Tông Huấn Amoris Laetitia: Sáu Điểm Trung Tâm

Vào sáng thứ Sáu ngày mồng 08 tháng 04 vừa qua, Tòa Thánh Vatican đã chính thức giới thiệu bức Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Bức Tông Huấn này được Ngài viết dựa trên những tư vấn từ hai phiên họp khoáng đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về hôn nhân và gia đình, nên được gọi là Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình. Nó có tựa đề là Amoris Laetitia (tạm dịch sang tiếng Việt: Niềm Vui Tình Yêu). Ngoài phần dẫn nhập và kết luận ra, bức Tông Huấn này có tất cả 9 chương với 325 số.

Ngay ở phần mở đầu của Tông Huấn Amoris Laetitia, cụ thể là ở số 7, Đức Thánh Cha đã nói rằng, Ngài „không khuyên đọc toàn bộ bức Tông Huấn một cách vội vã“. Ngài đã hạn chế xu hướng muốn mau chóng đọc cho xong bức Tông Huấn này, và Ngài đã giải thích lý do tại sao bản văn này là một bản văn rất phong phú, và cảnh báo trước sự vội vàng khi đọc nó. Nhưng để có thể định hướng trong văn kiện rất phong phú này – như đích thân Đức Thánh Cha đã nói - ở đây xin giới thiệu một cái nhìn tổng quát về những điểm quan trọng nhất của nó.

1.Không luôn luôn chỉ có Rô-ma:

Không phải tất cả các cuộc thảo luận về tín lý, luân lý hay mục vụ đều phải được quyết định bởi một sự can thiệp thuộc huấn quyền“ (số 3). Ngay khi khởi đầu văn kiện này, Đức Thánh Cha đã phác thảo một chìa khóa để tiếp cận thực tế: Những giải pháp không chỉ đến „từ trên“. Đứng đàng sau đó là ý tưởng hội nhập văn hóa, điều đó có nghĩa là, ở địa phương này thì những giải pháp có thể lại khác với ở quốc gia bên cạnh hay trong một vùng văn hóa khác, vì những hoàn cảnh rất khác nhau.

2.Tính thực tế:

Cần „ngăn ngừa những thiên kiến mà chúng không lưu tâm tới tính phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau“. Đức Thánh Cha muốn hướng cái nhìn vào thực tế chứ không phải chỉ nhìn vào những ý tưởng. Nếu không có sự lưu tâm tới thực tế, người ta sẽ không hiểu được những nhu cầu hiện tại và cũng chẳng hiệu được lời mời gọi của Chúa Thánh Thần – Đức Thánh Cha đã viết như thế. Ở đây, tính thực tế giúp ngăn ngừa „một ý tưởng thần học trừu tượng về hôn nhân (…), mà nó được hình thành nên một cách hầu như giả tạo, và xa cách hoàn cảnh cụ thể cũng như xa cách những khả năng thực tế của các gia đình thực tế“ (số 36). Chủ nghĩa duy ý tưởng sẽ dẫn tới chỗ là, đời sống hôn nhân sẽ không còn được nhìn như điều mà nó là, mà thực ra „đó là con đường năng động của sự phát triển và hiện thực hóa“ (số 37).

3.Vấn đề là Tình Yêu:

Chương trung tâm của văn kiện này – như đích thân Đức Thánh Cha đã mô tả - chính là chương nói về Tình Yêu, ở đó Đức Thánh Cha đã sử dụng cặp từ „amor“, chứ không phải là cụm từ mang ý nghĩa Bác Ái nhiều hơn: „caritas“. Bản văn đã bàn đến tất cả mọi khía cạnh của Tình Yêu: từ sự bền vững và trao hiến, từ niềm đam mê, sự luyến ái tới sự thay đổi trong tuổi già và cái chết. Chẳng hạn như tính dục, nó được „sống như là một sự tham dự vào sự viên mãn của một cuộc sống trong sự phục sinh của Chúa Ki-tô“ – một tông nền tích cực chiếm ưu thế. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, „trong bản chất của chính Tình Yêu hôn nhân, việc mở ra cho sự dứt khoát vẫn luôn tồn tại“ (số 123), và thực ra, trong toàn bộ không gian hôn nhân, trong „sự đồng tồn tại của những niềm hạnh phúc và của những nỗ lực, của sự thỏa mãn và sự khát khao, của sự thiếu hài lòng và của sự khoan khoái“ (số 126).

