Đón nhận người ngoại quốc chứ đừng xua đuổi – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Turin ngày 21.06.2015)

 

Anh chị em đừng để cho mình bị làm tê liệt bởi nỗi sợ hãi về tương lai, và đừng tìm kiếm sự chắc chắn an toan trong các loại hình xã hội, đừng xua đuổi người ngoại quốc, nhưng thay vào đó, hãy đón nhận họ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mời gọi các tín hữu Piemont thực hiện như thế. Lời kêu gọi này được Ngài đưa ra qua bài giảng của mình trong Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật hôm nay tại Turin. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha còn khích lệ các tín hữu không chỉ nhận ra mà còn tiếp tục thực thi Tình Yêu trung tín và không lay chuyển của Thiên Chúa đối với các thụ tạo của Ngài.

Chúa Giê-su không bao giờ biết mỏi mệt trong việc tìm kiếm chúng ta, chịu đựng chúng ta, cũng như tha thứ cho chúng ta“ – Đức Thánh Cha đã nói như thế trước hàng chục ngàn người tập trung tại quảng trường Piazza Vittorio Veneto dưới ánh nắng chói chang của tiết trời tháng Sáu. Ngay cả khi bản thân chúng ta không trung tín, thì „Chúa Giê-su cũng vẫn tín trung; ngay cả khi chúng ta lầm lỗi, Ngài cũng vẫn chờ đợi chúng ta để tha thứ cho chúng ta: Ngài chính là dung nhan của Thiên Chúa Cha nhân hậu.“

Không những Thiên Chúa là Đấng tín trung, mà „Tình Yêu của Ngài còn làm cho tất cả nên mới“. Khác hẳn với tinh thần thế gian, tức tinh thần „luôn luôn kiếm tìm những điều mới lạ“, chỉ có „sự trung tín của Chúa Giê-su mới có khả năng đi tới với những điều thực sự mới mẻ, cũng như có khả năng làm cho chúng ta nên mới.“ Và như thế, một sự biến đổi thực sự sẽ diễn ra „nếu như chúng ta thừa nhận những giới hạn và những yếu đuối của chúng ta“.  Sau đó người ta sẽ có được kinh nghiệm rằng, Chúa Giê-su đã đến thế gian không phải để kiếm tìm những người khỏe mạnh, không phải để kiếm tìm những người công chính, nhưng là kiếm tìm những bệnh nhân và những tội nhân. „Dấu chỉ mà chúng cho thấy rằng, chúng ta đã được biến đổi nhờ Tình Yêu Thiên Chúa, chính là việc chúng ta có thể cởi bỏ những bộ y phục cũ kỹ và rách nát của sự ác cảm và của thái độ thù hận, để mặc lấy phẩm phục tinh sạch của lòng khoan dung, của mối thiện cảm, của sự phục vụ người khác, và của sự bình an trong tâm hồn.“

Đặc điểm của Tình Yêu Thiên Chúa chính là sự bền vững của nó – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Nếu ngược lại với điều đó thì không còn phải là Tình Yêu Thiên Chúa nữa: „Chúng ta có thể tự hỏi, liệu hôm nay chúng ta có đứng vững trên tảng đá ấy, tức trên Tình Yêu của Thiên Chúa không? Ngay cả các Ki-tô hữu chúng ta cũng có nguy cơ để cho mình bị làm tê liệt bởi nỗi sợ hãi trước tương lai, và kiếm tìm những điều chắc chắn và an toàn trong những điều chóng qua, hay trong kiểu cách của một xã hội khép kín, tức xã hội ưa thích sự loại trừ thay vì đón nhận.“

Vì thế, Đức Thánh Cha đã liên hệ một cách công khai tới khuynh hướng thù địch với người nước ngoài đang ngày càng tăng trong chính sách tại khu vực Bắc Ý. Đức Thánh Cha đã khẩn thiết thuyết phục mọi người hãy có sự hiểu biết về những nỗi khốn cùng của những di dân, bằng cách là Ngài đã lưu ý tới lịch sử của cuộc di cư từ vùng Piemont, mà gia đình Ngài cũng đã được ghi danh trong cuộc di cư này. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã trích dẫn cụm từ „bền vững“ từ một bài thơ của nhà thơ người Turin tên là Nino Costa, ông đã làm cho những người di dân đạt tới được thành tích to lớn về vấn đề văn chương trong ngôn ngữ địa phương của vùng Piemont: „Thẳng thắn và thật thà, họ bước đi như họ là… Những người không còn dành thời gian cho mồ hôi – chủng người chúng ta, tự do và ngoan cố…“ Ở điểm này, Đức Thánh Cha đã rút ra một điều tương tự từ những vị Thánh người Turin chuyên hoạt động xã hội, mà các Ngài đã nêu gương trong thế kỷ XIX trước điều mà Tin Mừng muốn nói về cách đối xử với những người nghèo và những người bị loại bỏ. „Đó chính là những vị Thánh tự do và bướng bỉnh“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và vì thế Ngài mời gọi hãy đi theo những vết chân của những chứng nhân ấy về Lòng Thương Xót.

(theo de.rv 21.06.2015 gs)

 

Đam Trần

 


Về Trang Mục Lục