, đồng cỏ xanh và chim chóc bay lượn trên bầu trời. Nhưng trên hết ngài yêu con người, trẻ em, người già, phụ nữ. Ngài là mẫu gương sáng ngời nhất của tình yêu agape mà chúng ta đã nói lúc nãy.”

Đức Thánh Cha nói đúng lắm, những mô tả về thánh nhân thật hoàn hảo. Nhưng tại sao không ai trong số các vị tiền nhiệm của ngài chọn tước hiệu đó? Và tôi tin là sau ngài cũng chẳng có ai chọn.

“Chúng ta không biết về điều này, chúng ta không nên suy đoán về tương lai. Đúng vậy, không ai chọn tước hiệu này trước tôi. Ở đây, chúng ta đang đối mặt với một vấn đề trong số những vấn đề. Ngài có muốn uống gì không?”

Cảm ơn Đức Thánh Cha, có lẽ một ly nước là được rồi.

Đức Thánh Cha đứng dậy, mở cửa và xin ai đó đang ở cửa mang vào hai ly nước. Ngài hỏi tôi có muốn uống café không, tôi bảo không. Người ta mang nước đến. Khi cuộc nói chuyện kết thúc, ly nước của tôi cạn sạch nhưng của Đức Thánh Cha thì vẫn còn nguyên. Ngài khằng giọng cho thông cổ rồi bắt đầu nói tiếp:

“Thánh Phanxicô muốn có một dòng tu khất thực và lưu động, muốn có các nhà truyền giáo biết gặp gỡ, lắng nghe, nói chuyện, giúp đỡ, lan rộng đức tin và tình yêu. Đặc biệt là tình yêu. Và ngài mơ ước có một Giáo Hội nghèo khó, biết quan tâm người khác, nhận trợ giúp vật chất và sử dụng nó để giúp người khác mà không bận tâm về lợi ích của mình. Tám trăm năm đã qua từ thời ấy và thời gian đã thay đổi rất nhiều nhưng lý tưởng vê một Giáo Hội có tính truyền giáo và khó nghèo vẫn còn nguyên giá trị. Đây vẫn còn là Giáo Hội mà Đức Giê-su và các môn đệ truyền giảng.”

Các tín hữu Ki-tô giáo bây giờ chỉ là thiểu số, thậm chí ở Italia, vốn được biết đến như là sân sau của Giáo Hoàng. Những người công giáo còn thực thi bổn phận, theo một số cuộc điều tra, chỉ còn khoảng từ 8 đến 15%. Những người tự nhận là Công Giáo, nhưng chẳng tha thiết mấy thì khoảng 20%. Trên thế giới, có một tỷ hay hơn nữa người Công Giáo, và cùng với những giáo hội Ki-tô giáo khác, có trên 1 tỷ rưỡi, trong khi dân số thế giới là 6 hay 7 tỷ người. Quả thực là có nhiều người Công Giáo, đặc biệt là ở Châu Phi và Mỹ La tinh, nhưng người Công Giáo chỉ là thiểu số.

“Chúng tôi luôn luôn như thế nhưng vấn đề hôm nay không phải là chuyện đó. Cá nhân tôi nghĩ rằng một thiểu số thực sự có một sức mạnh. Chúng tôi phải là men ướp cho cuộc sống và tình yêu, và men thì chắc chắn phải nhỏ hơn một khối lớn trái cây, hoa, cây cối sinh ra từ nó. Tôi tin là tôi cũng đã nói rằng mục tiêu của chúng tôi không phải là lôi kéo người theo tôn giáo khác về với đạo Công Giáo nhưng là lắng nghe những nhu cầu, khao khát và thất vọng, những nỗi tuyệt vọng và hy vọng nữa. Chúng tôi phải khôi phục lại niềm hy vọng cho người trẻ, giúp đỡ người già, mở rộng tương lai, lan tỏa tình yêu. Là người nghèo giữa người nghèo. Chúng tôi cần quy tụ lại những người bị loại bỏ và rao giảng hòa bình. Công Đồng Vatican II, được gợi hứng bởi Đức Gioan và Phaolo VI, đã xác định là chúng ta phải nhìn về tương lai với một tinh thần hiện đại và phải mở ra cho nền văn hóa hiện đại. Các nghị phụ biết rằng mở ra cho nền văn hóa hiện đại là có ý nói đến việc thống nhất các tín hữu Công Giáo và đối thoại với người không tin. Nhưng sau đó, có quá ít điều được làm theo hướng ấy. Tôi có một sự khiêm nhường và tham vọng muốn làm cái gì đó.”

