Linh mục sống sót qua trại lao động Trung Quốc, nhớ lại đau khổ như là ơn ích

(phanxico.vn) 16/10/2015

CNA –  Elise Harris và Alan Holdren

 Cha Matthew Koo, kể lại những ngày bị giam trong trại lao động Trung Quốc suốt 30 năm, chỉ vì lòng sùng kính với Đức Mẹ, và cha cho biết dù những gì trải qua thật đau đớn, nhưng cũng đầy phúc lành.

‘Ôi, tôi nghĩ hi sinh này là ơn Chúa. Mọi người bảo rằng, ‘cha chịu quá nhiều đau khổ’ còn tôi thì nói rằng, ‘nếu không chịu đau khổ làm sao tôi được như thế này?’

Cha Koo là người gốc Thượng Hải, ở Trung Quốc đại lục. Sau khi vào chủng viện vào năm 1953, hai năm sau cha bị bắt vì là thành viên hoạt động của Lêgiô, và bị tuyên án 5 năm tù ở trại lao động.

Thường được gọi là ‘trại cải tạo,’ các trại lao động này là một hệ thống nhà tù ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, vốn thường dùng để giam giữ các tù nhân phạm tội nhẹ, với các hình phạt được tuyên án bởi công an hơn là hệ thống tòa án.

Được Đảng Cộng sản Trung Quốc áp dụng vào năm 1955, để trừng phạt những người chống đối cách mạng, luật này cho phép công an tuyên án những người bị xem là ‘phản cách mạng’ hay là những người tuyên truyền các tư tưởng ‘chống xã hội chủ nghĩa.’ Và đây cũng là công cụ để đàn áp bách hại các Kitô hữu trong nước, những người đã và đang trải qua quá nhiều khó khăn đến tận ngày nay.

Các tù nhân bị tuyên án, mà không cần xét xử hay lời chứng, và cũng không có xem xét lại, cho đến tận khi người đó mãn hạn tù.

Kể lại đêm mình bị bắt, cha Koo cho biết là vào năm 1955, ‘nhân dịp lễ Sinh nhật Đức Mẹ’ các viên chức chính quyền đến chủng viện, và bắt các linh mục, giáo sư và chủng sinh.’

‘Tội mà họ quy cho tôi là vì tôi theo Lêgiô. Tôi gia nhập Lêgiô từ thời trung học. Mà theo họ, thì đây là một tội ác, nên họ bắt tôi. Đầu tiên, họ đày tôi đi trong 5 năm. Tôi bị kết án mà không có thẩm phán, cũng không có luật sư.’

Vài năm sau, khi chủ tịch mới được bầu lên, chính sách tòa án cũng có thay đổi, vậy nên cha bị đem ra trước tòa, và bị cáo buộc các tội như ‘Ông Koo phủ nhận mình là người phản cách mạng,’ và ‘Ông Koo phủ nhận việc Lêgiô là một tổ chức phản cách mạng,’ và vì thế mà cha bị tuyên án thêm 3 năm tù nữa.

‘Vậy nên, tôi phải ở lại trại lao động, làm các việc tay chân như làm gạch và đào đất.’ Trong trại cũng có một chủng sinh cùng đội với ngài.

Cha Koo kể lại rằng, sau khi lao động cả ngày, họ cùng lần hạt với nhau. Nhưng sau khi các giám thị tìm được một mảnh giấy của một chủng sinh khác viết cho cha Koo bảo cha cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng để ngài ‘trung thành với Thiên Chúa và không bao giờ thỏa hiệp đức tin của chúng ta.’ thì cha bị tuyên án thêm 7 năm nữa.

Vậy là án của cha tổng cộng đến 10 năm, nên cha bị chuyển đến trại lao động ở tỉnh Thanh Hải, gần Tây Tạng, một nơi rất lạnh.

‘Bất hạnh thay, những năm đó là đại hạn hán ở Trung Quốc, suốt 3 năm ròng. Vậy nên, chúng tôi không có gì để ăn. Và sức khỏe của tôi ngày càng đi xuống, cho đến khi tôi chỉ còn hơn 40kgvà không đi nổi, không thể làm việc nổi

Cha Koo cho biết, tình trạng suy sụp sức khỏe này kéo dài hơn năm rưỡi, và sau một thời gian, cha tìm ra cách để phục hồi cho mình.

‘Tôi chăm sóc cho những người bệnh, và tôi có thêm đồ để ăn. Và sau khi khỏe hơn tôi có thể lao động trở lại. Tôi xay bột. Từ sáng cho đến tối … và tôi mong được làm việc này cả năm.’

Mười năm trôi qua,’ dù đã mãn hạn, nhưng cha vẫn bị buộc ở lại trại lao động, ‘vẫn làm những việc cũ, vẫn nơi ở cũ, thức ăn vẫn thế, nhưng được trả thêm chút tiền.’

‘Chúng tôi có thể mua thuốc lá. Nhưng tiền dùng trong ba ngày là hết.’ Và cha cứ phải ở trong trại đó thêm 19 năm nữa.

Trong 30 năm làm việc trong trại lao động, cha Koo nhấn mạnh hai năm làm việc bên cạnh giám mục Joseph Fan, người cũng bị tù, và đã phong chức chui cho cha trong một nhà nguyện nhỏ khi cả hai được thả.

Giám mục Fan vừa qua đời hồi tháng 7, thọ 97 tuổi, trong nhà quản thúc của chính quyền Trung Quốc.

Nhìn lại đời mình, cha  Koo cho biết, dù đau đớn, nhưng thời gian trong trại là ‘ơn Chúa’ và nhờ những gì đã trải qua mà cha được dịp đến Roma và tiếp kiến với hai Đức Giáo hoàng.

‘Vậy chuyện xấu thành nên chuyện tốt. Thế nên chúng tôi tạ ơn Chúa vì mọi sự. Và chúng tôi hạnh phúc trong lòng … Chúng tôi bình an trong lòng. Chúa Giêsu hứa cho chúng tôi sự sống sau đời này, vậy nên chúng tôi rất hạnh phúc.’

Cha Koo cũng nói về lễ kỷ niệm 60 năm lần đầu tiên mở trại lao động ở Trung Quốc, sẽ diễn ra vào ngày 08-9 năm sau, và cha thêm rằng các tù nhân từ khắp thế giới sẽ về dự.

Khi được hỏi về tình hình Kitô hữu ở Trung Quốc có tiến triển gì không, cha cho biết chính quyền đã ‘nới tay hơn trước một chút,’ và năm ngoái khi một linh mục cử hành thánh lễ trong một nhà máy, thì công an có đến để giải tán … nhưng không bắt ai.

‘Nếu chuyện này xảy ra cách đây 30 hay 40 năm trước, thì có người sẽ phải đi tù. Vậy nên chúng tôi rất hạnh phúc. Chúng tôi có thể thương lượng với các viên chức chính quyền.’

Cha nhận định rằng ngay lúc này, ‘thật bất khả thi’ và ‘rất khó, vì rất nhiều lý do’ không thể phát triển quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican được. Nhưng cha khẳng định ‘Vatican luôn luôn vươn ra với Trung Quốc.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2015