Muốn được học để nói lời vĩnh biệt – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 19.05.2015)

 

Chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa Cha khi chúng ta giã từ thế giới. Với những lời này trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã suy tư về cuộc vượt qua để đi vào sự sống vĩnh cửu, giống như Chúa Giê-su đã thực hiện điều ấy trong bài Tin Mừng của ngày hôm nay, nhưng trước hết, Ngài đã đi ngang qua đau khổ (Ga 17,1-11a). Ở điểm này, Đức Thánh Cha đã nhắc tới số phận của các Ki-tô hữu và của những người Jesiden đang bị bách hại tại Irak, cũng như nhắc tới những người Rohingya, tức những người tị nạn Hồi giáo đến từ Myanmar đang bị dồn lên những chiếc tàu trên biển, và bị tái đẩy ra biển bởi chính phủ Malaysia.

Trong cuộc sống có rất nhiều cuộc giã từ, lớn cũng như nhỏ, và đôi khi những cuộc chia tay ấy đưa tới nhiều nước mắt và khổ đau“ – Đức Thánh Cha đã nói như thế trong bài giảng của Ngài. „Hôm nay chúng ta hãy nghĩ tới những người Rohingya nghèo khổ của Myanmar. Khi họ trốn khỏi quê hương của họ để tránh những cuộc bách hại, họ không hề biết về những điều gì sẽ xảy ra cho họ. Và giờ đây, kể từ giây phút đó, họ đang lênh đênh trên biển với những con tàu. Họ hướng về một thành phố, nơi người ta trao cho họ nước uống và thức ăn, và sau đó nói: Hãy ra đi. Đó là một cuộc chia tay. Ngày hôm nay, những cuộc chia tay lớn và có tính hiện sinh vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chúng ta hãy nghĩ tới cuộc chia tay của các Ki-tô hữu và của những người Jesiden. Họ không tin rằng, họ còn có thể trở về lại với quê hương của họ được nữa, vì họ bị ép buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Ngày hôm nay vẫn đang như thế.“

Đó cũng là một cuộc giã từ khi người mẹ để cho đứa con trai của mình tham gia vào một cuộc chiến, và sau đó, mỗi buổi sáng đều thức dậy với nỗi sợ hãi rằng, một người nào đó sẽ đến và nói với bà: „Chúng tôi cám ơn bà về sự quảng đại của con trai bà, người đã hy sinh tính mạng cho tổ quốc.“ Trong những cuộc đại chia tay – Đức Thánh Cha nói – người ta sẽ sử dụng lời chào „Xin vĩnh biệt“ (Người Ý nói là: Addio, có nghĩa là: ở trong Thiên Chúa), để có được sự chính xác của nó.

 Việc nghĩ tới cuộc đại chia tay của chúng ta sẽ đem đến cho chúng ta nhiều ích lợi – Đức Thánh Cha nói tiếp. „Ai sẽ vuốt mắt cho tôi? Tôi sẽ để lại điều gì?“. Thánh Phao-lô trong Bài Đọc I của ngày hôm nay (Cv 20,17-27), và Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng, cả hai đều đã thực hiện một hình thức kiểm định lương tâm, thực hiện một bảng quyết toán.

Còn xa nữa không, điều ấy không ai biết, nhưng nó sẽ đến trong khoảnh khắc, có thể là vào lúc chiều tối, hay cũng có thể là vào lúc ban mai, một lời vĩnh biệt sẽ được cất lên. Vậy tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó để tín thác vào Tình Yêu của Thiên Chúa chưa? Và tôi có tín thác vào chính Thiên Chúa không? Tôi có trao phó linh hồn tôi cho Thiên Chúa không? Tôi có trao phó lịch sử đời tôi cho Thiên Chúa không? Tôi có trao phó tất cả cho Thiên Chúa không? Ước gì Chúa Giê-su – đó là lời kêu cuối cùng của chúng ta – ban tặng Chúa Thánh Thần cho chúng ta, để chúng ta biết học hầu nói lên với tất cả cuộc sống, với tất cả sức lực, lời cuối cùng – xin vĩnh biệt.“

 

(rv 19.5.2015 gs)

 

Đam Trần

 


                                   
Về Trang Mục Lục