Đức Hồng Y Marx kết thúc chuyến công du tại Việt Nam: „Một Giáo hội mạnh mẽ phát sinh từ một Giáo hội bị áp bức

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã kết thúc chuyến công du kéo dài 9 ngày của Ngài tại Việt Nam, và đã trở về lại Đức vào hôm Chúa Nhật ngày 17 tháng Giêng vừa qua. Ngài đã rút ra một bản tổng kết tích cực về những cuộc gặp gỡ của Ngài. Những cuộc gặp gỡ ấy đã kết nối Ngài với các Giám Mục Công giáo, với các đại diện của các tôn giáo, với đại diện của chính quyền cũng như với các đại diện của đời sống kinh tế. Chuyến thăm của vị Tổng Giám Mục thành München này đã diễn ra phần lớn tại Hà Nội và Sài Gòn. Ngoài hai địa điểm trên, Ngài cũng có dự định đến thăm Giáo phận Vinh, nơi Đức Cha Phao-lô Nguyễn Thái Hợp đang cai quản, nhưng chuyến thăm ấy đã bị ngăn cấm bởi các cơ quan nhà nước.

Với chuyến công du nêu trên, Đức Hồng Y Marx đã thể hiện mối liên kết giữa Giáo hội tại Đức với những người Công giáo tại Việt Nam. Nó mang đến sự hỗ trợ cho một Giáo hội mà sau nhiều thập niên bị áp bức, giờ đây lại được thưởng nếm sự tự do ở một mức nào đó, hầu chu toàn những sứ mạng tông đồ của mình. „Những vị đại diện cho Giáo hội mà tôi đã từng nói chuyện với, đều nói rõ rằng, có rất nhiều khả năng đối với Giáo hội tại Việt Nam – nhưng lại bị lệ thuộc vào cục diện chính trị của chính quyền trung ương và thiện chí của các cơ quan địa phương. Đó không phải là sự tự do tôn giáo được bảo đảm về mặt pháp luật như chúng tôi mong muốn, cũng như được khẳng định trong các hiệp ước quốc tế về nhân quyền; nhưng tình trạng ngày nay cũng đã rời rất xa với tình trạng bị trấn áp mà Giáo hội đã phải gánh chịu trong những thập niên trước đây.“ Đức Hồng Y Marx biểu lộ niềm xác tín rằng, một Giáo hội mạnh mẽ đã phát sinh từ một Giáo hội bị áp bức. „Tôi đã cảm nhận được một sức mạnh nội tại lớn lao và việc được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, không phải chỉ ở nơi các Giám mục, Linh mục, nhưng cũng còn cả ở nơi các tín hữu bình thường nữa. Đó chính là nền tảng cho tương lai tốt đẹp của Giáo hội này“ – Đức Tổng Giám Mục của München cho biết.

Trong cuộc thảo luận với ông chủ tịch mặt trận tổ quốc, tức cơ quan quản lý các đoàn thể và hiệp hội, với ủy ban phụ trách văn hóa của quốc hội cũng như với ban tôn giáo chính phủ, vị chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức đã có thể tranh luận về sự phát triển tiếp theo của sự tự do tôn giáo, và về các mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước. Ở đây, Đức Hồng Y Marx đã công nhận trước những cải thiện của những năm vừa qua, đặc biệt là khả năng của Giáo hội trong những năm đó trong việc đào tạo một con số các ứng sinh Linh mục bị ấn định bởi chính quyền, và trong việc dấn thân mục vụ. Đồng thời, Đức Hồng Y Marx cũng đã trình bày sự chỉ trích được thể hiện bởi các Đức Giám Mục Việt Nam về dự luật tôn giáo, mà có thể nó sẽ đưa ra vô vàn những quy định buộc Giáo hội phải đăng ký cũng như phải báo cáo cho sự kiểm soát rộng rãi của nhà nước. Vấn nạn về sự tự do tôn giáo cũng được đề cập tới trong các bài giảng của Đức Hồng Y Marx khi Ngài cử hành các buổi Phụng Vụ công khai tại Hà nội, tại Tam Đảo, Sở Kiện và Sài Gòn, mà hàng ngàn người đã tham dự những buổi Phụng Vụ đó. Tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn, vị Tổng Giám Mục của München đã kêu gọi mọi người hãy sống một cuộc sống phản ánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà Lòng Thương Xót ấy vượt ra ngoài và vượt lên trên mọi ranh giới, mọi bức tường ngăn cách và mọi mối hận thù, cũng như tạo điều kiện để con người bắt đầu một cuộc sống mới. „Với hành động của Chúa Giê-su, những dấu chỉ được đặt ra, mà những dấu chỉ ấy tạo điều kiện cho một cách nhìn mới. Ngay cả ngày hôm nay, điều đó cũng có ý nghĩa đối với xã hội, văn hóa và chính trị, mà những điều thuộc về xã hội, văn hóa và chính trị ấy đang được khuyến khích để vượt thắng mọi ranh giới.“ Tuy nhiên, trước khi cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn, Đức Hồng Y Marx đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Phao-lô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục của Giáo phận này.

