Vị giám mục đứng lên từ chối đảng Cộng sản Trung Quốc

Ảnh chụp cận cảnh Đức cha Ma, người từ bỏ hội Công giáo Trung Quốc

Có dấu hiệu lạc quan trong quan hệ giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Giáo hội Công giáo La Mã.

Tháng 7-2012, linh mục Thaddeus Ma Daqin chuẩn bị nhậm chức giám mục phụ tá của Thượng Hải. Tổ chức Cộng sản cai quản Giáo hội trong sáu thập niên nay đã chọc tức Tòa Thánh bằng cách bổ nhiệm các giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican. Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc chuẩn bị tấn phong cha Ma, một trong các viên chức của hội, làm giám mục phó trong giáo phận Công giáo lớn nhất Trung Quốc này.

“Người ta ước đoán ngài sẽ ngoan ngoãn phục tùng”, linh mục Jim Mulroney, biên tập viên của tờ báo Công giáo Sunday Examiner ở Hồng Kông nói.

Thế nhưng đứng trước một ngàn người Công giáo và quan chức chính quyền tại nhà thờ chính tòa Thánh Inhaxiô, Đức cha Ma chối bỏ đảng Cộng sản: sẽ không “tiện” cho ngài ở lại Hội Yêu nước, ngài nói. Nhiều người trong đám đông tại nhà thờ vỗ tay vang trời. Nhiều người rơi lệ. Đức cha Ma đã chuyển hướng – và khủng hoảng xảy ra.

Chẳng bao lâu sau công chúng không còn nhìn thấy ngài nữa, ngài được Đức cố Giám mục Aloysius Jin Luxian hướng dẫn chuyển đến chủng viện bên ngoài Thượng Hải, tại đây ngài bị giam trong 20 tháng. Ngài bị tước bỏ tước hiệu mới, bị chính quyền tra hỏi trong nhiều tuần và buộc phải tham dự các lớp tuyên giáo về Cộng sản.

Việc ngài từ bỏ hội yêu nước giúp nhiều người nhận ra cuộc đấu tranh vốn diễn ra trong nhiều năm qua. Giáo hội Công giáo Trung Quốc bị chia làm hai cộng đồng Giáo hội “chính thức” chịu trách nhiệm trước đảng Cộng sản, và Giáo hội “bí mật” thề chỉ trung thành với Đức Thánh cha tại Rôma. Vấn đề gây mâu thuẫn nhất giữa hai cộng đồng là bên nào nắm quyền tấn phong giám mục.

Có dấu hiệu cho thấy có thể quan hệ hai bên sẽ ấm lên. Đã có các lãnh đạo mới được bổ nhiệm ở Vatican và Trung Quốc kể từ khi Đức cha Ma từ bỏ Hội Yêu nước.

Chính quyền Trung Quốc báo hiệu họ có thể bổ nhiệm cha Ma làm giám mục chính tòa của Thượng Hải tiếp theo, Thượng Hải hiện nay vẫn còn trống tòa, trả tự do cho hai giám mục trung thành với Vatican bị giam lâu nay, theo một nguồn tin thân Tòa Thánh. Nguồn tin cho biết nhiều người đã chuyển tải thông điệp này đến một viên chức Vatican trong các cuộc họp riêng.

Chắc chắn tình trạng của Đức cha Ma sẽ không được thay đổi nhanh chóng, nguồn tin Vatican cho biết, dựa trên sự phản đối của chính quyền Thượng Hải, họ vẫn còn tức giận việc cha Ma từ chối Giáo hội chính thức.

Nguồn tin không cho biết danh tánh của những người mang thông điệp này đến Vatican. Vì Vatican và Trung Quốc không có quan hệ chính thức, các phái viên không chính thức ở Bắc Kinh chuyển thông điệp đến Vatican hoặc trực tiếp đến Rôma hoặc thông qua các đại diện của Vatican tại Hồng Kông. Các phái viên liên lạc với các viên chức chính quyền hay đảng Cộng sản tại Trung Quốc, theo linh mục Jeroom Heyndrickx, thuộc đại học Công giáo ở Leuven, Bỉ, trước đây ngài làm phái viên không chính thức giữa Rôma và Bắc Kinh.

“Tôi có phần lạc quan vào lúc này. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn Vatican sẽ có một số chính sách dành cho Trung Quốc. Sau đó tôi nghĩ có thể khởi xướng đối thoại được”, nguồn tin Vatican nói.

Trung Quốc chưa có dấu hiệu công khai họ sẵn sàng nối lại đối thoại với Vatican, và một số người theo đường lối cứng rắn trong Giáo hội Công giáo phản đối việc thỏa hiệp với Trung Quốc.

Song song với thế bế tắc này là sự gia tăng đàn áp các nhóm bất đồng chính kiến, trong đó có các Kitô hữu theo “các giáo hội tại gia”, luật sư ủng hộ nhân quyền, viện sĩ và nhà hoạt động, dẫn đến nhiều vụ ra tòa và cầm tù.

Ban Tôn giáo nhà nước Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.

Cho đến nay Đức Thánh cha Phanxicô vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này, nhưng ngài nói với tờ nhật báo Ý Corriere della Sera trong tháng trước rằng ngài có trao đổi thư từ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ khi hai người nhậm chức vào cuối năm 2012. “Có quan hệ”, Đức Phanxicô thừa nhận, nhưng không nói chi tiết về cuộc trao đổi.

(UCAN 03.04.2014/ Reuters)

 


Về Trang Mục Lục