Đức Hồng Y Kasper: Thiếu Nhiều Cây Ăng-ten Để Bắt Tín Hiệu Của Thiên Chúa

 

Đức Hồng Y Walter Kasper cảnh báo rằng: Thiên Chúa đã trở thành một người xa lạ đối với nhiều người. Vị Hồng Y người Đức, và là người làm việc lâu năm tại Giáo Triều, đã phát biểu như thế vào hôm thứ Sáu vừa qua trong một Hội Nghị tại Rô-ma bàn về Tông Đồ Lòng Thương Xót tại Châu Âu. Trong bài thuyết trình của mình, Đức Hồng Y Kasper nói rằng, việc tái mang Thiên Chúa tới gần con người không phải là một sứ mạng dễ dàng. Điều này cảng trở nên đặc biệt khó khăn hơn trong một thế giới tục hóa như thế giới ngày nay, và vì thế, đó là một thách đố lớn.

Nhiều người trong thời đại chúng ta đang thiếu cái gọi là ´những cây Ăng-ten` để bắt tín hiệu của Thiên Chúa“ – Đức Hồng Y Kasper đã nói như thế trước 300 tham dự viên của hội nghị Tông Đồ Lòng Thương Xót của Châu Âu. Việc Thiên Chúa trở thành một người xa lạ đối với nhiều người thậm chí cũng đến từ chỗ là, các Ki-tô hữu đã góp phần tạo ra như thế, bằng cách là họ chỉ loan báo về một „Thiên Chúa thích ra hình phạt, Đấng gây sợ hãi“. Trái lại, Thiên Chúa đồng hành với con người như một người Cha nhân hậu với đôi tay rộng mở, chứ không phải là Đấng thích trách mắng họ.

Đức Hồng Y Kasper coi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như là phương dược chữa lành đối với „các vết thương của thế giới“. Lòng Thương Xót chính là lời đáp trả của Thiên Chúa trước tất cả mọi sự ác, mọi sự bất công và „trước sự khủng khiếp của các hành vi tội phạm trong xã hội ngày nay“ – vị nguyên Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về sự hiệp nhất các Ki-tô hữu đã nhấn mạnh như thế.

Những mong chờ trước Tông Huấn sắp ban hành của Đức Thánh Cha:

Vào hôm thứ Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Kasper cũng đã cảnh báo trước những mong chờ đầy háo hức đối với văn kiện đúc kết chính thức của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Gia Đình. „Đức thánh Cha không phải là nhà cách mạng, nhưng là một người đang thực hiện những cải cách sâu rộng trong Giáo hội. Tôi không mong chờ một bản văn có tính cách mạng“ – Đức Hồng Y Kasper đã cho hãng thông tấn Công giáo SIR của Ý biết như thế. Đồng thời vị nguyên chủ tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về sự hiệp nhất các Ki-tô hữu cũng nhấn mạnh rằng, Ngài „chưa đọc dòng nào“ của Tông Huấn mà nó được đặt tên là Amoris Laetitia, và Tông Huấn này sẽ được công bố vào thứ Sáu tới đây tại Vatican. Nhưng Ngài xác tín rằng, Đức Thánh Cha sẽ đi trên cùng „một tuyến với Thượng Hội Đồng Giám Mục“.

Trong cái nhìn hướng về những người ly dị tái kết hôn, Đức Hồng Y Kasper cho biết, „sẽ không có bất cứ sự thay đổi nào về Giáo Lý, nhưng vấn đề ´kỷ luật` thì có thể được thay đổi“. Và như thế, có lẽ những cặp vợ chồng có liên quan có thể được phép đảm nhận một số „những sứ vụ tiêu biểu của người Giáo dân trong các cộng đoàn Giáo xứ“.

Khái niệm chìa khóa của Tin Mừng:

Trong bài thuyết trình của Ngài trước hội nghị, Đức Hồng Y Kasper đã cổ võ cho một „linh đạo mở to cặp mắt“ để nhìn ra „Thiên Chúa trong những người nhỏ bé nhất“, chẳng hạn như nơi những người nghèo, các bệnh nhân hay những người tị nạn. Khởi đi từ cụm từ „Lòng Thương Xót“, Ngài giải thích rằng, Thiên Chúa có một con tim cho lòng nhân hậu. Lòng Thương Xót cũng hiện diện trong cuộc chiến chống lại sự ác. Cơn giận của Thiên Chúa biểu lộ trong Kinh Thánh như là một sự trợ giúp để xóa sạch sự ác. „Thiên Chúa chiến đấu chống lại sự ác, nhưng Ngài cũng ban ân sủng của Ngài và tha thứ cho những ai thống hối và cầu xin ơn tha thứ.“

Vào năm 2012, Đức Hồng Y Kasper đã viết một cuốn sách về Lòng Thương Xót như là khái niệm chìa khóa của Tin Mừng. Ngay trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của mình, đích thân Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ca ngợi tác phẩm này, và khuyên mọi người hãy đọc nó.

Bối cảnh:

Hội Nghị Tông Đồ Lòng Thương Xót của Châu Âu đã khai mạc từ hôm thứ Năm vừa qua và sẽ tiếp tục cho tới tận thứ Hai tới đây. Khoảng 500 tham dự viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang được trông đợi sẽ hiện diện trong cuộc hội nghị này. Kể từ năm 2008 tới nay, cứ ba năm một lần, các cuộc hội nghị về đề tài nêu trên lại diễn ra. Những cuộc hội nghị này gợi nhớ một cách đặc biệt tới triều đại của Đức Gio-an Phao-lô II (1978-2005). Cũng giống như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô hiện nay, Đức Gio-an Phao-lô II đã coi Lòng Thương Xót như là đề tài trung tâm trong suốt triều đại của mình.

 

(theo kna/rv 02.04.2016 mg)

 

J.Ngọc Hà

 

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2016