ĐGH Phanxicô - Về Sự Khiêm Nhường Và Cho Đi Nhưng Không

(muoianhsang.com)

 

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng!

Cảnh tượng mà bài Tin Mừng hôm nay gợi nhắc lại cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đang ở nhà của một trong những người lãnh đạo của nhóm Pharisêu, tập trung vào việc quan sát cách mà các khách mời tại bữa tiệc đã nỗ lực để chọn những chỗ tốt nhất. Đó là một cảnh mà chúng ta đã thấy nhiều lần: người ta tìm kiếm chỗ tốt nhất, ngay cả “thụi củi chỏ” lẫn nhau để dành lối.

Trong cảnh tượng này, Ngài mô tả hai dụ ngôn ngắn mà qua đó Ngài mang lại hai lời khuyên dạy: một là liên quan đến chỗ ngồi, dụ ngôn kia là về phần thưởng.

Dụ ngôn thứ nhất được đặt trong bối cảnh là một bàn tiệc cưới. Chúa Giêsu nói: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'.”

Với lời đề nghị này, Chúa Giêsu không đưa ra những qui ước của phép lịch sự xã hội, mà hơn thê là một bài học về giá trị của sự khiêm nhường. Lịch sử dạy cho chúng ta rằng sự kiêu ngạo, tham vọng, hư vinh và phô trương là căn nguyên của nhiều thứ sự dữ. Và Chúa Giêsu giúp chúng ta thấy được sự cần thiết mà chúng ta phải chọn chỗ chót hết, đó là, tìm kiếm sự nhỏ bé và sự ẩn giấu: sự khiêm nhường.

Khi chúng ta đặt chính bản thân chúng ta trước mặt Thiên Chúa theo cách khiêm nhường này, thì Thiên Chúa sẽ tôn vinh chúng ta, Ngài sẽ giơ tay ra để kéo chúng ta về với Ngài: “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" (c. 11).

Những lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai thái độ hoàn toàn khác biệt và trái ngược nhau: Thái độ của người chọn chỗ của mình và thái độ của người để cho chỗ của mình được Thiên Chúa sắp đặt và đợi chờ từ Ngài phần thưởng của mình.

Chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa ban tặng nhiều hơn cả con người! Ngài ban cho chúng ta một chỗ còn tuyệt vời hơn bất kỳ một chỗ nào mà con người mang lại. Chỗ mà Thiên Chúa ban tặng thì gần gũi với trái tim của Ngài và phần thưởng của Ngài là sự sống đời đời. “Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại", Chúa Giêsu nói.

Đây là điều được mô tả trong dụ ngôn thứ hai, mà trong đó Chúa Giêsu chỉ ra thái độ vô vị lợi trở thành nét đặc trưng thế nào đối với lòng hiếu khách. Ngài nói, "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ”.

Đây là vấn đề về chọn lựa sự nhưng không thay vì những tính toán vụ lợi nhắm đến đạt được một phần thưởng vốn tìm kiếm lợi ích và trở nên giàu có hơn.

Thực ra, người nghèo, người đơn sơ, những người chẳng có ý nghĩa gì, không bao giờ có thể trả lại được một lời mời đến dự một bữa chiêu đãi. Do đó Chúa Giêsu cho thấy sự yêu thích của Ngài dành cho người nghèo và bị loại trừ, những người có đặc quyền của Vương Quốc Thiên Chúa, và thông truyền thông điệp nền tảng của Tin Mừng, vốn là để phục vụ người thân cận của chúng ta vì tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Hôm nay Chúa Giêsu trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói và hướng dẫn mỗi người chúng ta một lời mời gọi đầy đau khổ để biết mở lòng chúng ta ra và biến thành của chúng ta nỗi thống khổ và đớn đau của người nghèo, người bị loại trừ, người chạy trốn, và những người bị đè bẹp bởi cuộc sống, những người bị loại trừ bởi xã hội và sự tham lam của những người quyền thế. Và những người này đã bị quẳng đi, trong thực tế, đại diện cho đại đa số dân chúng.

Và lần này, tôi nghĩ bằng lòng biết ơn những nơi cung ứng lương thực là nơi mà quá nhiều người tình nguyện mang lại sự phục vụ của họ, trao ban lương thực cho những người cô độc, đang gặp khó khăn, không có việc làm hay không có nhà cửa.

Những nơi cung ứng lương thực và các công việc khác của lòng thương xót này – chẳng hạn như việc thăm viếng một người bệnh hoặc người bị tù đày – là những miếng thịt xông khói của tình bác ái vốn làm lan toả nền văn hoá của sự nhưng không, bởi vì những người đang làm những công việc này được tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy và được soi sáng bởi sự khôn ngoan của Tin Mừng. Bằng cách này, việc phục vụ anh chị em của chúng ta trở thành một lời chứng của tình yêu, điều làm cho tình yêu của Đức Kitô được tin tưởng và hiện hữu.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Đồng Trinh hướng dẫn chúng ta mỗi ngày trên con đường của sự khiêm nhường. Mẹ khiêm nhường trong suốt đời Mẹ; xin Mẹ giúp chúng ta biết hành động cho đi nhưng không, hành động đón tiếp, liên đới với người bị loại trừ, để trở nên xứng đáng với phần thưởng thánh.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ ZENIT)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 8, 2016