Đức Phanxicô dâng thánh lễ cầu cho Đức Bênêđictô nhân dịp sinh nhật thứ 88 của ngài.

(phanxico.vn)16/04/2015

Hôm nay là sinh nhật thứ 88 của Đức Bênêđictô XVI, và nhân dịp này Đức Phanxicô đã dành riêng ý thánh lễ ban sáng tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta để cầu cho ngài.

Ý bài giảng hôm nay là, ‘Những ai không biết cách đối thoại, là không vâng phục Thiên Chúa.’

Vatican Insider – Domenico Agasso Jr

Giáo hoàng Phanxicô chắc chắn rằng những ai không thể nói và nghe, thì không vâng lời Thiên Chúa và trong lòng muốn bịt miệng bất kỳ ai rao giảng sự mới mẻ của Thiên Chúa.

Bài đọc phụng vụ ngày hôm nay 16-4, nói về đức vâng phục: ‘Vâng phục thường đưa chúng ta theo một con đường không như ý mình nghĩ, một con đường khác. Nhưng vâng phục nghĩa là gì? Nghĩa là có can đảm để đổi đường khi Chúa muốn. Người vâng phục có sự sống trường sinh, còn người không vâng phục, thì cơn thịnh nộ của Chúa trút xuống trên họ.’

Trong bài đọc một trích sách Tông đồ Công vụ, các tư tế và lãnh đạo Do Thái ra lệnh các môn đệ Chúa Giêsu không được rao giảng Tin mừng cho dân chúng, lòng họ ‘đầy ghen tức’ bởi các phép lạ do tay các môn đệ làm cho dân tin theo, và ‘con số người tin ngày một tăng.’ Họ tống các môn đệ vào tù, nhưng trong đêm thiên thần của Chúa đến giải thoát, và các ngài trở lại rao giảng Tin mừng. Khi bị tống giam và bị tra hỏi lần nữa, Phêrô đáp lại lời đe dọa của thượng tế rằng: ‘Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.’ Nhưng các tư tế không hiểu được.

Đức Phanxicô chỉ ra rằng, ‘Họ là những thầy dạy trong dân, họ đã nghiên cứu lịch sử dân tộc mình, họ đã học về các ngôn sứ, họ đã học lề luật, họ biết tất cả mọi sự thần học về dân Israel, về mặc khải của Thiên Chúa, họ biết tất cả, họ là các thầy dạy, vậy mà họ không thể nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng tại sao lại cứng lòng đến thế? Bởi đây không phải là sự cứng đầu, không phải sự ương ngạnh ngoan cố đơn thuần. Mà đây là sự chai đá trong lòng … Và người ta có thể hỏi xem: Đường lối của sự ngoan cố này, hoàn toàn ngoan cố này, cả trong trí lẫn lòng này, là gì? Sự ngoan cố này là khép kín trong bản thân, là không đối thoại, là thiếu đối thoại.

Họ không biết đối thoại, họ không biết cách đối thoại với Thiên Chúa, bởi họ không biết cầu nguyện và nghe tiếng Chúa, và họ không biết cách đối thoại với người khác. Nhưng tại sao họ lại có nhận thức như thế? Họ chỉ diễn giải sao cho chính xác lề luật, nhưng lại khép lòng trước những dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử, họ khép lòng với dân, với dân tộc của mình. Họ khép lòng, khép chặt. Và thiếu đối thoại, khép chặt tâm hồn, khiến cho họ đến mức không vâng phục Thiên Chúa. Đây là bi kịch của các thầy dạy trong dân Israel, của các thần học gia trong dân Chúa, họ đã không biết lắng nghe, không biết đối thoại. Đối thoại với Thiên Chúa và với anh em mình.

Dấu hiệu cho thấy một người ‘không biết cách đối thoại, là họ ‘không mở ra với tiếng Chúa, với những dấu chỉ mà Chúa thực hiện giữa dân Ngài, là sự điên cuồng mong muốn bịt miệng hết tất cả những ai rao giảng sự mới mẻ của Thiên Chúa, chính là Chúa Giêsu Phục Sinh. Không phải vì lý do nào khác, vì họ không biết đối thoại mà đến mức này đây. Đây là một con đường đáng buồn thay.. Đây cũng là những người trả tiền cho lính gác mồ Chúa để phao tin rằng các môn đệ đã đến trộm xác Chúa Giêsu. Họ làm mọi sự có thể để không mở lòng trước tiếng Chúa.’

Đức Phanxicô kết bài giảng bằng lời mời gọi mọi người hãy ‘cầu nguyện cho các thầy dạy, các kinh sỹ, những người dạy dỗ dân Chúa, biết đừng khép kín bản thân, nhưng hãy đối thoại và cứu mình khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ trút xuống đầu họ nếu họ không chịu thay đổi.’

Ngày hôm nay, Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI bước sang tuổi 88, Giáo hoàng Phanxicô dành ý lễ hôm nay cầu cho bậc tiền nhiệm của mình, với những ý dành riêng rằng: ‘Tôi muốn nhắc tất cả các bạn, hôm nay là sinh nhật của Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Tôi dâng thánh lễ hôm nay cầu cho ngài, và tôi mời gọi các bạn cầu nguyện cho ngài, để Thiên Chúa nâng đỡ ngài, ban cho ngài nhiều niềm vui và hạnh phúc.’

Theo Vatican Radio, hôm nay là một dịp hạnh phúc ở tu viện Mẹ Giáo hội tại Vatican, nơi nguyên Giáo hoàng đang sống một đời cầu nguyện kể từ khi bước xuống ngai tòa Phêrô. Đức Joseph Ratzinger đã nhận được rất nhiều lời chúc, kể cả qua mạng xã hội.

 Đức Benedicto với các chủng sinh Munich và Freising hôm thứ bảy vừa qua 11-4-15

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

 


Về Trang Mục Lục