Công Bố Tin Mừng, Cầu Thay Nguyện Giúp Và Niềm Hy Vọng – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 22.04.2016)

Cách nay đúng 43 năm, một Tu Sĩ trẻ đã tuyến khấn trọn đời trong Dòng Tên tại Argentina. Ngày hôm nay, vị Tu Sĩ đó đã trở thành Giáo Hoàng. Trong bài giảng nhân ngày mừng kỷ niệm 43 năm Khấn Dòng của mình, „Padre Jorge“, tức Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, đã bận tâm tới ba điểm cốt lõi theo truyền thống tốt đẹp nhất của Dòng Tên: Công bố Tin Mừng, cầu thay nguyện giúp và niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha đã khởi đi từ những Bài Đọc được trích từ những chương đầu của sách Tông Đồ Công Vụ mà chúng được đọc trong các Thánh Lễ suốt Mùa Phục Sinh. Những bài giảng của Thánh Phao-lô thường được thực hiện trong các hội đường hay trong các đền thờ. Theo quan sát của Đức Thánh Cha, nội dung có tính quyết định của việc công bố Tin Mừng hệ tại ở chỗ là Chúa Giê-su đã chết và đã phục sinh.

Chúa Giê-su đang sống! Đó là lời công bố của các Tông Đồ cho những người Do-thái và cho dân ngoại sống cùng thời với các Ngài, và các Ngài cũng đã làm chứng cho lời công bố ấy bằng chính mạng sống và máu của mình.

Khi Gio-an và Phê-rô bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, và các tư tế đã cấm các Ngài không được nói về danh tính của Chúa Giê-su, cũng như không được nói về sự phục sinh, thì các Ngài đã trả lời với tất cả sự can đảm cũng như với tất cả sự đơn sơ của mình rằng: chúng tôi không thể lặng thinh trước những sự việc mà chúng tôi đã thấy và đã nghe! Công bố Tin Mừng. Và nhờ vào Đức Tin, các Ki-tô hữu chúng ta đang có Chúa Thánh Thần trong mình, Đấng làm cho chúng ta thấy được chân lý và nghe được về Chúa Giê-su, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã phục sinh. Đó chính là việc công bố đời sống Ki-tô giáo: Chúa Ki-tô đang sống! Chúa Ki-tô đã phục sinh! Chúa Ki-tô ở bên chúng ta trong cộng đoàn, Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường chúng ta đi.“

Thực ra thì việc công bố Tin Mừng „đôi khi rất vất phả đối với chúng ta“, nhưng Chúa Giê-su phục sinh là „một thực tế“, và vì thế người ta phải làm chứng về điều đó cho những người khác.

Sau từ khóa „công bố Tin Mừng“, Đức Thánh Cha đã đi tới từ khóa tiếp theo: „cầu thay nguyện giúp“. Ngài đã trích dẫn Lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài trong bữa Tiệc Ly, mà lời ấy được thuật lại trong bài Tin Mừng trong ngày, tức bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an: „Tâm hồn anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy! Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em.“

Điều đó muốn nói gì? Chúa Giê-su dọn sẵn chỗ như thế nào? Với lời cầu nguyện của Ngài cho từng người một trong chúng ta. Chúa Giê-su cầu nguyện cho chúng ta, và đó là lời cầu thay nguyện giúp. Trong khoảnh khắc này, Chúa Giê-su đang làm việc với lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta. Giống như Ngài đã từng nói với Thánh Phê-rô: Phê-rô, Thầy đã cầu nguyện cho anh – trước khi cuộc khổ hình của Ngài diễn ra. Và vì thế, giờ đây Chúa Giê-su đang là người cầu thay nguyện giúp giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta.

Và Chúa Giê-su cầu nguyện như thế nào? Ngài tin rằng – Đức Thánh Cha đã tự trả lời cho chính câu hỏi do Ngài đặt ra -, „Chúa Giê-su sẽ chỉ ra cho Thiên Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài, vì Ngài đã mang những vết thương đó theo mình sau cuộc phục sinh.“ Chúa Giê-su chỉ cho Thiên Chúa Cha nhìn thấy những vết thương của Ngài, và bênh vực cho từng người một trong chúng ta. „Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Đó là lời cầu thay nguyện giúp của Ngài.“

Và cuối cùng là từ khóa thứ ba: „Niềm Hy Vọng“. „Người Ki-tô hữu chính là một người nữ hay một người nam của niềm hy vọng, vì người ấy hy vọng vào cuộc trở lại của Chúa Ki-tô“. Toàn thể Giáo hội mong chờ cuộc tái lâmg này, và điều đó mở ra niềm hy vọng Ki-tô giáo.

Mỗi người trong chúng ta đều có thể tự hỏi: Việc công bố Tin Mừng đang diễn ra trong cuộc sống của tôi như thế nào? Mối tương quan của tôi với Chúa Giê-su, Đấng đang bênh vực tôi, như thế nào? Và niềm hy vọng của tôi thế nào? Tôi có thực sự tin rằng Chúa Ki-tô đã sống lại không? Tôi có tin rằng, Ngài đang cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha cho tôi không? Mỗi lần khi chúng ta thân thưa với Ngài thì Ngài đều bênh vực chúng ta, Ngài đều cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Tôi có thực sự tin rằng Ngài sẽ lại đến không? Sẽ đem đến nhiều ích lợi cho chúng ta mỗi khi chúng ta đặt ra câu hỏi về Đức Tin này cho mình: Tôi có tin vào việc công bố Tin Mừng không? Tôi có tin vào lời nguyện giúp cầu thay không? Tôi có phải là một người nam hay một người nữ của niềm hy vọng không?

(theo de.rv 22.04.2016 sk)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2016