Hội Truyền Giáo PIME Tại Thái Lan: Đức tin phải chạm đến mọi khía cạnh của cuộc sống

 

Roma – Linh mục Piergiacomo Urbani là một trong những linh mục đầu tiên của Viện Truyền Giáo Giáo Hoàng dành cho người Nước ngoài (PIME) đã được gửi tới Thái Lan vào 1974. Cách đây vài ngày, cha Urbani đã đến Roma cùng với một số cộng sự để cử hành Lễ Tạ Ơn mừng 50 năm linh mục. Ngài đã chia sẻ với hãng tin AsiaNew như sau:

Tôi đã đến Thái Lan vào tháng 01 năm 1974. Vào thời điểm đó, sứ vụ của PIME trong nước mới chỉ bắt đầu, và chỉ gồm có mình tôi, cha Angelo Campagnoli, cha Giovanni Zimbaldi và cha Silvano Magistrali.

Với ý tưởng ban đầu là tham gia đối thoại với Phật giáo, nhưng khi chúng tôi đến, chúng tôi đã nhận thấy rằng, một nhiệm vụ chỉ dựa trên đối thoại thì không thể làm việc được. Nó không chỉ không khả thi mà còn không thực tế. Chắc chắn, những nhà truyền giáo cũng tham gia đối thoại, nhưng điều đó không phải là mục đích chính của sứ vụ, mà việc rao giảng Tin Mừng mới là mục đích chính.

Những năm đầu tiên của tôi ở Thái Lan là thời gian lắng đọng. Tôi phải nghiên cứu và học ngôn ngữ. Tiếng Thái là một ngôn ngữ thiên về âm giọng. Nó có 5 âm chính, có chút ít giống tiếng Hoa. Khi đó, vào năm 1975, Việt nam, Lào và Campuchia rơi vào tay Chủ nghĩa cộng sản, và tình thế trở nên phức tạp hơn.

Thái Lan đã ngừng không cấp thị thực lâu dài cho người nước ngoài. Nhưng về sau, thông qua cha Campagnoli, tôi đã xoay sở để được cấp thị thực lâu dài, và được cấp phát bởi chính phủ Thái Lan, và thế là tôi có thể ở lại.

Sau một thời gian ngắn cùng với các đồng nghiệp tại Nhà thờ Thánh Gabriel, Đức Giám Mục Bangkok (bây giờ là Đức Hồng Y Emeritus) đã yêu cầu tôi và cha Magisterial dạy học tại Chủng viện chính ở thủ đô, chủng viện này được thiết lập trước đó vài năm. Trước đó, các Linh mục địa phương được đào tạo tại Chủng Viện Quốc Tế tận Penang của Malaysia.

Đức Giám mục cũng yêu cầu tôi hoạt động như là người phụ tá tại Giáo xứ Thánh Xavie Bangkok. Đây là lối vào của tôi ở Giáo hội Thái Lan: dạy triết học cho các chủng sinh và làm công việc mục vụ.

Tôi đã ở lại Giáo xứ đó được 12 năm, tất cả chìm đắm trong bầu khí văn hóa của Thái. Tôi đã gặp các đồng nghiệp PIME chỉ 2 lần trong năm.

Tại Giáo Xứ Thánh Xavie, tôi chú ý tới một vài mối quan tâm của một số thành viên tôn giáo khác về các Tín Hữu Công giáo. Tôi thường thấy những Phật tử đi tham dự Thánh Lễ; đôi lúc họ cố gắng giữ mối hiệp thông (điều này tôi không tạo nên). Họ khá tò mò muốn tìm hiểu bởi sự lôi cuốn của phụng vụ và các bài thánh ca.

Trong Giáo xứ, tôi là người đầu tiên khởi xướng việc dạy giáo lý tân tòng. Ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã đặt bảng thông báo cho việc dạy giáo lý, và có 30 người, một con số đáng nể, đã tham gia ngay lập tức.

