Không phải bất cứ Tình Yêu nào cũng là Thiên Chúa – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 08.01.2016)

Thiên Chúa là Tình Yêu“ – vâng, nhưng „không phải bất cứ Tình Yêu nào cũng là Thiên Chúa“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu hôm nay tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Ngài đã liên hệ đến một bản văn rất nổi tiếng của Tân Ước: Thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Đồ. Cách nay khoảng mười năm, công thức „Thiên Chúa Là Tình Yêu“ của lá thư này đã gợi hứng cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết Thông Điệp đầu tay của Ngài với tựa đề: „Deus Caritas est“.

Tình Yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa“. Trong thư thứ nhất của Thánh Gio-an có đoạn viết như vậy. Và tác giả viết tiếp: „Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu“ (1Ga 4,8). Đức Thánh Cha đã phát hiện ra một từ ngữ có tính mạnh mẽ và dứt khoát – tuy nhiên nó hướng thẳng tới đề tài Tình Yêu. Ở đây vẫn là hai giới răn chính, cụ thể đó là yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Tình Yêu „rất đẹp, và là một cái gì đó rất tuyệt vời“ – Đức Thánh Cha đưa ra nhận định – nhưng nó sẽ trở nên „mạnh mẽ“, trước hết là „nhờ vào sự hiến trao mạng sống riêng“.

Cặp từ Tình Yêu rất thường được sử dụng, và ở đây vấn đề không luôn luôn rõ ràng, bởi không biết điều gì sẽ được nghĩ tới một cách chính xác qua cặp từ này. Tình Yêu là gì? Đôi khi chúng ta nghĩ tới Tình Yêu như được trình bày trong các bộ phim truyền hình nhiều tập. Không! Cái đó có lẽ không phải là Tình Yêu. Hay Tình Yêu có thể xuất hiện như là niềm say đắm đối với một con người – và rồi sau đó nó bị bỏ qua. Vậy thì Tình Yêu đích thực đến từ đâu? Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra, vì Thiên Chúa là Tình Yêu – vì thế Thánh Gio-an đã không nói: bất cứ Tình Yêu nào cũng là Thiên Chúa. Không! Ngài chỉ nói: Thiên Chúa là Tình Yêu.“

Từ quá trình suy tư về một bức thư trong Tân Ước, một thuộc tính của Thiên Chúa đã trở nên rõ ràng: Ngài yêu thương „với tư cách là người đầu tiên“. Và điều đó cũng được thể hiện trong bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô của ngày thứ Sáu hôm nay, tức bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giê-su thực hiện phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều – Đức Thánh Cha giải thích. Chúa Giê-su đã „chạnh lòng thương“ đối với „nhiều người“ – Đức Thánh Cha lập lại những lời của bài Tin Mừng. Tuy nhiên, cụm từ „Chúa Giê-su chạnh lòng thương“ có nhiều ý nghĩa hơn là việc Chúa Giê-su thể hiện „một sự thương hại“ nào đó đối với con người. Tình Yêu của Chúa Giê-su đối với con người chính là một Tình Yêu „đưa Ngài tới chỗ cùng chịu đau khổ chung với họ, hầu để cho mình bị lôi kéo vào trong cuộc sống của con người“. Đó là một Tình Yêu mà nó luôn luôn là điều đầu tiên – có hàng ngàn mẫu gương đối với việc này – Đức Thánh Cha nói. Và Ngài nêu ra một số mẫu gương như: ông Gia-kêu, ông Nathanael và người con trong dụ ngôn đứa con hoang đàng.

Nếu chúng ta cảm thấy có một điều chi đó bất ổn trong lòng và muốn xin Thiên Chúa tha thứ, thì chính Ngài là Đấng đã chờ đợi chúng ta từ trước rồi để tha thứ cho chúng ta! Ngay cả Năm Thánh về Lòng Thương Xót này cũng có ý nghĩa như vậy: chúng ta tái được làm sáng tỏ rằng, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, Ngài đang đợi chờ từng người một trong chúng ta. Tại sao vậy? Thưa là, Ngài chờ đợi chúng ta để ôm chúng ta vào lòng. Ngoài ra thì không có bất cứ chuyện gì khác. Và Ngài chờ đợi chúng ta để nói với chúng ta rằng: Này con trai, con gái của Ta, Ta yêu con! Ta đã cho phép người ta đóng đinh Con Một của Ta vào Thập Giá vì con – đó là cái giá cho Tình Yêu của Ta! Đó là sự trao hiến của Tình Yêu.“

Đó là – Đức Thánh Cha nói tiếp – một sự xác tín mà người ta nên „luôn luôn“ có trong lòng: „Thiên Chúa đang đợi chờ tôi, Thiên Chúa muốn rằng, tôi mở cửa tâm hồn của tôi ra cho Ngài.“ Tất nhiên, người ta có thể cảm thấy hầu như bất xứng với Tình Yêu của Thiên Chúa, nhưng đó là điều „càng cảm thấy bất xứng thì càng trở nên xứng đáng hơn“ – Đức Thánh Cha quả quyết: „Vì Ngài chờ đợi bạn như bạn đang là, chứ không phải như người ta nói với bạn rằng, bạn nên là!

Hãy đến với Chúa và nói: Chúa ơi, Chúa biết con yêu Chúa. Hay nếu tôi cảm thấy mình không có khả năng để nói như thế, thì hãy nói rằng: Chúa ơi, Chúa biết là con rất muốn yêu mến Chúa, nhưng con là một nam tội nhân, con là một nữ tội nhân … Và Ngài sẽ thực hiện cho bạn chính điều mà Ngài đã từng thực hiện với người con hoang đàng, tức đứa con đã tiêu tán tất cả mọi tiền bạc thông qua những tật xấu của mình: Ngài sẽ hoàn toàn không để cho bạn nói hết, với một cái ôm, Ngài sẽ đưa bạn tới sự thinh lặng. Đó là cái ôm của Tình Yêu Thiên Chúa!

(theo de.rv 08.01.2016 sk)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2016