Tinh thần thế tục ngăn cản việc nhận ra sự nghèo nàn

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ sáng thứ Năm mồng 05.03.2015)

Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã liên tục sử dụng một từ khóa, đó là từ tinh thần thế tục. Theo Ngài, tinh thần thế tục làm cho tâm hồn trở nên u tối, và làm cho việc nhận ra sự nghèo nàn mang tính hiện sinh chung quanh mình, cũng như tất cả những gì là hậu quả của sự nghèo nàn ấy, trở nên không thể.

Đức Thánh Cha đã liên hệ đến bài Tin Mừng của ngày hôm nay (Lc 16,19-31). Bài Tin Mừng này nói về người phú hộ „mặc toàn lụa là gấm vóc“, và làm ngơ giả điếc không thèm nhìn đến người ăn xin có tên là La-gia-rô đang ngồi trước cửa nhà ông. Đức Thánh Cha đã chuyển dịch trình thuật này vào trong thế kỷ 21: Ngài đã so sánh viên phú hộ với một con người sống trong sự xa hoa của thời đại hôm nay. Có lẽ người ấy không nhất thiết phải là một người xấu – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Có lẽ ông ta là người có cuộc sống đượm tính tôn giáo, và cũng có lẽ ông ta đã dâng cúng một vài cái gì đó cho các Linh mục, mà các Linh mục này lại đón nhận sự dâng cúng của ông ta trong sự hèn nhát của mình. Nhưng ông ta không nhìn thấy người ăn xin nghèo túng và đói khát đang ngồi trước cửa nhà ông ta một cách đơn giản:

Mỗi khi ông ta rời nhà… Có lẽ ông ta đã đi với một chiếc xe hơi có kính mờ, và vì thế ông ta đã chẳng thấy gì. Có lẽ vậy. Cha không dám chắc. Nhưng chắc chắn là tâm hồn của ông ta, cặp mắt tâm hồn của ông ta đã bị mờ tối, đã bị làm vẩn đục, và ông ta đã không còn thấy gì nữa. Ông ta chỉ nhìn thấy cuộc sống riêng của ông ta, và không phát hiện ra điều gì đang xảy ra với người có tên là La-gia-rô này. Ông ta không phải là người xấu, nhưng là một người mắc bệnh. Ông ta mắc phải chứng tinh thần thế tục; và cơn bệnh này ngăn cản tâm hồn con người. Nó làm cho tính thực tế trở nên mờ tối. Những con người mắc phải chứng bệnh này sống trong một thế giới giả tạo được tạo nên bởi chính họ. Và vì thế, những con người sống trong thế giới giả tạo ấy không còn có khả năng nhìn ra sự thật được nữa.“

Đức Thánh Cha đã luôn phân phối đều cụm từ „tinh thần thế tục“ trong suốt bài giảng của Ngài, tinh thần ấy làm cho con người trở nên mù lòa trước những nhu cầu của người khác. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cũng đã cầu nguyện để xin cho các môn đệ của Ngài đừng sa vào „tinh thần thế tục“. Đức Thánh Cha đã so sánh tinh thần thế tục với một „linh hồn phạm tội“. Người phú hộ trong dụ ngôn này tượng trưng cho đám đông giầu có nhưng vô danh, họ chết chìm trong sự ích kỷ của mình. Đám đông ấy có một linh hồn giống như một sa mạc, như một „vùng đất toàn sỏi đá và thù địch với sự sống“. Trong trình thuật Tin Mừng, người phú hộ đã kết thúc trong địa ngục, còn La-gia-rô thì kết thúc trong lòng Áp-ra-ham. Sau cuộc sống của mình trên dương thế, viên phú hộ đã phải trả giá cho tội lỗi của mình. Nhưng bất chấp tinh thần thế tục của mình, ông vẫn không bị loại trừ bởi Thiên Chúa – Đức thánh Cha nói:

Khi người đàn ông sống theo tinh thần thế tục tội nghiệp ấy bị chôn vùi trong đau khổ và đã cầu xin với ông Áp-ra-ham để ông sai La-gia-rô gửi xuống cho mình vài giọt nước hầu làm dịu cơn khát, thì ông Áp-ra-ham đã trả lời làm sao, há không phải là theo nhân vật người Cha? ´Con ơi, hãy nhớ khi con còn sống…`. Những kẻ sống theo tinh thần thế tục đã đánh mất tên gọi của mình. Ngay cả chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng sẽ đánh mất tên của mình nếu chúng ta có một con tim thế tục. Nhưng chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi. Cho tới cuối cùng, chúng ta vẫn có một người Cha, Ngài chờ đợi chúng ta. Chúng ta hãy tín thác vào Ngài. Khi gọi: ´Hỡi con!`, Thiên Chúa đã bất chấp tinh thần thế tục của ông ta, Ngài vẫn gọi ông ta là con. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi!

(rv 05.03.2015 no)

Đam Trần


Về Trang Mục Lục