Sự Hồi Tưởng, Tính Ngôn Sứ Và Niềm Hy Vọng(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 30.05.2016)

 

Không phải một thành lũy được xây nên bằng những quy luật, nhưng sự “hồi tưởng” đến những hồng ân được Thiên Chúa ban tặng, hồi tưởng đến sự năng động của “tính Ngôn Sứ” và hồi tưởng tới đường chân trời của “niềm hy vọng” mới chính là điều hướng dẫn từng cá nhân Ki-tô hữu một trên con đường Đức Tin của họ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Hai vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Với phong thái của một Giê-su hữu, trong bài giảng của Ngài hôm nay, Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba điều: Sự hồi tưởng, tính Ngôn Sứ và niềm Hy Vọng. Một sự tin tưởng tuyệt đối và cứng nhắc vào những quy luật sẽ giới hạn làn gió giải phóng của tính Ngôn Sứ, trong khi tính Ngôn Sứ lại vượt ra ngoài mọi ranh giới. Chúa Giê-su đã diễn tả điều này ngay trong bài Tin Mừng hôm nay, và cụ thể đó là câu truyện ngụ ngôn về những tên tá điền sát nhân. Những kẻ này đã được ông chủ đất giao cho một vườn nho, nhưng ngay khi họ có nó trong tay, họ đã không muốn tuân thủ những giao kèo, và dần dần sát hại hết tất cả những viên đầy tớ do ông chủ sai tới để thu lợi tức. Rốt cục, thái độ sẵn sàng sử dụng bạo lực của những tên tá điền sát nhân đã lên tới cực điểm trong việc sát hại người con dấu ái của ông chủ vườn nho, với niềm hy vọng hão huyền rằng, sẽ có thể thừa hưởng vườn nho và tất cả mọi lợi tức của nó.

Những viên đầy tớ và người con bị những tên đá điền sát hại chính là biểu tượng cho các Ngôn Sứ cũng như cho chính Chúa Giê-su. Với hành vi sát hại, những viên tá điền đã biểu lộ mình như là “dân tự nhốt mình lại trong chính mình, không mở ra cho những lời hứa của Thiên Chúa, hoàn toàn không hy vọng gì vào những lời hứa của Thiên Chúa” – Đức Thánh Cha giải thích. Đó là “một dân không có sự hồi tưởng, không mang tính Ngôn Sứ và cũng không có niềm hy vọng”. Những thủ lĩnh của dân này chỉ chăm chú vào việc tạo nên một hệ thống luật lệ có tính khép kín, và không làm bất cứ điều chi khác.

Họ không bận tâm tới sự hồi tưởng. Còn tính Ngôn Sứ thì sao? Đối với họ, tốt nhất là các Ngôn Sứ đừng đến. Vậy niềm hy vọng thì thế nào? Người nào cũng chỉ nhìn vào mình. Đó là một hệ thống mà với nó, họ tự hợp thức hóa: các Luật Sĩ, các nhà Thần Học, họ đi theo con đường giải nố, và không cho phép Chúa Thánh Thần được tự do hành động; họ không nhận ra ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng của Chúa Thánh Thần, và cản ngăn Chúa Thánh Thần, vì họ không cho phép tính Ngôn Sứ được bước vào trong niềm Hy vọng.”

Đó là một hệ thống tôn giáo mà Chúa Giê-su đã nói về – Đức Thánh Cha giải thích. Rốt cục thì chính Ngài cũng đã bị cám dỗ trong việc không để cho tính Ngôn Sứ được nên trọn – Đức Thánh Cha gợi ý đến 3 cơn cám dỗ mà Chúa Giê-su đã gặp trong sa mạc.

Nhưng Chúa Giê-su đã trách cứ những con người ấy, chính là vì Ngài đã nhận ra cơn cám dỗ ấy ngay trong bản thân Ngài: các ngươi đi cả nửa vòng trái đất để lôi kéo người khác theo đạo, và khi các người đã lôi kéo được họ rồi, thì các ngươi lại biến họ thành những tên nô lệ! Dân được tổ chức như thế, Giáo hội được tổ chức như thế, đang tạo ra những kẻ nô lệ.”

Và vì thế người ta cũng có thể hiểu được phản ứng của Thánh Phao-lô khi Ngài nói về chế độ nô lệ lề luật và về sự tự do mà ân sủng trao ban – Đức Thánh Cha giải thích tiếp.

Một dân tộc tự do, một Giáo hội tự do, khi Giáo hội ấy có sự tưởng nhớ, khi Giáo hội trao không gian cho các Ngôn Sứ, và khi Giáo hội không đánh mất niềm hy vọng.”

Vườn nho được tổ chức tốt – Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chính là “bức chân dung của dân Thiên Chúa, của Giáo hội, nhưng cũng là của linh hồn chúng ta”, điều mà Thiên Chúa Cha luôn luôn chăm sóc với nhiều Tình Yêu và sự trìu mến. Nổi dậy chống lại Ngài có nghĩa là đánh mất sự hồi tưởng về những ân lộc của Thiên Chúa giống như những tên tá điền sát nhân, trong khi việc không ngừng quay trở về lại với nguồn cội lại là một điều rất quan trọng đối với ký ức và đối với việc không đi trệch khỏi đường:

Tôi có nhớ tới những công việc diệu kỳ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của tôi không? Tôi có nhớ tới những ân huệ của Thiên Chúa không? Tôi có khả năng mở con tim mình ra cho các Ngôn Sứ, tức những người mà họ đến nói với tôi rằng: ´Nếu cậu cứ thích đi theo cách đó thì không được! Hãy tiến về phía trước và hãy đánh bạo một cái gì đó`- không? Các vị Ngôn Sứ sẽ làm như thế. Tôi có mở ra cho điều đó không, hay tôi sợ nó, và thích thú với chuyện tự nhốt mình lại trong những chiếc lồng của lề luật? Và cuối cùng: Tôi có hy vọng vào những lời hứa của Thiên Chúa, như Tổ Phụ Áp-ra-ham của chúng ta, người đã rời bỏ quê hương mình mà không hề biết rằng, mình sẽ đi tới đâu, nhưng vẫn làm, chỉ vì ông đã đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, không? Việc tự đặt ra cho mình ba câu hỏi đó sẽ là điều rất tốt cho chúng ta…

 

(theo de.rv 30.05.2016 cs)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 5, 2016