4.Sự liên kết tất cả:

Vấn đề nằm ở chỗ là liên kết tất cả; người ta phải giúp đỡ từng cá nhân để họ tìm thấy con đường riêng của mình trong việc tham dự vào với cộng đoàn Giáo hội, để họ cảm thấy mình như là một người đón nhận một Lòng Thương Xót vô vị lợi, vô điều kiện và tự do đáp đền“ (số 297). Mục vụ không có nghĩa là vơ tất cả mọi quy tắc vào trong thực hành, nó phải xuất phát từ từng cá nhân một, trong hoàn cảnh riêng của họ. Triển vọng về điều này chính là sự liên kết và hòa nhập tất cả - Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

5.Lương tâm:

Chúng ta được kêu gọi phải đào tạo lương tâm, nhưng không nhắm tới mục đích đưa ra yêu cầu nhằm thay thế nó“ (số 37). Cái nhìn hướng về giáo huấn của Chúa Ki-tô và hướng về truyền thống của Giáo hội thuộc về một sự đắn đo suy nghĩ trong lương tâm, những giải pháp quá dễ dãi hay quá nghiêm khắc, cũng đều là sự phản bội đối với hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Nhưng ngoài ra, từng cá nhân một đều phải được kính trọng, cá nhân ấy ở một mình với Thiên Chúa trong lương tâm mình. Điều đó cũng giải thích cho biết tại sao văn kiện không đưa ra những quy định mới: „Nếu người ta lưu ý đến muôn vàn những khác biệt của những hoàn cảnh cụ thể (…), thì người ta sẽ có thể hiểu được rằng, người ta không được phép mong chờ từ Thượng Hội Đồng Giám Mục hay từ Tông Huấn này, bất cứ quy định mới nào có tính pháp lý chung được áp dụng cho tất cả mọi trường hợp theo hình thức Giáo Luật. Chỉ có thể diễn tả một sự khuyến khích mới nhằm thực hiện một sự biện phân đầy trách nhiệm, cá nhân và mục vụ đối với từng trường hợp riêng biệt“ (số 300).

6.Chống lại việc chèo kéo dư luận:

Những cuộc thảo luận, như chúng vẫn được thực hiện trên các phương tiện truyền thông hay trong những thông cáo báo chí, và kể cả trong các cơ quan thuộc Giáo hội, trải dài từ một sự khát khao không thể kìm nén trong việc muốn thay đổi mọi thứ mà không bận tâm tới chuyện suy tư phản tỉnh một cách đầy đủ hay đưa ra những cơ sở biện giải, cho tới quan điểm muốn giải quyết tất cả thông qua việc thay đổi những nguyên tắc chung hay thông qua việc rút ra những kết luận phóng đại từ một số những suy tư Thần Học“ (số 2). Đức Thánh Cha biết rất rõ về những gì mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã có đối với một sự ồn ào đi kèm, cả trong nội bộ Giáo hội lẫn nơi các phương tiện truyền thông. Trong cả hai bài diễn văn bế mạc của Ngài, Đức Thánh Cha đã phê phán điều đó, và trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha còn nói rõ thêm một lần nữa về sự việc đó. Đàng sau những chỉ trích cũng cất giấu một đòi hỏi: không đọc Tông Huấn một cách vội vã, không cường điệu những thảo luận, nhưng đọc kỹ từng đề tài một cũng như từng phần một của bản văn trong sự thanh thản và trầm tư.

(theo de.rv 08.04.2015 ord)

Minh Tâm

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2016