Không có tội nhân nào mà không có tương lai – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 19.01.2015)

Thiên Chúa không nhìn vào những điều bên ngoài, nhưng nhìn vào tâm hồn: Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Bài giảng của Ngài xoay quanh bài Đọc I, được trích từ sách Samuel quyển thứ I (Sm 16,1-13), tường thuật về cuộc xức dầu phong vương cho vua Đa-vít. Trong bản văn này, theo lệnh của Thiên Chúa, Ngôn Sứ Samuel đã xức dầu cho người con trai út của Isai, người phải được mang trở về từ cánh đồng.

Chúng ta thường chỉ là những nô lệ của những điều bên ngoài, nô lệ của sự cảm tưởng, và chúng ta để cho mình bị lôi kéo vào những cái đó… Nhưng Thiên Chúa biết sự thật. Và vì thế có câu chuyện này: tất cả bảy người con trai của Isai đều xuất hiện, nhưng Thiên Chúa không chọn bất cứ người nào trong họ. Điều đó gây khó khăn đôi chút cho Samuel, ông nói với người cha: Ông chỉ có tất cả bảy người con này thôi à? – Không, không, còn một đứa nữa, đó là đứa nhỏ nhất nên nó không được tính tới, nó đang ở bên cạnh đàn vật. – Trong cặp mắt của con người, người thanh niên trẻ này không được tính đến.“

Nhưng thật ngạc nhiên, vì Thiên Chúa đã tuyển chọn người trẻ này, và vì thế Ngài đã chỉ định cho Samuel xức dầu cho người thanh niên ấy. Từ ngày đó – Đức Thánh Cha chú giải bản văn Kinh Thánh theo một cách khác – „Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Đa-vít“, trên toàn cuộc sống của ông – nhưng thực ra, điều đó chính xác là cái gì? „Phải chăng Thiên Chúa đã biến ông thành một vị Thánh?“ – Không, đích thân Đức Thánh Cha đưa ra câu trả lời. „Thực ra thì vua Đa-vít đã trở thành Thánh Vương Đa-vít, và đúng là như vậy – nhưng chỉ sau một cuộc sống lâu dài“, sau một cuộc sống nhiều tội lỗi.

Thánh nhân và tội nhân! Một con người ý thức phạm vi để trở thành một người hiểu được cách đưa dân tộc Israel tiến về phía trước. Nhưng ông có những cơn cám dỗ của mình… ông đã có những tội lỗi của ông: Thậm chí ông còn là một tên sát nhân! Để bưng bít tội ngoại tình của mình, ông đã phạm phải tội sát nhân. – Cái gì? Thánh Vương Đa-vít đã sát nhân sao? – Đúng vậy! Nhưng khi Thiên Chúa gửi Ngôn Sứ Natan đến với ông, để đặt thực tế này trước mặt ông (bởi ông không ý thức một cách hoàn toàn về sự dã man mà ông đã ra lệnh), vì thế ông đã thú nhận: tôi đã phạm tội. Và ông đã cầu xin ơn tha thứ.

Đức Thánh Cha còn chiếu cố tới một số điều khác nơi vua Đa-vít: khi ông phải chạy trốn đứa con trai Absalon nổi loạn của mình, ông đã không mang Hòm Giao Ước đi theo mình, để không sử dụng Thiên Chúa cho mục đích riêng của ông. Và khi ông bị xúc phạm, ông đã tự nhủ trong lòng: „Tôi xứng đáng bị như vậy“. Ông cũng đã không sát hại vua Saul, người tiền nhiệm của ông trong chức vụ hoàng đế, mặc dù ông có cơ hội để làm việc đó. Vua Đa-vít là như thế: „Một đại tội nhân, nhưng cũng là một hối nhân“. Ở đây, Đức Thánh Cha đã sử dụng cụm từ pentito (thống hối), đó là từ mà người Ý thường dùng để nói về sự hối cải của  những người theo tổ chức Mafia.

Vua Đa-vít là nhân vật đầu tiên trong Kinh Thánh, mà nhân vật này xuất hiện khá nhiều trong lịch sử và rất cụ thể đối với chúng ta ngày nay. „Cuộc sống của con người này“ đã gây cảm động cho Ngài – Đức Thánh Cha nói, nó làm cho Ngài nghĩ tới tất cả cuộc sống của chúng ta: „Tất cả chúng ta đều đã được Thiên Chúa tuyển chọn thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, để trở thành dân riêng của Ngài, cũng như để nên Thánh. Tất cả chúng ta đều là những người được Thiên Chúa xức dầu trên con đường Thánh Thiện này. Khi tôi đọc về cuộc sống của con người này, từ khi còn trẻ cho tới khi cao niên, người đã thực hiện rất nhiều điều tốt và cũng đã làm rất nhiều điều không tốt, thì rồi Cha lại nghĩ tới mình rằng, trên con đường Ki-tô giáo, không có vị Thánh nào mà không có quá khứ. Không có tội nhân nào mà lại không có tương lai…

(theo de.rv 19.01.2016 sk)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2016