Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết ngỡ ngàng – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 20.04.2015

 

Các vị Tử Đạo giúp chúng ta tránh được nguy cơ biến Đức Tin thành quyền lực. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta. Bài Tin Mừng trong ngày (Ga 6, 22-29) tường thuật về việc nhiều người đã tìm kiếm Chúa Giê-su sau khi Ngài thực hiện phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, nhưng họ không đến từ sự „ngỡ ngàng thiêng liêng“, mà đến từ „mối quan tâm về vật chất“. Như thế, ngay trong Đức Tin cũng có nguy cơ không hiểu gì về sứ mạng thực sự của Chúa Giê-su. Điều đó sẽ xảy ra khi người ta khống chế nhân vật Giê-su, và như thế „rơi vào quyền lực“ – Đức Thánh Cha nói:

 

Thái độ này kéo dài trong các sách Tin Mừng: nhiều người đi theo Chúa Giê-su vì những mối quan tâm riêng. Thậm chí, trong số các Tông Đồ cũng có những người như vậy, chẳng hạn như hai người con của ông Dê-bê-đê: một người muốn trở thành thủ tướng, và người kia muốn trở thành bộ trưởng bộ tài chính. Họ khát khao quyền lực. Sứ mạng mang Tin Mừng đến cho người nghèo, giải phóng những kẻ tù đầy, làm cho kẻ mù lòa được nhìn thấy, đem lại tự do cho những kẻ bị áp bức, và công bố Năm Hồng Ân – đã bị phủ tối, đã bị đánh mất và đã bị biến thành một vấn đề quyền lực…

 

Người ta có thể quan sát thấy một mô hình giống hệt như thế trong những cơn cám dỗ mà ma quỷ mang đến cho Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Cơn cám dỗ sống theo tinh thần thế tục là một „cơn cám dỗ hằng ngày của các Ki-tô hữu, của tất cả chúng ta, những người ở trong Giáo hội“. Nhưng người ta rơi vào một sự do dự, và sự do dự ấy sẽ dẫn tới một thái độ mà Chúa Giê-su gọi là sự giả hình, nếu như sự do dự ấy cứ càng ngày càng phát triển thêm. Và rồi sau đó thì một người Ki-tô hữu sẽ chỉ còn là một Ki-tô hữu theo danh nghĩa. Và Giáo hội sẽ trở nên yếu nhược.

 

Thiên Chúa đánh thức chúng ta bằng chứng tá của các Thánh, bằng chứng tá của các vị Tử Đạo, các Ngài công bố cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày rằng, con đường của Chúa Giê-su chính là con đường mà qua đó Ngài được sai đến: công bố năm Hồng Ân. Những người trong Tin Mừng đã hiểu về lời phê phán của Chúa Giê-su và đã hỏi: Chúng tôi phải làm gì để thực thi công việc của Thiên Chúa? Và Chúa Giê-su đã trả lời họ: thực thi công việc của Thiên Chúa chính là việc tin vào Đấng Ngài đã sai đến!

 

Như thường lệ, Đức Thánh Cha đã khóa lại bài giảng của Ngài bằng một lời cầu nguyện, đồng thời đó cũng là một sự gợi ý: „Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn biết ngỡ ngàng trong sự găp gỡ, và xin Chúa cũng giúp chúng con để chúng con không rơi vào tinh thần thế tục, tức tinh thần mà nó làm cho chúng con sống dưới một lớp sơn Ki-tô giáo, giống như những người dân ngoại.

 

(rv 20.04.2015 gs)

 

Đam Trần

 


Về Trang Mục Lục