Chịu đựng, tín thác, và tìm thấy sự bình an“ – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 05.05.2015

 

Trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đề cập tới ba từ khóa: Chịu đựng, tín thác và tìm thấy bình an. Bài giảng của Ngài được khởi đi từ Bài Đọc thứ nhất, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 14,19-28). Bài Đọc này đã tường thuật cho thấy, trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, Thánh Phao-lô đã bị ném đá bởi một bọn du thủ bị kích động như thế nào, nhưng đã thoát khỏi.

Ai muốn bước vào trong vương quốc của Thiên Chúa, người ấy phải „đi qua những giây phút đen tối và khó khăn“ – Đức Thánh Cha giải thích. Các Ki-tô hữu „không có quan điểm khổ dâm“, nhưng họ ý thức một cách rất đầy đủ rằng, họ phải chiến đấu chống lại tên hoàng tử của thế gian này, vì hắn đang ra sức làm cho họ xa rời „Lời của Chúa Giê-su, xa rời Đức Tin và xa rời niềm hy vọng“. Vì thế, từ khóa trước tiên là: Chịu Đựng.

Sự chịu đựng mang nhiều ý nghĩa hơn là sự kiên nhẫn. Nó có nghĩa là mang gánh nặng của những đau khổ trên đôi vai. Ngay cả cuộc sống của một Ki-tô hữu cũng có những giây phút như thế. Nhưng Chúa Giê-su nói với chúng ta: ´Đừng chán nản trong giây phút ấy! Thầy đã chiến thắng, và anh em cũng sẽ là người chiến thắng!` Lời đầu tiên này soi sáng cho chúng ta, để chúng ta tiến về phía trước trong những khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống, những khoảnh khắc khó khăn ấy cũng làm cho chúng ta đau khổ.“

Sách Công Vụ Tông Đồ cũng tường thuật rằng, ngay sau khi bị ném đá, Thánh Phao-lô đã „bổ nhiệm các vị trưởng lão thông qua việc đặt tay“, và „phó thác họ cho Thiên Chúa với lời cầu nguyện và ăn chay“. Từ đó dẫn đến từ khóa thứ hai trong bài giảng của Đức Thánh Cha: Phó Thác, hay cũng còn được gọi là Tín Thác. Một Ki-tô hữu có thể chịu đựng được những khó khăn, „và kể cả những cuộc bách hại“, nếu người ấy biết tín thác vào Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới „có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đứng vững“:

Trao phó cho Thiên Chúa một cái gì đó, tín thác vào Thiên Chúa giây phút khó khăn này, phó thác chính mình cho Thiên Chúa, trao phó các tín hữu của chúng ta cho Thiên Chúa, các Linh Mục và các Giám Mục… Trao phó cho Thiên Chúa các gia đình, cũng như những người bạn bè của chúng ta, và hãy nói với Ngài: ´Lạy Chúa, xin Chúa quan tâm tới họ, họ là của Chúa!` Đó là một lời cầu nguyện mà không hẳn lúc nào chúng ta cũng sử dụng, lời cầu nguyện tín thác: ´Lạy Chúa, con xin trao phó điều đó cho Chúa, xin Chúa hãy làm cho điều đó tiếp tục`, đó là một lời cầu nguyện Ki-tô giáo tuyệt vời. Đó là thái độ của sự tín thác vào sức mạnh của Thiên Chúa, phó thác cho sự trìu mến của Thiên Chúa, Đấng là Cha.“

Ai cầu nguyện như thế từ tận cõi lòng, người ấy sẽ cảm thấy: ´Thiên Chúa không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta` - Đức Thánh Cha nói tiếp. Những khó khăn gây đau khổ cho chúng ta, nhưng ai phó thác vào Thiên Chúa, người ấy sẽ kín múc được niềm hy vọng mới, „và lời thứ ba đến từ đó: Bình An“. Vì thế, Đức Thánh Cha hướng về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 14, 27-31a). Bài Tin Mừng này thuật lại việc Đấng Phục Sinh nói với các môn đệ của Ngài rằng: ´Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em`. Sự bình an mà Chúa Giê-su nghĩ tới, không chỉ đơn giản như là một sự yên tĩnh, nhưng đi „vào trong nội tâm“, đó cũng là „một sự bình an có khả năng trao ban sức mạnh cho bạn“.

Ba từ: Chịu Đựng đau khổ, Tín Thác, và Bình An. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải đi trên con đường gian khó ít là một lần, nhưng điều đó thuộc về cuộc sống. Trao phó bản thân mình cho Thiên Chúa trong những giây phút ấy – Ngài sẽ đáp lại chúng ta với sự bình an. Vị Thiên Chúa ấy, Đấng là Cha, rất yêu thương chúng ta, và không bao giờ gây thất vọng cho chúng ta! … Chúng ta hãy cầu xin Chúa, xin Ngài ban cho tất cả chúng ta sự bình an của Ngài.“

 

(rv 05.05.2015 sk)

 

Đam Trần

 



                                   
Về Trang Mục Lục