Từ Khóa Thứ Năm Trong Ba Năm Làm Giáo Hoàng Của Đức Thánh Cha Pha-xi-cô: Sự trìu mến

Ba năm nắm giữ chức vụ Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: vào Chúa Nhật ngày 13 tháng 03 tới đây sẽ là ngày kỷ niệm tròn ba năm việc Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, được bầu chọn trở thành người kế vị Thánh Phê-rô. Nhân dịp này, Đài Phát Thanh của Tòa Thánh Vatican đã đưa ra một số từ khóa mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thường hay sử dụng trong suốt ba năm qua.

5.Từ khóa thứ năm: Sự trìu mến

Vào ngày 19 tháng 03, trong Thánh Lễ đăng quang sứ vụ Phê-rô của Ngài với tư cách là Giám Mục Rô-ma, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như sau:

Chúng ta hãy nhớ rằng, thù hận, ghen tương và kiêu ngạo sẽ làm dơ bẩn cuộc sống! Như vậy, bảo vệ có nghĩa là canh chừng trên những cảm nghĩ của chúng ta, trên con tim của chúng ta, vì mọi cách nhìn tốt hay xấu đều phát xuất từ đó: những điều có tính xây dựng và những ý nghĩ chỉ đưa tới chỗ hủy hoại! Chúng ta không được sợ hãi trước sự thiện, cũng đừng hãi sợ dù chỉ một lần trước sự trìu mến!

Và ở đây Cha xin bổ sung thêm một lời chú thích cuối cùng: Sự quan tâm, sự bảo vệ đòi hỏi sự tốt lành, nó đòi người ta phải sống với sự trìu mến. Trong các Tin Mừng, Thánh Giu-su đã xuất hiện với tư cách là một con người mạnh mẽ, can đảm và cần mẫn trong công việc, nhưng trong nội tâm của Ngài biểu lộ một sự trìu mến to lớn, mà sự trìu mến ấy tất nhiên không phải là đức hạnh của người yếu đuối, không, nhưng trái lại: nó cho thấy sự mạnh mẽ của một tâm hồn, cũng như cho thấy khả năng chu đáo, khả năng cảm thông, khả năng mở ra một cách thực sự với người khác, và khả năng yêu thương. Chúng ta không được phép sợ hãi trước sự thiện, trước sự trìu mến!

Vào đêm ngày 24 tháng 12 năm 2014, trong Thánh Lễ mừng Chúa Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đã giảng như sau:

Khi chúng ta chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-su trong Đêm Thánh này để thấy được Ngài được đặt trong một máng cỏ ngay sau khi được sinh ra như thế nào, thì chúng ta sẽ được mời gọi để suy tư. Chúng ta đã đón nhận sự trìu mến của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có để cho mình được đạt tới bởi Ngài không, tôi có để cho mình được ôm lấy bởi Ngài không, hay tôi lại ngăn cản việc Ngài đến gần tôi? ´Nhưng con kiếm tìm Chúa` - chúng ta có thể vặn lại! Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là việc kiếm tìm Ngài, nhưng là việc để cho Ngài tìm thấy được tôi, để cho Ngài vuốt ve tôi với Tình Yêu tràn đầy. Câu hỏi duy nhất mà Hài Nhi Giê-su đặt ra cho chúng ta với sự hiện diện của Ngài là: Tôi đã để cho Thiên Chúa yêu thương tôi chưa?

Chúng hay hãy đi thêm một bước nữa: Chúng ta có can đảm để cùng gánh mang những trạng huống khó khăn cũng như những vấn đề của những con người đang sống bên cạnh chúng ta với sự trìu mến không? Hay chúng ta lại ưa thích tìm kiếm những giải pháp hợp lý mà có lẽ chúng có hiệu quả nhưng lại thiếu vắng sự hăng hái của Tin Mừng? Thế giới ngày nay đang cần tới sự trìu mến biết là chừng nào!

Câu trả lời của người Ki-tô hữu không thể khác ngoài câu trả lời mà Thiên Chúa đã đưa ra khi tận mắt chứng kiến sự bé nhỏ hèn mọn của chúng ta. Cuộc sống phải được bắt đầu với sự tốt lành và với sự dịu hiền. Nếu chúng ta ý thức rằng, Thiên Chúa bị đắm đuối trong sự nhỏ bé của chúng ta, rằng chính Ngài tự làm cho mình trở nên bé nhỏ để dễ dàng gặp gỡ chúng ta hơn, thì chúng ta sẽ không thể làm được chuyện gì khác ngoài việc mở con tim của chúng ta ra và cầu xin với Ngài rằng: ´Lạy Chúa, xin giúp con như Chúa là; xin ban ơn trìu mến cho con trong những trạng huống khó khăn nhất của cuộc sống, xin ban cho con được ơn trở nên gần gũi trong những lúc khốn cùng, xin ban cho con ơn hiền hòa ngay cả trong những cuộc xung đột.`“

Vào ngày 22 tháng 09 năm 2015, trong Thánh Lễ tại Thánh Địa Virgen de la Caridad del Cobre của Cu-ba, Đức Thánh Cha đã giảng rằng:

Chúng ta được mời gọi sống cuộc cách mạng của sự trìu mến như Mẹ Maria, thân Mẫu của Lòng Thương Xót. Chúng ta được mời gọi ´đi ra khỏi nhà`, để giữ cho cặp mắt và con tim luôn mở ra cho người khác. Cuộc cách mạng của chúng ta sẽ sử dụng con đường trìu mến, con đường niềm vui, mà niềm vui và sự trìu mến ấy luôn luôn đưa đến sự gần gũi, luôn luôn đưa đến sự cảm thông và dẫn chúng ta tới chỗ đặt mình vào trong cuộc sống của người khác để phục vụ họ.“

1. Từ Khóa Thứ Nhất : Lòng Thương Xót

2. Từ Khóa Thứ Hai: Vùng Ngoại Vi

3. Từ Khóa Thứ Ba: Đi ra khỏi chính mình

4. Từ Khóa Thứ Tư: Bảo vệ Thiên Nhiên

(theo de.rv 11.03.2016 cz)

Minh Tâm

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2016