Theo tôi, việc dạy giáo lý tân tòng là cần thiết bởi vì trong quá khứ, những người này đã được cha xứ trực tiếp dạy Giáo lý từ ba đến bốn tháng, và họ đã muốn được rửa tội. Như vậy thời gian ngắn sẽ làm suy yếu tiến trình; nó dường như không đủ nghiêm túc. Việc dạy giáo lý Dự tòng phải được mang vào trong cộng đồng đức tin sống động, như thế người ta mới cảm thấy được sự đón nhận. Đây không phải là một hành trình đơn độc. Tâm lý và những khía cạnh xã hội tạo ra những vấn đề đó. Người ta không thể đón nhận đức tin một cách lý thuyết; nó phải được thấm nhuần vào cuộc sống, và đụng chạm đến mọi khía cạnh.

Tôi đã mang giáo lý được canh tân từ Ý để giúp phát triển một cộng đoàn Kitô hữu thực sự. Nhờ họ, tôi nhìn thấy một sự thay đổi lớn ngay lập tức nơi những người trong giáo xứ. Tôi đi đến chỗ nhận thấy rằng, đức tin không chỉ dựa trên việc học hỏi Lời Chúa, nhưng còn dựa vào việc cử hành Lời trong cuộc sống. Thường thì đức tin được học hỏi, nhưng lại không được sống.

Vào năm 1987, tôi chuyển từ Nhà thờ Thánh Xavie tới giáo xứ khác, tức Giáo xứ Đức Mẹ Lòng Thương Xót ở Bangkok, Giáo xứ này, theo thời gian, đã trở thành điểm tham chiếu của PIME trong nước.

Qua nhiều năm, cộng đoàn lớn mạnh rất nhiều, nhờ những cuộc hoán cải và rửa tội. Giờ đây đã có đời sống của một ngàn người tập trung xung quanh nhà thờ, và chúng tôi có bốn Thánh lễ vào mỗi Chúa Nhật.

Ngoài ra còn có hai phong trào khác cũng dạy giáo lý, đó là hội Legio Mariae và hội hoạt động xã hội. Cha  Adriano Pelosin đã thành lập ra nhóm Thánh Martin, nhóm này xây nên “những ngôi nhà hy vọng”, những cơ sở cho hơn 70 trẻ em – cô nhi hoặc từ những gia đình phát triển không bình thường. Chúng tôi cũng có nhà cho trẻ em khuyết tật với độ tuổi từ 6 đến 7 và do các Nữ tu điều hành.

Tôi đã sống tại Giáo xứ Đức Mẹ Lòng Thương Xót 18 năm. Hiện tại, tôi vẫn dạy trong chủng viện, và vẫn đi tới giáo xứ đó, nhưng chỉ vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật, để chung tay với các cộng đồng Tân tòng.

Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan rất sống động, với khoảng 300.000 thành viên. Những người thuộc các bộ lạc miền Bắc Thái Lan thì ưa thích sự thay đổi hơn những người thuộc các dân tộc thiểu số khác. Có thể nói được rằng, Phật giáo và người Thái là một và giống nhau, và họ hãnh diện về căn tính của họ. Điều này khiến họ gặp khó khan hơn nhiều trong việc cải đạo.

Tuy nhiên, những thách thức cho tương lai đang được mở ra đối với việc truyền giảng Tin Mừng. Nói cách khác, Giáo hội Thái đang có nguy cơ trở nên tự mãn, đang dừng lại ở những thứ đã được thực hiện từ lâu trước đó, đang đánh mất đi cảm hứng truyền giáo. Sự hiện diện của các Linh mục PIME nhắc nhớ chúng tôi rằng, sự ủy thác của Chúa Giêsu là loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.

 

(theo AsiaNew 06/20/2015)

 

Thérèse Nguyễn

 



                                   
Về Trang Mục Lục