Các Ki-tô hữu nên chạy đến với Chúa Giê-su và không nên chỉ muốn có Ngài cho một mình mình – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 28.05.2015)

 

Một số người sử dụng thời gian cho Chúa Giê-su, và chính những người ấy lại gạt bỏ Chúa Giê-su – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta để nói về một thực tại nơi một Ki-tô hữu „giả hình“. Trong bài giảng của Ngài, trước hết, Đức Thánh Cha đã khởi đi từ một trong những câu chuyện của lịch sử cứu độ mà Tin Mừng đã thuật lại: người hành khất mù lòa tên là Bác-ti-mê đã van xin Chúa Giê-su chữa lành, nhưng anh ta lại bị các môn đệ quở trách, bị đòi phải thinh lặng. Biến cố này chính là một mẫu gương dành cho các Ki-tô hữu muốn có một mối tương quan „khép kín và ích kỷ“ đối với Chúa Giê-su, và muốn những người cùng khốn không có chỗ trong Ngài – Đức Thánh Cha nói:

Ngày hôm nay, những người ấy cũng không nghe thấy tiếng kêu cứu của những người cần đến Chúa Giê-su. Đó là một nhóm người thờ ơ lãnh đạm: họ không nghe, nhưng lại tin rằng, cuộc sống chính là nhóm nhỏ của họ. Họ hài lòng, họ bị điếc trước tiếng kêu của nhiều người đang cần tới ơn cứu độ, đang cần tới sự giúp đỡ của Chúa Giê-su, đang cần tới Giáo hội. Đó là những con người ích kỷ, và họ chỉ sống cho chính bản thân họ. Họ không có khả năng trong việc nghe thấy được giọng nói của Chúa Giê-su.“

 

Điều đó liên quan gì tới tôi: các Ki-tô hữu tách biệt và thờ ơ

Một mẫu gương tiếp theo đối với các Ki-tô hữu phân biệt trước tiếng kêu xin giúp đỡ, nhưng muốn bắt nó phải thinh lặng, đó là cách cư xử của các môn đệ với các em nhỏ. Họ muốn gạt các em nhỏ ra xa khỏi Chúa Giê-su, „để chúng không quấy rầy Chúa“, và muốn độc quyền chiếm đoạt Chúa cho mình. Những Ki-tô hữu tách biệt ấy đang gạt những người cần tới Đức Tin, cần tới ơn cứu độ, ra xa khỏi Thiên Chúa – Đức Thánh Cha nói. Ngay cả những kẻ buôn bán trong đền thờ cũng giống hệt như thế - rốt cục thì Chúa Giê-su cũng đã phải tống cổ chúng ra khỏi đó, vì chúng biến Nhà Chúa thành nơi chợ búa, và lạm dụng Thánh Danh Ngài: „Đó là những người chỉ mang danh là Ki-tô hữu, những Ki-tô hữu được đặt nơi phòng sinh hoạt, những Ki-tô hữu tại phòng lễ tân, nhưng đời sống nội tâm của họ thì không có tính Ki-tô giáo, nó mang tính thế tục. Một người tự nhận mình là Ki-tô hữu nhưng lại sống theo tinh thần thế tục, thì đang gạt những người cùng khốn ra xa khỏi Chúa Giê-su.“

 

Những kẻ giả hình: làm ra luật nhưng chính chúng lại không tuân giữ

Ngay cả những Luật Sĩ và những người Pha-ri-siêu cũng tạo ra khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa – Đức Thánh Cha bổ sung với việc tham chiếu chương 23 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu. Những kẻ „nghiêm nghị“ này „chỉ nói, nhưng chính chúng thì lại không thực thi những gì mình nói“ (câu 4). Chúng là „những kẻ giả hình“ – Đức Thánh Cha quả quyết, „chúng bó chặt những gánh nặng chung lại với nhau và đặt những gánh nặng ấy trên vai con người, nhưng chính chúng thì lại không muốn đụng ngón tay vào để mang những gánh nặng ấy“ (câu 5).

Sau cùng cũng có những Ki-tô hữu mà „ở đây họ giúp đỡ để tới gần Chúa Giê-su“ – Đức Thánh Cha đã nói như thế để chốt lại bài giảng. Những Ki-tô hữu mà có thể nói được là, họ thúc đẩy và sống „nền văn hóa gặp gỡ“: Nơi những người này – không giống như ở nơi những kẻ thờ ơ lãnh đạm, những kẻ tách biệt và những người Pha-ri-siêu – có „một mối liên hệ chặt chẽ giữa điều mà họ tin và giữa điều mà họ sống“ – Đức Thánh Cha ca ngợi:

Ở đây, họ giúp để đến gần Chúa Giê-su, họ giúp đỡ những người đang kêu cứu, những người đang cần tời ơn cứu độ, những người đang cầu xin ân sủng và sức khỏe thiêng liên cho tâm hồn họ. Cuộc thẩm tra lương tâm cũng sẽ mang đến cho chúng ta nhiều ích lợi để nhận ra xem, liệu chúng ta có phải là những Ki-tô hữu đang gạt con người ra xa khỏi Chúa Giê-su không, hay đang đưa họ đến gần Ngài, và đang nghe thấy tiếng kêu của tất cả những ai đang cầu xin sự giúp đỡ cho ơn cứu độ của cá nhân họ.“

 

(theo de.rv 28.05.2015 pr)

 

Đam Trần

 



                                   
Về Trang Mục Lục