Cũng bởi vì – tôi tự cho phép mình thêm vào – xã hội hiện đại trên thế giới đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng sâu sắc, không chỉ về kinh tế nhưng còn xã hội và tinh thần. Ngay từ ban đầu cuộc gặp mặt này, Đức Thánh Cha đã diễn tả một thế hệ bị vắt kiệt bởi sức nặng của hiện tại. Thậm chí chúng tôi, những người không tin, cũng cảm thấy sức nặng rất mang tính nhân chủng học này. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn đối thoại với các tín hữu và những ai đại diện tốt nhất cho họ.

“Tôi không biết liệu tôi có là người tốt nhất trong số những người đại diện cho họ không nhưng Đấng Quan Phòng đã đặt tôi làm đầu Hội Thánh và kế vị Thánh Phê-rô. Tôi sẽ làm điều tôi có thể để hoàn thành lệnh truyền đã được trao phó cho tôi.”

Đức Giê-su, nhưng ngài giải thích, đã nói rằng: hãy yêu người thân cận như chính mình. Ngài có nghĩ là điều này đã xảy ra không?

“Thật không may là không. Sự ích kỷ ngày càng gia tăng còn tình yêu dành cho người khác thì đi xuống.”

Thế nên đây là mục tiêu mà chúng ta có chung: ít nhất là để cân bằng cường độ của hai thứ tình yêu này. Giáo Hội của ngài có sẵn sàng và chuẩn bị để thi hành trách nhiệm này không?

“Ngài nghĩ thế nào?”

Tôi nghĩ tình yêu dành cho quyền lực thế tục vẫn còn rất mạnh trong các bức tường Vatican và trong cấu trúc cơ cấu của toàn thể Giáo Hội. Tôi nghĩ là cơ chế đang thống trị trên Giáo Hội truyền giáo và nghèo khó mà ngài vẫn ước ao.

“Thực ra, nó là vậy và trong chuyện này ta không thể làm phép lạ được. Hãy nhớ lại rằng ngay cả thánh Phanxicô vào thời của ngài cũng đã phải trải qua những cuộc thương lượng lâu dài với phẩm trật ở Roma và Giáo Hoàng để quy luật của dòng ngài được nhìn nhận. Rốt cuộc, ngài cũng có được chuẩn nhận nhưng với những sự thay đổi và thỏa hiệp sâu xa.”

Ngài cũng sẽ đi cùng một con đường như thế chứ?

“Tôi chắc chắn không phải là Phanxicô Assisi và tôi không có sức mạnh và sự thánh thiện như ngài. Nhưng tôi là Giám Mục Roma và là Giáo Hoàng của giới Công Giáo. Điều đầu tiên tôi quyết định là chỉ định một nhóm 8 hồng y trở thành cố vấn cho tôi. Đó không phải là một cơ quan nhưng là những con người thông thái chia sẻ cảm thức với tôi. Đây là bước đầu của một Giáo Hội với một tổ chức không chỉ là chiều dọc mà con theo chiều ngang. Khi Đức Hồng Y Martini nói về việc nhấn mạnh đến các Hội Đồng và Thượng Hội Đồng, ngài biết rất rõ là con đường ấy dài và khó khăn thế nào để đi theo hướng đó. Với sự nhẹ nhàng, nhưng chắc chắn và bền bỉ.

Còn chính trị thì sao?

“Sao ngài lại hỏi thế? Tôi đã nói là Giáo Hội sẽ không bàn đến vấn đề chính trị.”

Nhưng chỉ vài ngày trước ngài đã mời gọi những người Công Giáo dấn thân vào những vấn đề dân sự và chính trị mà?

“Tôi không nói đến chỉ những người Công Giáo nhưng là tất cả những ai thành tâm thiện chí. Tôi nói là chính trị rất quan trọng cho các hoạt động dân sự và nó có lĩnh vực hoạt động riêng của nó, mà không dính dáng đến tôn giáo. Các cơ chế chính trị, từ định nghĩa, đã mang tính trần tục và nó hoạt động trong những bối cảnh độc lập. Tất cả các vị tiền nhiệm của tôi cũng đã nói điều tương tự, ít là trong nhiều năm liền, dù với những giọng điệu khác nhau. Tôi tin là những người Công Giáo dấn thân vào chính trị có thể mang lấy những giá trị của tôn giáo trong mình, có một ý thức trưởng thành và thông thạo ứng dụng chúng. Giáo Hội sẽ không bao giờ vượt quá nhiệm vụ diễn tả và truyền bá các giá trị của nó, ít là khi tôi còn ở đây.”

Nhưng Giáo Hội không luôn luôn như thế.

