Giáo hội hiện hữu không phải để kiếm tiền – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 14.04.2015

 

Đích điểm của một Ki-tô hữu không phải là trở nên giầu có về vật chất, nhưng là trở nên phong phú về thiêng liêng. Với bài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm nay của Ngài tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đề cập tới „những căn nguyên của Ki-tô hữu“. Dựa vào câu hỏi, Chúa Thánh Thần mang đến điều gì cho một Cộng Đoàn, Đức Thánh Cha nói rằng, đó là hai điều: sự hòa điệu và lợi ích chung. Bài Đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 4,32-37) chỉ ra cho thấy, những điều ấy đã có trong Cộng Đoàn Ki-tô hữu sơ khai như thế nào, tức Cộng Đoàn đã phát sinh thông qua Chúa Thánh Thần sau ngày Phục Sinh.

 

Đó là một Cộng Đoàn được tái sinh, hay tốt hơn, nên nói rằng: đó là một Cộng Đoàn được tái sinh nhờ vào Chúa Thánh thần, Cộng Đoàn ấy có trong mình kho tàng của sự hiệp nhất và sự hòa điệu. Vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban cho chúng ta sự hòa điệu ấy, vì Chúa Thánh Thần thông hiệp với Chúa Cha và với Chúa Con. Có thể nói được rằng, Chúa Thánh Thần là quà tặng của sự hòa điệu ấy. Và quà tặng thứ hai chính là lợi ích chung. Vì như đã được nói trong Bài Đọc I, không ai trong họ phải chịu cảnh thiếu thốn. Tất cả những ai sở hữu ruộng vườn hay nhà cửa đều đem bán tất cả những gì mà họ sở hữu đi. Bất cứ ai cũng đều được phân phát cho một cách đầy đủ những gì mà họ cần. Đúng là có một số người trong họ rất giầu có, nhưng những người giầu có ấy đã chia sẻ những tài sản của mình cho người khác. Đó là hai cột trụ của một Cộng Đoàn sống trong Chúa Thánh Thần.“

 

Nhưng theo sự mô tả của sách Công Vụ Tông Đồ thì một sự phát triển „kỳ cục“ đã xuất hiện ngay sau đó, vì trong Cộng Đoàn bình an này, những vết nứt đã xuất hiện – Đức Thánh Cha nói. Ngài nhắc tới sự gian dối của Hanania và Saphira (xc. Cv 5,1-11): Hai người này muốn chống lại các Tông Đồ.

 

Như vậy đó là bất cứ ông chủ nào muốn làm thân với Giáo hội để giúp đỡ Giáo hội, nhưng thực ra chỉ là sự giúp đỡ hời hợt, nhưng đồng thời những người ấy lại muốn lợi dụng Giáo hội cho những công việc kinh doanh riêng của mình. Nhưng chúng ta cũng không được phép quên những sự bách hại mà Chúa Giê-su đã công bố. Trong những mối phúc được Tin Mừng theo thánh Mát-thêu thuật lại, có mối phúc nói rằng: Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao (xc. Mt 5, 11-12). Đúng là Chúa Giê-su đã hứa cho chúng ta điều đó, được nhận thấy bởi những việc khác chẳng hạn như sự bình an và sự tròn đầy. Ngài nói: Anh em sẽ có được gấp trăm lần so với những nỗi khổ cực của anh em.“

 

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ một cách khẩn thiết rằng, Cộng Đoàn Ki-tô giáo nguyên thủy đã sống trong sự khó nghèo. Vì Cộng Đoàn được tái sinh từ Chúa Thánh Thần chỉ cần tới sự bình an và sự hòa điệu, ngoài ra thì không cần tới bất cứ thứ gì khác nữa.

 

Trong tuần thứ hai sau Lễ Phục Sinh này, việc nghĩ tới Cộng Đoàn của chúng ta sẽ đem đến điều tốt lành cho tất cả chúng ta – bất luận giờ đây cộng đoàn ấy đang là Giáo phận hay Giáo xứ, gia đình hay một nhóm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Người ban cho chúng ta ơn hòa điệu và hiệp nhất, đó là những quà tặng của Chúa Thánh thần. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong sự khó nghèo, nhưng không phải là sự cùng khốn. Với sự khó nghèo, tôi nghĩ rằng, tôi sẽ từ bỏ những gì tôi sở hữu và đặt nó cho lợi ích chung với sự đại lượng… Và chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta có được sự kiên nhẫn.“

 

(rv 14.04.2015 mg)

 

Đam Trần


Về Trang Mục Lục