Mở tâm hồn ra và lưu tâm tới Thiên Chúa – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.06.2015)

Một Ki-tô hữu phải học để bảo vệ con tim của mình trước „những đam mê“ và trước „những ồn ào của thế gian“, hầu luôn chú tâm và thường xuyên mở cõi lòng mình ra với ân sủng của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Thánh Phao-lô đã nói trong bức thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô về việc đón nhận „ân sủng của Thiên Chúa một cách không phí công vô ích“ (2 Cor 6). Chính xác ra thì điều đó có nghĩa là gì? – Đức Thánh Cha đặt vấn nạn. Và một lần nữa, Ngài khuyên người ta hãy khước từ loại Ki-tô hữu giả hình:

Đó là một nỗi ô nhục của một người tự nhận mình là Ki-tô hữu, người ấy cũng đi nhà thờ, cũng tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng lại không sống như một Ki-tô hữu, mà lại sống như một người thế gian nào đó, hay như một người ngoại đạo. Và khi có một người nào đó sống như thế thì đó là điều gây phẫn nộ. Chúng ta vẫn thường nghe thấy người ta nói trong các khu phố hay trong các cửa hàng của chúng ta rằng: ´Đấy ông ấy hay bà kia, cũng đi Lễ Chúa Nhật hẳn hoi, thế mà cũng làm chuyện đó…` Và người ta bị gây phẫn nộ. Đó là điều mà Thánh Phao-lô nghĩ tới khi Ngài nói, ´Đừng lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa cách vô ích.`“

Và chúng ta nên lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa như thế nào? Đó là một câu hỏi trong một giây phút thích hợp – Đức Thánh Cha nói –, là một câu hỏi thể hiện sự lưu tâm tới những công việc của Thiên Chúa: „Chúng ta phải lưu tâm để hiểu về thời gian của Thiên Chúa khi Thiên Chúa đi ngang qua con tim chúng ta.“

Một Ki-tô hữu sẽ có được sự chú tâm này khi người ấy biết bảo vệ con tim của mình – Đức Thánh Cha giải thích tiếp – và biết tránh xa „bất cứ tiếng ồn ào nào mà nó không đến từ Thiên Chúa“, cũng như những điều „cướp đi mất sự bình an“. Chúa Giê-su đã diễn tả về một con tim được giải phóng khỏi những đam mê với cùng một phương cách như thế khi Ngài kết án cái thứ lý luận „mắt đền mắt, răng đền răng“. Nó có nghĩa là – Đức Thánh Cha giải thích – „giải thoát mình khỏi các đam mê, và có một com tim khiêm nhượng, một con tim hiền từ“:

Con tim sẽ được bảo vệ thông qua sự khiêm nhượng, nhưng không bao giờ thông qua sự gây hấn hay chiến tranh. Không! Đó là sự ồn ào: sự ồn ào của thế gian, sự ồn ào của người ngoại giáo hay sự ồn ào của ma quỷ. Một con tim trong hòa bình: ´Chúng ta không tạo cho bất cứ ai dù là một lý do nhỏ nhất để họ có cớ trách cứ về việc phục vụ của chúng ta` - Thánh Phao-lô đã nói như thế khi Ngài nói về sự phục vụ và về chứng tá Ki-tô giáo.“

Vấn đề đi đến chỗ là, chứng tỏ mình như là „những người phục vụ Thiên Chúa trong tất cả mọi sự“, như Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh, ngay cả „trong cơn cùng khốn, hiểm nguy, sợ hãi, đòn vọt, tù ngục, trong những thời gian bất an, dưới gánh nặng của công việc, trong những đêm thức trắng, thông qua sự chay tịnh…“ – Đức Thánh Cha nói:

Hoặc là thủ đắc lấy tất cả những thứ tồi tệ, hoặc là tôi phải bảo vệ con tim của mình hầu tiếp nhận ân sủng và hồng ân của Thiên Chúa? Đúng vậy! Và tôi phải thực hiện điều đó thế nào? – Thánh Phao-lô trả lời rằng: với sự thuần khiết, với sự khôn ngoan, với sự quảng đại, với sự tốt lành và với tinh thần thánh thiện – khiêm nhượng, tốt lành, nhẫn nại, lưu tâm tới Thiên Chúa và có một con tim rộng mở đối với Thiên Chúa, Đấng đang đi ngang qua.

(theo de.rv 15.06.2015 pr)

Đam Trần


Về Trang Mục Lục