Đức Maria không xuất hiện như một nhân viên bưu điện – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 09.06.2015)

Căn tính Ki-tô giáo là gì? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đặt ra câu hỏi như thế nơi bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta. Dựa vào thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, Đức Tin Ki-tô giáo – với tư cách là hồng ân của Thiên Chúa – hình thành nên căn tính ấy.

Quả thực là có nhiều tội lỗi, và tội lỗi làm cho chúng ta vấp ngã, nhưng chúng ta có sức mạnh của Thiên Chúa để tái đứng dậy, cũng như để tiến về phía trước với căn tính của mình. Nhưng Cha cũng muốn nói rằng, tội lỗi chính là một phần thuộc về căn tính của chúng ta. Chúng ta là những tội nhân, nhưng với Đức Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Đó không chỉ là một Đức Tin được công bố. Đó là một Đức Tin phát sinh từ ân sủng của Thiên Chúa: Chính Thiên Chúa tặng ban căn tính cho chúng ta.“

Căn tính của chúng ta với tư cách là những Ki-tô hữu, mà nó cũng bao gồm cả những lầm lạc và tội lỗi, nhưng có thể bị „làm kiệt quệ“, hay cũng có thể bị đánh mất – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Ở đây, Ngài đã cảnh báo trước việc chỉ giữ đạo theo một „ý tưởng“ và không hành đạo một cách nghiêm túc. Đức Tin là một cái gì đó cụ thể và liên tục như được đọc thấy trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chương 25.

Đức Maria không xuất hiện bằng việc nhấn nút bấm

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha còn chống lại một thứ linh đạo „ở trên trời“, và Ngài cũng chống lại một loại „ngộ đạo thuyết tân thời“. Như là một ví dụ điển hình, Đức Thánh Cha đã liên hệ đến những hình thức được xác định nơi niềm tin vào Đức Maria. Mẹ Thiên Chúa không phải là một nữ liên lạc viên, hay một nhân viên bưu điện, tức người có nhiệm vụ ngày ngày đem những tờ báo hay những bản tin nhất định đến cho những „độc giả“ nhất định – Đức Thánh Cha nói – mà không hề có những mối tương quan cá nhân. Dù trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì đó cũng „không phải là căn tính Ki-tô giáo“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh: „Lời cuối cùng của Thiên Chúa chính là Lời Giê-su, và không có bất cứ lời nào khác ngoài Lời ấy.“

Bên cạnh việc giới thiệu những điều có sẵn như thế, tinh thần thế tục cũng có thể đưa tới một „sự pha loãng“ căn tính Ki-tô giáo – Đức Thánh Cha cho biết:

Và như thế thì muối đã đánh mất đi vị mặn của nó. Do đó chúng ta sẽ thấy những cộng đoàn Ki-tô giáo hay những Ki-tô hữu tự nhận mình là Ki-tô hữu, nhưng thực ra không thể là chứng nhân của Chúa Giê-su. Và như thế, căn tính Ki-tô giáo sẽ đi ngược về phía sau, và sẽ tự mất đi một chút, đàng sau việc danh xưng hóa mang tính thế tục này mà chúng ta vẫn nhìn thấy nó mỗi ngày.“

Trái lại, sứ điệp của Thiên Chúa sẽ không bị pha loãng, nhưng càng ngày càng nổi bật lên một cách rõ ràng hơn đối với những người tỉnh thức và ân cần kiếm tìm Ngài – Đức Thánh Cha quả quyết:

Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, với sự kiên nhẫn đầy tình cha của Ngài, Ngài đã dẫn đưa chúng ta đi từ sự hàm hồ và dị nghĩa tới với sự sáng tỏ và rõ ràng, tới với mầu nhiệm Nhập Thể một cách cụ thể, và tới với cái chết mang tính cứu độ của Con Ngài. Đó là căn tính của chúng ta.“

(theo de.rv 09.06.2015 no/pr)

Đam Trần 


Về Trang Mục Lục