“Giáo Hội hầu như chưa bao giờ như thế. Thông thường, Giáo Hội, xét như một cơ chế, bị thống trị bởi chủ nghĩa thế tục, mà nhiều thành viên cũng như các chức sắc lãnh đạo Giáo Hội vẫn còn nghĩ theo cách này.

Nhưng bây giờ, để tôi hỏi ngài một câu hỏi nhé: ngài, một người thế tục không tin vào Thiên Chúa, thế ngài tin vào cái gì? Ngài là một nhà văn, một con người của tư tưởng. Ngài tin vào một cái gì đó, ngài phải có một giá trị trọng tâm. Đừng trả lời tôi với những từ như lòng trung thực, sự tìm kiếm, cái nhìn về công ích, tất cả những nguyên lý và giá trị quan trọng nhưng đó không phải là những gì tôi hỏi. Tôi đang hỏi đâu là những điều mà ngài cho rằng đó là bản chất của thế giới, thật ra là của vũ trụ. Dĩ nhiên là ngài phải tự vấn mình giống như bao người khác, chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, chúng ta đi về đâu. Ngay cả một đứa trẻ cũng tự hỏi mình những câu hỏi này. Ngài thì sao?

Tôi xin cảm ơn thì câu hỏi này. Câu trả lời của tôi là: tôi tin vào Sự Hiện Hữu, nghĩa là vào những mô mà từ đó những hình thức và cơ cấu lớn lên.

“Còn tôi tin vào Chúa, không phải là tin vào Thiên Chúa của Công Giáo, chẳng có Đấng nào là Thiên Chúa của Công Giáo cả, chỉ có một Chúa và tôi tin vào Đức Giê-su Ki-tô, sự nhập thể của Người. Đức Giê-su là thầy dạy và là mục tử chăn dắt tôi, nhưng Thiên Chúa Cha, Cha của tôi, là ánh sáng và là Tạo Hóa. Đây là Sự Hiện Hữu. Ngài có nghĩ là chúng ta đang ở rất xa nhau không?”

Chúng ta xa nhau về lối suy nghĩ nhưng giống nhau như những con người, được kích hoạt một cách vô thức bởi bản năng của chúng ta, hướng chúng ta đến những thúc đẩy, cảm xúc, ý chí, tư tưởng và lý luận. Về điều này, chúng ta giống nhau.

“Nhưng ngài có thể định nghĩa điều mà ngài gọi là Sự Hiện Hữu không?”

Sự hiện hữu là một mô năng lượng. Năng lượng hỗn độn nhưng bền vững và trong sự hỗn độn bất diệt. Các hình thức trồi lên từ năng lượng đó khi nó đạt đến điểm phát nổ. Các hình thức có những quy luật riêng của nó, trường điện từ của nó, yếu tố hóa học của nó, vốn kết hợp một cách ngẫu nhiên, phát triển lên và rồi lịm tắt dần nhưng năng lượng của nó thì không bị hủy diệt. Con người có thể là loài động vật duy nhất được phú bẩm cho tư tưởng, ít nhất là trên hành tinh của chúng ta và trong hệ mặt trời. Tôi nói rằng loài người được các bản năng và khát vọng lèo lái nhưng tôi muốn thêm rằng con người cũng chứa đựng trong chính mình sự cộng hưởng, một tiếng vọng, một ơn gọi của hỗn mang.

“Được rồi. Tôi không muốn ngài cung cấp cho tôi một tổng hợp triết học của ngài và điều mà ngài nói với tôi đã quá đủ cho tôi rồi. Từ quan điểm của tôi, Thiên Chúa là ánh sáng chiếu soi vào trong đêm tối, dù không hủy diệt nó, và có một tia sáng thần linh đang ngự trị trong chúng ta. Trong lá thư tôi viết cho ngài, tôi nhớ là tôi có nói rằng giống loài của chúng ta sẽ có ngày tàn nhưng ánh sáng của Thiên Chúa thì không. Từ đó, ánh sáng ấy xâm chiếm tất cả mọi tâm hồn và nó sẽ luôn ở trong mỗi người.”

Vâng, tôi nhớ điều này rất rõ. Ngài nói “Tất cả ánh sáng sẽ ngự trị trong các linh hồn”, tôi nghĩ là điều này gợi lên hình ảnh về nội tại tính hơn là siêu việt tính.

