Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay Của Giáo Triều Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ: „Không, lạy Chúa, ở đây con chỉ thấy toàn đàn ông!

 

Vào chiều ngày mồng 08 tháng 03 vừa qua, tức Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và các vị lãnh đạo Giáo Triều đã được nghe một bài suy niệm tương ứng với ngày này. Qua bài suy niệm thứ năm của Ngài, Cha Ermes Ronchi – người giảng Tĩnh Tâm cho Giáo Triều năm nay -, đã nhắc nhớ rằng, trong Tin Mừng có nhiều phụ nữ đi theo Chúa Giê-su, và Cha đã than phiền về sự hiện diện duy nhất của nam giới trong tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay dành cho Giáo Triều.

Bài suy niệm của Ngài có điểm xuất phát từ đoạn Kinh Thánh nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su với một nữ tội nhân vô danh tại nhà ông Si-mon người Pha-ri-siêu (Lc 7,36-50). Người phụ nữ ấy đã dùng nước mắt của mình để rửa chân cho Chúa Giê-su, và đã dùng tóc của mình để lau khô chân cho Ngài. „Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều“ – Chúa Giê-su nói với nữ tội nhân ấy như thế.

Ông Si-mon – một nhà luân lý học – đã nhìn về quá khứ của người phụ nữ, và ông chỉ thấy „một lịch sử của những hành vi trái với quy định của đời sống cộng đồng“, trong khi đó Chúa Giê-su thì lại thấy „rất nhiều Tình Yêu của ngày hôm nay và ngày mai“ – vị giảng thuyết nhấn mạnh. Đúng ra thì ông Si-mon – một người đạo đức và có quyền lực – nên được ưu tiên để đứng ở trung tâm điểm của bữa tiệc này, „nhưng sau đó thì người phụ nữ đã choán mất vị trí trung tâm ấy“. Chỉ có Chúa Giê-su mới có khả năng tạo ra sự thay đổi về bối cảnh như thế, và đã tạo ra chỗ cho những người cùng rốt. Chúa Giê-su đã di chuyển điểm hội tụ, không lưu tâm tới tội lỗi của người phụ nữ, nhưng để ý tới những thiếu sót của ông Si-mon.

Giả như Chúa Giê-su cũng hỏi con“ – Cha Ronchi cười và thêm vào – „cậu có nhìn thấy người phụ nữ này không? – Thì rồi con phải trả lời ngay: Không, lạy Chúa, ở đây con toàn thấy cánh đàn ông thôi. Đó là chuyện hoàn toàn không bình thường nếu chúng ta tán thành với chuyện chỉ có một mình cánh đàn ông ở đây. Chúng ta phải nhận thức rằng, ở đây là một khoảng trống, mà khoảng trống ấy không tương thích với thực tế con người cũng như với thực tế của Giáo hội.“ Ở trong Tin Mừng không hề có chuyện đó. Nhiều phụ nữ đã đi theo và đã phục vụ Chúa Giê-su, „nhưng con không nhìn thấy họ giữa chúng ta đây.“

Nhà giảng thuyết tiếp tục đặt câu hỏi: „Điều gì làm cho chúng ta phải sợ hãi đến độ chúng ta phải xa lánh người phụ nữ này cũng như phải xa lánh những người phụ nữ khác? Chúa Giê-su đã hoàn toàn tự do và không hề bận tâm tới quá khứ hay tới giới tính của một con người, Ngài không bao giờ suy nghĩ trong những phạm trù hay trong sự rập khuân một cách máy móc. Và con nghĩ rằng, Chúa Thánh Thần cũng phân phát các hồng ân của Ngài mà không hề bận tâm tới giới tính con người.“

Chúa Giê-su đã để cho mình bị gây ấn tượng bởi người phụ nữ này trong nhà của một người Pha-ri-siêu và đã không quên bà – Cha Ronchi giải thích. „Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã lập lại những cử chỉ của nữ tội nhân vô danh và đáng yêu ấy, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ, cũng như đã lau khô chân cho các ông.“

 

(theo de.rv 09.03.2016 gs)

 

Joseph Trần

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2016