Việt Nam là một xã hội có nhiều biến chuyển, và xã hội ấy đang lượn vòng chung quanh sự định hướng cơ bản của mình cho một tương lai rộng mở. Nhiều lực lượng cả bên trong lẫn bên ngoài đảng cộng sản đều được tham gia vào cuộc đối thoại cộng đồng này“ – Đức Hồng Y Marx quả quyết. Tại Hà Nội, Ngài đã có được cơ hội để gặp gỡ các nhà bất đồng chính trị. Còn tại Sài Gòn thì Ngài lại có được cơ hội để gặp gỡ giới trí thức Công giáo. „Trong bối cảnh kinh tế, Việt Nam là một xã hội tư bản. Nó bị kiểm soát bởi những người cộng sản. Mô hình này đang đưa đến những căng thẳng đáng kể, nó không thích hợp với niềm khát khao tự do đang ngày một lớn mạnh, và nó chỉ tạo ra những khó khăn trong việc tổ chức các mối tương quan xã hội về lâu về dài.“ Đức Hồng Y Marx đã nhắc tới những cuộc gặp gỡ của Ngài với các đại diện thuộc giới chính trị, và với giới kinh doanh người Đức tại Sài Gòn. Ngài cũng nhắc tới chuyến thăm mà Ngài dành cho một ngôi trường chuyên đào tạo về ngành kinh doanh ẩm thực. Ngôi trường này được hỗ trợ bởi những tổ chức cả của Giáo hội lẫn xã hội đến từ Đức, và thực hiện việc đào tạo này cho những người trẻ có hoàn cảnh nghèo túng, và vì thế, học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo không ngừng được lập đi lập lại ngay tại những cơ sở có tính nền tảng, mà học thuyết ấy giới thiệu một con đường thứ ba vượt sang bên kia chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cả tại miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam, Đức Hồng Y Marx đều đến thăm những xưởng dệt may để có được một cảm tưởng về những điều kiện làm việc và sản xuất. Ở đây, vấn đề trở nên rõ ràng rằng, sự giám sát của nhà nước bảo đảm cho toàn bộ những điều kiện có thể kham được đối với những người tham gia lao động, đặc biệt là giới phụ nữ trong ngành dệt may, tuy nhiên, cả sau lẫn trước, Việt Nam vẫn chưa thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế đối với các quyền công đoàn. „Nhưng người ta được phép hy vọng rằng, về trung hạn, sự hợp tác quốc tế ngày càng tăng sẽ dẫn tới một sự biến chuyển tại đây“ – Đức Hồng Y Marx cho biết.

Đức Hồng Y Marx đã dành ngày cuối cùng trong chuyến công du của Ngài để đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nhà Dòng này được thành lập vào năm 1840, và hiện đang có khoảng 300 Nữ Tu. Cùng với một ngôi Thánh Đường của Giáo xứ, Nhà Dòng này nằm trên địa bàn mà chính quyền đang muốn biến thành một khu vực kinh tế với những tòa nhà cao tầng. Các Nữ Tu, và cùng với họ, toàn bộ Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang chống lại sự phá hủy được ra lệnh bởi các cơ quan nhà nước. Đức Hồng Y Marx đã bày tỏ với các Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng như với toàn Giáo hội Công giáo tại Việt nam về tình liên đới của các Đức Giám Mục Đức, và Ngài cũng cám ơn thái độ sẵn sàng giúp đỡ của chính phủ liên bang trong vụ này. „Sự xung đột mà nó đang diễn ra tại đây, đang vượt ra ngoài những nguyên nhân cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ là, liệu sự hiện đại hóa về kinh tế có được phép san bằng đời sống xã hội trong sự đa nguyên của nó, và với lịch sử của nó theo nghĩa đen hay không. Và vấn đề nằm ở chỗ là, liệu có hay không những quyền lợi và những giá trị mà chúng không được phép hy sinh cho sự nỗ lực để đạt được một lợi nhuận cao nhất hay không.

Đức Hồng Y Marx đã hứa với Giáo hội tại Việt Nam rằng, các Đức Giám Mục Đức sẽ đứng về phía Giáo hội ấy ngay cả trong những thời điểm biến động đầy khó khăn.

(theo Zenit.org 17.01.2016)

Joseph Trần 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 1, 2016