Biểu Tượng Của Tội Lỗi, Biểu Tượng Của Ơn Cứu Độ - (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.03.2016)

 

Tội lỗi, con rắn, ma quỷ - và Chúa Ki-tô, Đấng trút bỏ Thần Tính của Ngài, và tự làm bẩn mình bằng tội lỗi, để làm cho lịch sử cứu độ của nhân loại trở nên có thể nhờ vào sự hiến tế của Ngài: Đó là những suy tư mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đưa ra qua bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Trong lịch sử cứu độ, một tầm quan trọng đặc biệt được dành cho một con thú: Con rắn là con thú đầu tiên được nói đến trong sách Sáng Thế, và là con thú cuối cùng mà chúng ta đã nghe về nó trong sách Khải Huyền. Nhưng nó không chỉ được sử dụng để nói về sự kết án hay như một biểu tượng cho Sa-tan, nhưng trong một cách thế đầy nhiệm mầu, nó cũng còn được sử dụng để làm biểu tượng cho ơn cứu độ.

Để giải thích điều này, Đức Thánh Cha đã liên hệ đến Bài Đọc I được trích từ sách Dân Số cũng như liên hệ đến bài Tin Mừng trong ngày được trích từ Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Kinh Thánh Cựu Ước tường thuật về dân Israel, và cho biết rằng, dân này đã trở nên mệt mỏi trong cuộc hành trình của mình xuyên qua sa mạc, và đã chống lại Thiên Chúa và Mô-sê. Ở đây cũng xuất hiện con rắn, nó xác định hai bối cảnh giống nhau: Lần thứ nhất khi nó được Thiên Chúa gửi đến để gieo rắc sự chết chóc và nỗi hoảng sợ giữa dân tộc bất trung, cho tới khi Mô-sê khẩn cầu ơn tha thứ. Lần thứ hai, khi nó được sử dụng ngược lại với chức năng của nó: „Thiên Chúa phán với Mô-sê: ´Hãy làm một con rắn và treo nó lên một cây cột.` Đó là con rắn được làm bằng đồng. Ai đã bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn bằng đồng đó thì sẽ được sống. Đó là một mầu nhiệm. Thiên Chúa không đánh chết con rắn, nhưng Ngài để nó tồn tại. Tuy nhiên, khi một trong số những con rắn đã cắn ai đó, thì người đó nên nhìn lên con rắn bằng đồng và sẽ được lành trở lại. Và đó là việc nâng cao con rắn.“

Vì thế, cụm từ „nâng cao“ được sử dụng ở đây nằm trong trung tâm của một cuộc đấu khẩu ác nghiệt, mà Chúa Ki-tô đã phải giáp mặt với những người Do-thái và được ghi lại trong Tin Mừng. Khi kết thúc cuộc đấu khẩu này, Chúa Ki-tô đã thốt lên: „Khi các ông treo Con Người lên, các ông sẽ nhận biết rằng, Ta là Đấng Hằng Hữu“. Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, „Ta là Đấng Hằng Hữu“ cũng là tên gọi của Thiên Chúa, mà Mô-sê đã công bố cho dân Israel dựa theo ý muốn của Ngài. „Thế nhưng“ – Đức Thánh Cha nói – „´Nâng Cao Con Người Lên` chính là cách diễn tả của danh xưng đó…

Con rắn là biểu tượng của tội lỗi. Nó là biểu tượng của sự chết chóc. Nhưng con rắn cũng cứu độ. Và đó là mầu nhiệm của Chúa Ki-tô. Khi nói về mầu nhiệm này, thánh Phao-lô đã nhấn mạnh rằng, Chúa Ki-tô đã tự trút bỏ bản thân mình, đã tự làm nhục bản thân mình, đã tự hủy hoại chính mình để cứu độ. Và còn mạnh hơn: ´Ngài trở nên có tội`. Nếu chúng ta sử dụng biểu tượng này, thì Ngài sẽ trở thành một con rắn. Đó là sứ điệp có tính Ngôn Sứ của các Bài Đọc hôm nay: Con Người, Đấng trở nên có tội giống như một con rắn, sẽ được nâng cao để cứu độ chúng ta.“ Đó là lịch sử cứu độ - Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Đó là lịch sử của Tình Yêu Thiên Chúa.

Nếu chúng ta muốn học biết Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta cần phải hướng nhìn lên Thánh Giá: một con người bị tra tấn, một Thiên Chúa, Đấng trút bỏ Thần Tính, Đấng bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Nhưng đó cũng là một Thiên Chúa, Đấng – bằng cách hủy bỏ chính bản thân mình – đã hủy hoại danh xưng đích thực của sự ác, mà trong sách Khải Huyền, sự ác được gọi là „con rắn xưa“:

Tội lỗi là công việc của ma quỷ, và Chúa Giê-su đã chiến thắng trên tội lỗi, bằng cách là Ngài làm cho bản thân Ngài trở nên có tội, và từ đó được nâng cao lên khỏi tất cả chúng ta. Thập Giá không phải là đồ trang sức, cũng chẳng phải là công trình nghệ thuật với những viên ngọc quý giá, như chúng ta vẫn nghĩ: Thập Giá chính là mầu nhiệm về sự tự hủy của Thiên Chúa, vì Tình Yêu. Và con rắn này, tức con rắn loan báo về ơn cứu độ trong sa mạc: được nâng cao, và bất cứ ai ngước nhìn lên con rắn ấy, đều sẽ được cứu độ. Và điều đó không được thực hiện với một cây đũa thần của Thiên Chúa, tức cây gậy hóa phép mọi chuyện: không! Điều đó được thực hiện với cuộc khổ hình của Con Người, với cuộc khổ hình của Chúa Giê-su Ki-tô!

 

(theo de.rv 15.03.2016 cs)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 3, 2016