“Siêu việt tính vẫn còn đó bởi vì ánh sáng ấy, tất cả trong mọi thứ, trỗi vượt hơn vũ trụ và mọi giống loài mà nó cư ngụ vào giai đoạn đó. Nhưng hãy quay về với hiện tại. Chúng ta đã đi một bước tiến trong cuộc đối thoại của chúng ta. Chúng ta đã nhìn nhận rằng trong xã hội và thế giới mà chúng ta đang sống sự ích kỷ tăng nhanh hơn là tình yêu con người dành cho nhau, và chúng ta cũng cho rằng những người thiện chí phải làm, mỗi người với sức mạnh và chuyên môn của riêng mình, để đảm bảo rằng tình yêu dành cho người khác phải lớn lên cho đến khi nó ngang bằng và thậm chí là vượt hơn tình yêu dành cho chính mình.”

Một lần nữa, chính trị lại cũng góp phần gây ra điều này

“Chắc chắn rồi. Cá nhân tôi nghĩ rằng cái gọi là chủ nghĩa tự do không giới hạn chỉ làm cho người mạnh mạnh hơn và người yếu yếu hơn, người bị loại trừ bị loại trừ hơn. Chúng ta cần một sự tư do to lớn và nhiều tình yêu, chứ không phải là phân biệt đối xử, không phải là chính sách mị dân. Chúng ta cần những quy luật hành xử và nếu cần thiết, cũng phải có sự can thiệp của các nhà nước để điều chỉnh những sự thiên lệch có phần quá quắt.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài hẳn phải là một con người có niềm tin vững mạnh, được ân sủng đụng chạm, được những khao khát thúc đẩy đến việc chỉnh đốn Giáo Hội thành một Giáo Hội mục vụ, truyền giáo, canh tân và không thế tục. Nhưng từ cách mà ngài nói, và từ những gì mà tôi hiểu, ngài đang và sẽ là một vị giáo hoàng làm cách mạng. Một nửa Giê-su hữu, một nửa con người Phanxicô, một sự kết hợp có lẽ sẽ không bao giờ được nhìn thấy trước đó. Và rồi, ngài thích “The Betrothed [Đính hôn]” của Manzoni, Holderlin, Leopardi và đặc biệt là Dostoevsky, phim “La Strada [Con đường]” và “Prova d’orchestra [Cuộc tập dợt của dàn nhạc]” của Fellini, “Roma città aperta [Roma, thành phố rộng mở]” của Rossellini cũng như phim của Aldo Fabrizi.

“Tôi thích những tác phẩm ấy vì tôi đã xem chúng với bố mẹ tôi khi tôi còn là một đứa trẻ.”

Đây. Liệu tôi có thể đề nghị hai bộ phim giải phóng gần đây không? “Viva la libertà [Sống tự do]” và cuốn phim về Fellini của Ettore Scola. Tôi chắc là ngài sẽ thích chúng.

Tôi nói tiếp, liên quan đến quyền lực: ngài có biết là khi tôi 20 tuổi, tôi đã trải qua 1 tháng rưỡi làm linh thao với các Giê-su hữu không? Lúc đó, lính Đức Quốc xã đang ở Roma và tôi bị lọt sổ, không phải phục vụ cho quân đội. Điều đó có thể bị kết án tử hình. Các Giêsu hữu đã giấu chúng tôi trong điều kiện là chúng tôi làm linh thao suốt thời gian để họ có thể che giấu chúng tôi.

“Nhưng không thể trải qua một tháng rưỡi làm linh thao sao?” Ngài hỏi, ngạc nhiên và cười khoái chí. Tôi sẽ kể cho ngài nhiều hơn trong lần tới. Chúng tôi ôm nhau rồi đi lên một cầu thang ra đến cửa. Tôi nói với Đức Giáo Hoàng là không cần phải đi cùng tôi nhưng ngài gạt bỏ đòi hỏi ấy của tôi bằng một cử chỉ. “Chúng ta cũng sẽ thảo luận với nhau về vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội. Hãy nhớ là Giáo Hội là giống cái [trong tiếng Ý: La Chiesa – Giáo Hội - là giống cái]

Và nếu ngài thích, chúng ta cũng có thể nói về Pascal. Tôi muốn biết ngài nghĩ gì về tâm hồn vĩ đại này.

“Hãy gửi đến toàn thể gia đình ngài lời chúc lành của tôi và xin họ hãy cầu nguyện cho tôi. Hãy nghĩ đến tôi, thường xuyên nghĩ đến tôi”

Chúng tôi bắt tay và ngài đứng đó, đưa tay lên ban phép lành cho tôi. Tôi vẫy chào ngài từ cửa sổ. Đấy là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nếu Giáo Hội trở nên giống như ngài và trở thành điều mà ngài mong muốn, đó sẽ là một sự thay đổi mang tầm vĩ mô.

Chuyển ngữ: Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

 


Về Trang Mục Lục