Tổng Thư Ký Ban Ki-moon: „Chúng ta cần tới tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng

 

Còn hai tuần nữa: Vào ngày 25 tháng 09, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ đến nói chuyện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong khuôn khổ chuyến công du của Ngài tới Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha sẽ đọc một bài diễn văn tại Trụ Sở của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trước nhiều vị nguyên thủ của các quốc gia, trong đó có Tổng thống Barack Obama và Wladimir Putin. Đài phát thanh của Tòa Thánh Vatican đã nói chuyện với ông Ban Ki-moon – Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc - về những mong chờ của ông nơi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, và về mục tiêu chung trong cuộc chiến chống lại sự đói nghèo, chống lại sự bách hại và chống lại việc biến đổi khí hậu.

Liên Hiệp Quốc tại New York đang chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha với một niềm vui lớn. Cho tới nay, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã gặp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô 4 lần, mà lần cuối cùng đã diễn ra hồi tháng Tư vừa rồi. Lần ấy, Đức Thánh Cha đã đón tiếp ông trong một cuộc hội kiến tại Vatican. Ông đã nói với Đài Phát Thanh của Tòa Thánh Vatican rằng, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là một con người tốt lành của toàn thể nhân loại; tiếng nói của Ngài có một trọng lượng lớn về khía cạnh luân lý và đạo đức.

Chúng ta đang thực sự cần tới một tiếng nói mạnh mẽ mà nó nhắc chúng ta nhớ tới những giá trị luân lý, như tiếng nói của Đức Giáo Hoàng. 150 đại diện của các quốc gia trên khắp thế giới sẽ hiện diện trong buổi nói chuyện của Ngài. Tôi không thể hình dung ra được cuộc đoàn tụ của các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng, sẽ lớn lao và có tầm quan trọng như thế nào. Tôi rất biết ơn về sự lãnh đạo đầy nhân hậu của Đức Thánh Cha vì nền hòa bình và vì lợi ích của gia đình nhân loại.

Tổng Thư Ký Ban đã ca ngợi những sáng kiến và tình liên đới mà nhiều vị lãnh đạo của các quốc gia đã thể hiện trong cuộc khủng hoảng hiện tại về người tị nạn. Tuy nhiên, con số lớn những người tị nạn đang đòi hỏi các chính phủ tại Châu Âu phải hành động nhiều hơn nữa. Phải làm thế nào đó để những người đang chạy trốn trước chiến tranh và trước những cuộc bách hại được bảo vệ một cách thỏa đáng và nhanh chóng hơn – Tổng Thư Ký Ban cho biết. Châu Âu cũng có một cái gì đó trong sự bình an của mình để cho đi.

Đó là một thách đố chưa từng có đối với toàn thế giới, đặc biệt là đối với Âu Châu. Nhưng cũng cần phải được cân nhắc tới việc rằng, Châu Âu và các cư dân của châu lục này đã thu lợi từ cách di dân này và từ việc kiếm tìm tự do cũng như từ việc kiếm tìm những điều kiện sống tốt hơn. Giờ đây, vì các quốc gia Châu Âu chính là các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và giầu có nhất thế giới, nên chúng ta hy vọng rằng, các quốc gia ấy sẽ biểu lộ tình liên đới có tính toàn cầu của họ cũng như thực hành tính nhân hậu của họ, bằng cách là họ chăm lo cho những vấn đề nhân đạo này.“

Hiện tại đang có một số lớn những người tị nạn đến từ Syria. Cho tới nay, cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài gần 5 năm rồi. Nó đã gây ra cái chết của khoảng 300.000 người và làm cho khoảng 4 triệu người phải chạy trốn. Liên Hiệp Quốc đã tỏ ra bất lực trong những cuộc thương lượng chính trị, luôn luôn bị gây tắc nghẽn bởi Trung Cộng và Nga. Nhưng trước sau như một, Tổng Thư Ký Ban vẫn tin tưởng rằng, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này.

Tôi vẫn luôn luôn nhắc đi nhắc lại về việc cần phải có một giải pháp chính trị. Vào tháng 06 năm 2012, chúng ta đã có được một hiệp định tốt đẹp nhằm hình thành nên các nhóm làm việc trong lãnh vực quân sự và an ninh, trong sự hòa giải và phát triển những cơ sở hạ tầng, trên bình diện chính trị và hiến pháp. Đó là một cố gắng nhằm mở rộng không gian hành động có tính chính trị để giải quyết cuộc xung đột. Tôi vẫn đòi hỏi - với sự nhấn mạnh - các thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An hãy thể hiện sự đoàn kết của họ trong khoảnh khắc khó khăn này.“

Một vấn đề lớn tiếp theo lại thêm vào trong mối liên hệ đến cuộc nội chiến tại Syria và tại Irak: các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các Ki-tô hữu, đang bị bách hại và sát hại một cách tàn nhẫn. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã không ngừng tố cáo những tấn công nhắm vào các Ki-tô hữu. Vì thế, việc Châu Âu đón nhận những người bị xua đuổi sẽ càng trở nên quan trọng hơn – Tổng Thư Ký Ban nhấn mạnh.

