Tiền bạc là kẻ thù của sự hòa điệu“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 05.04.2016)

Hình thức hòa điệu nào nên tồn tại trong các cộng đoàn Ki-tô hữu? Và điều gì đe dọa sự hòa điệu nhất? Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng xung quanh những vấn đề đó trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Sự hòa điệu là một ân sủng nội tại mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tặng ban – Đức Thánh Cha giải thích. Và sự đe dọa mạnh mẽ nhất đối với sự hòa điệu chính là tiền bạc – Đức Thánh Cha quả quyết như thế ngay vào ngày hôm sau khi người ta khám phá ra một hệ thống gian lận thuế hùng mạnh và có tính toàn cầu mà nó được công bố là „Panama Papers“.

Cộng đoàn các tín hữu là một con tim và một tâm hồn. Không có ai gọi bất cứ thứ gì mà mình đang có là của riêng mình, nhưng họ coi tất cả là của chung“ – Bài Đọc I được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ đã cho biết như thế. Điều đó được hiểu như thế nào? Đó không phải là một sự đồng thuận trước việc đạt được một mục tiêu nào đó – Đức Thánh Cha giải thích.

Chúng ta có thể ký những hiệp định và có thể đạt tới được một mức độ nào đó về hòa bình – nhưng sự hòa điệu là một ân sủng nội tại mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tặng ban. Cộng đoàn này sống trong sự hòa điệu. Và có hai bằng chứng của sự hòa điệu: Không có ai phải bị túng quẫn nghèo nàn, họ coi tất cả là của chung. Cho tới mức độ nào? Cho tới mức họ trở thành một con tim và một tâm hồn, và không có bất cứ ai coi cái mà mình đang có là của riêng mình cả. Sự hòa điệu của Chúa Thánh Thần có liên quan mạnh mẽ tới tiền bạc: Tiền bạc chính là kẻ thù của sự hòa điệu; tiền bạc chính là sự ích kỷ. Và vì thế, dấu chỉ của Chúa Thánh Thần chính là việc mọi người đều cho đi cái mà mình đang có, để không ai còn phải túng thiếu nghèo nàn nữa.“

Tất cả những ai đang sở hữu ruộng vườn hay nhà cửa, đều đem bán tất cả những tài sản đó đi, mang số tiền thu được đến đặt dưới chân các Tông Đồ“ – sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại như thế về Cộng đoàn tín hữu sơ khai. Nhưng Đức Thánh Cha cũng nhắc tới sự kiện được thuật lại ở chương tiếp theo của sách Công Vụ Tông Đồ về sự gian lận của cặp vợ chồng Hanania và Saphira. Cặp vợ chồng này đã bán gia tài của mình, nhưng đã bí mật quyết định giữ lại cho mình một phần tiền thu được; cả hai đã chết một cách bất đắc kỳ tử ngay trong khoảnh khắc mà vụ gian lận bị khám phá ra. Thiên Chúa và tiền bạc là hai ông chủ mà người ta không thể cùng phục vụ một lúc – Đức Thánh Cha phân tích để tái quay trở lại với đề tài về sự hòa điệu trong cộng đoàn. 

Một cộng đoàn có thể hoàn toàn yên ả và hoạt động tốt – nhưng không ở trong sự hòa điệu. Một lần kia Cha đã nghe người ta nói tới một vị Giám Mục khá khôn ngoan: trong Giáo phận, tất cả đều êm ả. Nhưng nếu bạn đụng đến vấn đề này hay đến vấn đề kia, thì ngay lập tức chiến tranh nổ ra. Đó là một sự hòa điệu bị thương lượng, và nó không đến từ Chúa Thánh Thần. Nó là một sự hòa điệu mà chúng ta có thể gọi là sự hòa điệu giả hình, giống như trong trường hợp của Hanania và Saphira.“

Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hãy đọc sách Công Vụ Tông Đồ. „Điều đó sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta“ – Đức Thánh Cha nói – để hiểu được sự mới mẻ của đời sống cộng đoàn có thể được làm chứng như thế nào ngay trong thời đại hôm nay, „trong tất cả mọi lãnh vực đời sống“.

Sự hòa điệu của Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự quảng đại này để không sở hữu bất cứ điều chi làm của riêng, trong lúc vẫn còn đó những người túng thiếu nghèo hèn. Sự hòa điệu của Chúa Thánh Thần còn ban cho chúng ta một thái độ tiếp theo: „Với sức mạnh to lớn, các Tông Đồ đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giê-su“ – điều đó có nghĩa là các Ngài có lòng can đảm. Nếu có sự hòa điệu trong Giáo hội, trong cộng đoàn, thì rồi cũng sẽ có sự can đảm – can đảm để làm chứng cho Chúa phục sinh.“

 

(theo rv 05.04.2016 gs)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2016