Bách Hại Là Lương Thực Hằng Ngày Của Chúng Ta“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 12.04.2016)

 

Việc bách hại mà các Ki-tô hữu phải gánh chịu, chính là „lương thực hằng ngày của Giáo hội“. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Nói chung thì chỉ nhờ vào cái chết của các Vị Tử Đạo mà Giáo hội mới „có thể được tái thiết“ – Đức Thánh Cha quả quyết. Ai đánh mất sự sống của mình vì Đức Tin, người ấy sẽ trao tặng cho tất cả các Ki-tô hữu một kho tàng quan trọng, và cụ thể đó là trở thành chứng tá „của con cái Thiên Chúa“.

Có nhiều loại bách hại khác nhau nhắm vào các Ki-tô hữu. Trong thời cổ đại, thậm chí có những vụ sát hại các Ki-tô hữu bằng những con „thú hoang“. Những con thú này được thả ra để ngấu nghiến các vị Tử Đạo trước sự chứng kiến của rất nhiều khán giả ngồi xem. Và trong hiện tại thì lại có những tín hữu bị sát hại vì bị đánh bom sau khi đi dự Lễ về - Đức Thánh Cha nhắc nhớ. Nhưng cũng còn có những loại bách hại khác nhắm vào các Ki-tô hữu, mà những loại bách hại ấy lại diễn ra „với những đôi găng tay trắng tinh“. Đó là „sự loại trừ các Ki-tô hữu về khía cạnh văn hóa“ khỏi một xã hội. Điều này diễn ra phần lớn thông qua luật pháp hay qua các phương châm lãnh đạo, chúng loại các tín hữu ra khỏi công việc hay khỏi cuộc sống hằng ngày.

Khởi đi từ trình thuật về vị Tử Đạo đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, Thánh Stephanus, người được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Thánh Cha nói:

Sự bách hại, nếu Cha được phép nói như thế, chính là lương thực hằng ngày của Giáo hội. Chính Chúa Giê-su đã nói về điều đó. Ai đến Rô-ma với tư cách là những người du lịch, thì sẽ đến thăm Colosseum và sẽ nhớ tới những vị Tử Đạo đã bị sư tử nghiền nát. Nhưng không phải chỉ có các Ngài mới là những vị Tử Đạo. Ngày hôm nay cũng đang còn có những người giống như các Ngài. Cha nghĩ tới những người nam và những người nữ mà cách nay ba tuần, họ đã bị sát hại tại Đông Phương, và cụ thể là tại Pakistan, vì họ cử hành Đại Lễ Chúa Ki-tô phục sinh. Bằng cách đó, Giáo hội tiến về phía trước với các Vị Tử Đạo của mình.“

Sau cuộc Tử Đạo của Thánh Stephanus, tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn có một cuộc bách hại tàn bạo khác nhắm vào các Ki-tô hữu – Đức Thánh Cha gợi nhớ. Nhưng bên cạnh việc bị bách hại về thể xác và việc bị tra tấn bằng vũ lực, còn có một mối nguy hiểm khác đối với các tín hữu.

Đó là một cuộc bách hại, mà bằng một giọng nói nhỏ với một chút châm biếm, Cha xin được đặt tên cho nó là cuộc cuộc bách hại ´lịch sự`. Ở đây, Cha nghĩ tới những cuộc bách hại mà trong đó một người bị bách hại không phải vì họ làm chứng nhân danh Chúa Ki-tô, nhưng vì họ muốn bảo vệ những giá trị của Con Thiên Chúa. Vì thế, một cuộc bách hại đã diễn ra nhằm chống lại Thiên Chúa Sáng Tạo trong cá nhân những người con của Ngài. Và chúng ta cứ nhìn vào cuộc sống hằng ngày thì sẽ thấy những kẻ nắm quyền tạo ra những bộ luật nhằm ép buộc người này người kia phải đi trên con đường mà những kẻ có quyền đó muốn. Và một quốc gia mà nó không đi theo những bộ luật được gọi là hiện hại cũng như được giải thích là hiện đại, hay không muốn có những bộ luật như thế trong việc ban hành luật pháp của mình, thì quốc gia ấy sẽ bị buộc tội và bị bách hại một cách lịch sự. Đó là một sự bách hại mà nó cướp đi khỏi con người sự tự do của họ, kể cả những người phải khước từ vì những lý do lương tâm!

Cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các Ki-tô hữu cũng có một kẻ lãnh đạo hoàn toàn cụ thể - Đức Thánh Cha bổ sung:

Tên lãnh đạo của những cuộc bách hại ´lịch sự` này đã bị Chúa Giê-su nêu đích danh: Đó là hoàng tử thế gian. Và khi những kẻ có quyền muốn cưỡng bức người ta phải thực hiện một thái độ nào đó hay phải tuân thủ một bộ luật nào đó, mà chúng chống lại phẩm giá của Con Thiên Chúa, thì có nghĩa là những kẻ có quyền ấy đang bách hại con cái của Chúa và chống lại Thiên Chúa Sáng Tạo. Đó là sự bội giáo tuyệt đối! Nhưng thông qua cả hai sự bách hại ấy, đời sống của các Ki-tô hữu sẽ tiến về phía trước. Chúa Giê-su đã hứa với chúng ta rằng, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. ´Hãy coi chừng, hãy coi chừng!` - Ngài đã cảnh báo chúng ta như thế. ´Anh em đừng để mình sa vào tinh thần thế gian` - Chúa Giê-su căn dặn chúng ta: ´Nhưng hãy tiến về phía trước, Thầy ở cùng anh em!`

 

(theo de.rv 12.04.2016 mg)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2016