Thật không thể nào chấp nhận được chuyện bách hại và phân biệt đối xử với những con người chỉ vì niềm tin tôn giáo của họ, và vì chuyện bạn yêu ai và tin vào ai. Đặc biệt nhất là những người di cư và những người tị nạn. Những người ấy, đối với tôi, phải được đối xử một cách nhân đạo và trách nhiệm, dưới sự tuân thủ các công ước quốc tế về người tị nạn và nhân quyền. Vì thế, một cách khẩn thiết, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của tôi đối với các nhà lãnh đạo của các quốc gia Châu Âu, hãy mở cửa biên giới và hãy bảo đảm sự cứu trợ nhân đạo. Chúng ta phải có sự chạnh thương đối với những con người ấy!

Một yếu tố quan trọng đối với sự ổn định tại Trung Đông có thể là hiệp ước nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Iran – Tổng Thư Ký Ban cho biết.

Tôi nghĩ, điều đó rõ ràng là một hiệp ước tốt hơn, được tái cơ cấu tốt hơn cũng như được trình bày một cách nghiêm túc hơn trước kia. Nó có thể ngăn cản Iran trong việc sản xuất vũ khí nguyên tử trong tương lai gần. Vì thế tôi thực sự hy vọng rằng, tất cả các đảng phái sẽ ký vào bản hiệp ước này. Liên Hiệp Quốc đã sẵn sàng bảo lãnh việc thay đổi tiến trình, bằng cách là, qua cơ quan Nguyên Tử Quốc Tế, Liên Hiệp Quốc sẽ giám sát và kiểm tra việc thực thi hiệp định. Điều đó cũng là một đóng góp cho nền hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông cũng như bên ngoài khu vực này.“

Đề tài đang liên hệ tới toàn thế giới chính là việc ấm lên của trái đất. Trong cuộc viếng thăm gần đây nhất của Tổng Thư Ký Ban tại Rô-ma vào hồi tháng Tư vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã bảo đảm với ông rằng, Ngài muốn cộng tác khăng khít với Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống lại việc thay đổi khí hậu. Người ta đồng ý với nhau rằng, xét trên quan điểm đạo đức thì không thể bào chữa trước việc giữ nguyên hiện trạng hiệu ứng nhà kính ở mức hiện tại, nhưng thay vào đó, phải giảm xuống – Tổng Thư Ký Ban bày tỏ. Ông hy vọng về một hiệp ước có hiệu lực chung trong cuộc họp thượng đỉnh tại Paris về khí hậu toàn cầu. Ông không hài lòng với những kết quả từ trước tới nay.

Việc những cuộc đàm phán diễn ra quá chậm đang gây lo lắng cho tôi. Để có được sự hỗ trợ về mặt tài chánh, tôi đã làm việc khắng khít với tổng thống Francois Hollande của Pháp và với thủ tướng Angela Merkel của Đức, cũng như với tổng thống Ollanta Humala của Peru. Chúng tôi đã cùng làm việc với ông Jim Young Kim – chủ tịch ngân hàng thế giới, và với những vị đứng đầu quỹ tiền tệ quốc tế. Chúng tôi muốn tạo ra một khuôn khổ đáng tin cậy nhằm có được 100 tỷ USD cho việc này với khoảng thời gian từ nay tới năm 2020, và để cung cấp cho các quốc gia đang phát triển 100 tỷ USD mỗi năm.“

Những quốc gia chậm phát triển và những đảo nhỏ chính là những nơi đang bị ảnh hưởng một cách đặc bởi việc thay đổi khí hậu, dù rằng họ không mang trách nhiệm lịch sử về chuyện đó. Họ không thể đóng góp sức riêng cho việc giảm nhẹ hay cho việc thích ứng với hoàn cảnh. Vì thế, sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật là điều rất cần thiết đối với họ. Đến cuối tháng này, Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua một chương trình nghị sự mới về việc phát triển. Tổng Thư Ký Ban hy vọng rằng, các quốc gia sẽ thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững, cả trong lãnh vực kinh tế, xã hội lẫn trong lãnh vực môi trường, mà những mục tiêu đó sẽ đưa đến nhiều công lý hơn nữa cho toàn thế giới.

(theo de.rv 11.09.2015 cz)

 

Joseph Trần


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2015