Lễ Chúa Thăng Thiên

 

Vào ngày thứ bốn mươi sau Lễ Phục Sinh, các Ki-tô hữu cử hành Đại Lễ Chúa Thăng Thiên. Thực ra, Đại Lễ này vẫn còn thuộc về mầu nhiệm Vượt Qua: Chặng đường cứu độ của Thiên Chúa đi băng qua sự chết để đi vào trong sự sống mà chúng ta được tham dự vào đó. Vì thế, trước đây, nội dung của ngày Đại Lễ này được cử hành chung ngay vào ngày Đại Lễ Phục Sinh – hay cũng được cử hành chung vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chỉ nơi Thánh Lu-ca, trong sách Công Vụ Tông Đồ, nội dung về việc Chúa Giê-su thăng thiên mới được tách ra khỏi cuộc Phục Sinh, và cũng có sự khác biệt xét về yếu tố thời gian. 

Trong cuốn sách của Ngài với tựa đề „Chúa Giê-su thành Nazareth“ (cuốn 2, trang 306f), Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết về sự Thăng Thiên của Chúa Ki-tô như sau:

Những câu cuối cùng trong cuốn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca có nội dung thế này: ´Sau đó, Chúa Giê-su dẫn các môn đệ tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỉ…`(Lc 24, 50-52). Những lời kết thúc này gây ngạc nhiên cho chúng ta… Trong khi chúng ta nghĩ rằng, các Tông Đồ sẽ trở về lại với sự hoang mang và sầu muộn … Thế nhưng các ông đã nhận được một sứ mệnh mà nó có vẻ như không tưởng … Phải chăng sự chia tay lần cuối của Chúa Giê-su sẽ làm cho các môn đệ đau buồn?

Các môn đệ đã không cảm thấy mình bị bỏ rơi bởi biến cố chia tay này. Các ông không nhìn Chúa Giê-su như là một sự biến mất khỏi các ông để đi vào trong một bầu trời xa tắp. Các ông biết được một cách rõ ràng về một sự hiện diện mới của Chúa Giê-su. Các ông ý thức rằng, ngay trong lúc này đây, Chúa Giê-su đang hiện diện bên cạnh các ông bằng một cách thức mới và đầy quyền năng. Các ông biết rằng, Chúa Giê-su đã được nâng lên, và được đặt „ngồi bên hữu Thiên Chúa“, sự hiện diện của Ngài theo một cách thức mới cũng bao hàm việc giờ đây Ngài đang ở bên cạnh các ông một cách không thể tách rời, giống hệt như việc chỉ có Thiên Chúa ở gần chúng ta.

Niềm vui của các Tông Đồ sau cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su đã chỉnh sửa cái nhìn của chúng ta về biến cố này. Lên Trời không có nghĩa là đi vào trong một khu vực xa xôi nào đó của vũ trụ, nhưng là lưu lại ngay bên cạnh. Các Tông đồ đã có được một kinh nghiệm rất mãnh liệt về việc Chúa Giê-su đang ở ngay bên cạnh mình, đến độ các ông không ngừng vui mừng về chuyện đó…

Những lời từ trong đám mây – tức nơi mà Chúa Giê-su biến mất – không miêu tả sự biến mất của Chúa Giê-su như là một chuyến công du tới những vì sao, nhưng miêu tả sự kiện ấy như là một sự bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không ở trong một không gian bên cạnh những không gian khác. Thiên Chúa là Thiên Chúa – Ngài là điều kiện tiên quyết và là nền tảng của tất cả mọi không gian mà chúng đang tồn tại, nhưng Ngài không ở trong bất cứ một không gian nào trong những không gian đó … Sự hiện diện của Ngài không ở trong không gian, nhưng hiện diện trong chính Thiên Chúa. ´Lên ngồi bên hữu Thiên Chúa` có nghĩa là tham dự vào không gian ấy của Thiên Chúa. …

Sự ra đi của Chúa Giê-su cũng chính là sự đi đến, là một cách thế mới của sự gần gũi, một sự hiện diện bền vững… Vì Chúa Giê-su ở bên Chúa Cha, nên Ngài sẽ không ở xa, nhưng ở trong sự gần gũi của chúng ta…“

 

(Theo de.rv 16.05.2015 sk)

 

Đam Trần






                                   
Về Trang Mục Lục