Tất cả sẽ đều đổ chồng lên nhau – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 11.06.2015)

Ai muốn làm môn đệ của Chúa Giê-su, người ấy không nên để mình bị khuất phục trước sự lừa bịp rằng, „ơn cứu độ đến từ sự giầu sang phú quý“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Chúa Giê-su đã kêu gọi các môn đệ của Ngài đi vào một „cuộc hành trình“ chứ không phải thực hiện một cuộc „dạo chơi“: Ai cứ ở lỳ lại trong nhà thì có nghĩa là người ấy không muốn lên đường, và như thế người ấy „không phải là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su“, vì người ấy thiếu „tinh thần truyền giáo“.

Con đường của các môn đệ Chúa Giê-su hiện hữu ở chỗ luôn luôn đi ra khỏi chính mình, vượt lên phía trước để loan báo Tin Mừng. Nhưng cũng còn có một con đường thứ hai dành cho những người môn đệ ấy: con đường nội tâm, tức con đường mà người ta đi lên đó trong chiều sâu nội tâm riêng của mình, con đường của các môn đệ là con đường kiếm tìm Thiên Chúa mỗi ngày, trong cầu nguyện, trong suy niệm. Người môn đệ cũng phải đi trên con đường ấy – vì nếu người ta không thường xuyên kiếm tìm Thiên Chúa, thì rồi Tin Mừng – điều mà người ta đem đến cho những người khác – sẽ trở nên yếu nhược, sẽ bị pha loãng và không còn sức mạnh nữa.“

Trong bài giảng hôm nay của Đức Thánh Cha có ba từ khóa. „Con Đường“ là từ khóa thứ nhất. Và từ khóa thứ hai là từ „Phục Vụ“. Một môn đệ mà không phục vụ người khác thì đó không phải là Ki-tô hữu. Nó biểu lộ „hai trụ cột“ mà Ki-tô giáo được đặt nền trên đó, và thực ra là biểu lộ các mối phúc của Chúa Giê-su cũng như biểu lộ „bản cáo trạng mà chúng ta sẽ bị kết án theo đó, trong chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu“.

Khi một môn đệ không ra đi để phục vụ, thì rồi người ấy sẽ không được sử dụng để ra đi! Nếu cuộc sống của người ấy không thuộc về sự phục vụ, thì rồi cuộc sống ấy sẽ không được sử dụng để sống như là Ki-tô hữu. Cơn cám dỗ của sự ích kỷ sẽ rình chờ ở đây: ´Nhưng mà tôi là một Ki-tô hữu, tôi ở trong sự bình an với chính tôi, tôi xưng tội và đi Lễ, và tôi còn thực thi các giới luật nữa`. Đúng vậy, nhưng bạn có phục vụ không? Bạn có phục vụ những người khác, có phục vụ các bệnh nhân, các tù nhân, những người đói khát, những người thiếu quần áo, như Chúa Ki-tô đã phục vụ họ không? Điều mà Chúa Giê-su đã nói, chúng ta phải thực hiện, vì Ngài ở đó! Hãy phục vụ Chúa Ki-tô trong những người khác.“

Và sự phục vụ mà chúng ta đã thực hiện, được trả giá bao nhiêu? – Đức Thánh Cha cho biết rằng: hoàn toàn miễn phí. Và từ khóa thứ ba trong bài giảng của Đức Thánh Cha chính là từ: „gratuità“ (vô vị lợi). „Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không“ – Chúa Giê-su đã nhắc nhở như thế. Con đường phục vụ thì „miễn phí“, bởi vì nói cho cùng thì chúng ta „cũng đã lãnh nhận ơn cứu độ một cách nhưng không“: „Không có người nào trong chúng ta đã mua được ơn cứu độ cho mình, không có kẻ nào trong chúng ta đã xứng đáng nhận được ơn ấy“ – Đức Thánh Cha nói.

Thật là buồn biết chừng nào khi chúng ta thấy những Ki-tô hữu đã quên bẵng đi mất những lời sau đây của Chúa Giê-su: ´Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì anh em cũng hãy cho đi nhưng không`. Thật là buồn biết chừng nào khi chúng ta thấy những cộng đoàn Ki-tô hữu, thấy những Giáo xứ, những Dòng Tu, những Giáo phận đã quên bẵng đi mất sự vô vị lợi. Vì đứng ở đàng sau đó là một sự lừa dối rằng, ơn cứu độ đến từ sự giầu sang phú quý, đến từ quyền lực nhân loại.“

Người ta không được phép đặt niềm hy vọng của mình vào „trong sự tiện nghi, và vào trong những con đường dễ dãi hay trong sự ích kỷ, hầu có được một số điều gì đó cho chính mình“, và cũng không „được đặt niềm hy vọng vào trong sự giầu có hay đặt vào trong sự chắc chắn nhỏ bé của thế gian“ – Đức Thánh Cha cảnh báo. „Tất cả sẽ đổ chồng lên nhau. Chính Chúa sẽ làm cho chúng bỉ đổ nhào!

(theo de.rv 11.06.2015 sk)

Đam Trần