Đức Thánh Cha Nói Với Các Tình Nguyện Viên: „Anh chị em đang đụng chạm tới Chúa Ki-tô!

Vào sáng ngày thứ Bảy vừa qua, cùng với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, nhiều chục ngàn người đã cử hành Năm Thánh dành cho các tình nguyện viên phục vụ Lòng Thương Xót. Một ngày trước Đại Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tầm quan trọng của các tình nguyện viên cũng như tầm quan trọng của Đức Ái đối với tha nhân. Trước tiên, với chiếc Papamobil, Đức Thánh Cha đã đi khắp quảng trường Thánh Phê-rô để chào thăm mọi người, sau đó, trong bài Giáo Lý của mình, Ngài đã giải thích cho biết ý nghĩa và mục đích của việc phục vụ Lòng Thương Xót.

Các phái đoàn của các nhóm tình nguyện viên đã quy tụ lại một cách đặc biệt, bởi trong số họ cũng có nhiều người hành hương. Họ đến Rô-ma vừa để tham dự buổi tiếp kiến này và cũng để tham dự Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Mẹ Tê-rê-sa vào sáng Chúa Nhật hôm sau. Trong bài Giáo Lý của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới bản chất của Tình Yêu Thiên Chúa cũng như đề cập tới sự hoạt động của Lòng Thương Xót. Khởi đi từ thứ thư nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô (1Cor 13,1-13), Đức Thánh Cha nói rằng, Đức Ái „không phải là một cái gì đó trừu tượng hay bất định“; đúng hơn, nó là một Tình Yêu, „mà người ta nhìn ngắm nó cách riêng tư, người ta đụng chạm tới nó và kinh nghiệm về nó“. Ai giúp đỡ cách tình nguyện, người ấy sẽ đụng chạm tới „thân xác của Chúa Ki-tô“ – Đức Thánh Cha xác quyết. „Hình thức vĩ đại và có sức biểu cảm nhất của Tình Yêu ấy chính là Chúa Giê-su. Toàn bộ ngôi vị và toàn bộ cuộc sống của Ngài không là bất cứ điều chi khác ngoài sự diễn tả một cách cụ thể về Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, và đạt tới tột điểm trong giây phút này: ´Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta`(Rom 4,8)“.

Chúa Giê-su – hình thức diễn tả cao nhất của Tình Yêu:

Đức Thánh Cha đã tố cáo sự lẩn tránh không muốn nhìn tới sự nghèo túng. Giáo hội không bao giờ tự cho phép mình làm như thế - Đức Thánh Cha nói. „Người ta không thể tránh né cái nhìn và đi sang phía khác, để không nhìn thấy rất nhiều những hình thức nghèo túng mà chúng đang cần tới Lòng Thương Xót. Chẳng có Giáo hội nào cũng chẳng có Ki-tô hữu nào xứng đáng để đi tiếp và xứng đáng có được một lương tâm được cho là ngay thẳng chỉ vì chúng ta đã cầu nguyện! Đồi Calvariô vẫn luôn còn mang tính thời sự; nó không bị khuất dạng, và cũng không phải là một bức tranh đẹp trong các ngôi thánh đường của chúng ta. Đỉnh cao của sự đồng khổ đau này mà từ đó phát sinh ra Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nỗi túng quẫn nghèo hèn của chúng ta, cũng vẫn còn đang nói với chúng ta trong thời đại này, và đang thúc bách chúng ta không ngừng đưa ra các dấu chỉ mới của Lòng Thương Xót.“

Đức Thánh Cha cho biết rằng, khi Ngài nói về Lòng Thương Xót thì Ngài không nghĩ một cách đơn giản rằng, đó là một „ý tưởng đẹp“, „nhưng là một hành động cụ thể“; Lòng Thương Xót được biến thành những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. „Thế giới đang cần tới những dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót, trước tiên là đối với cơn cám dỗ của sự thờ ơ lãnh đạm. Nó đòi hỏi con người phải có khả năng chiến đấu chống lại việc chỉ nghĩ tới mình, với sự ích kỷ, với cuộc sống và tình thần của mình, nhưng lại không chăm sóc cho những người anh chị em của mình. Anh chị em hãy hài lòng và hãy tràn đầy niềm vui vì sự phục vụ của mình, nhưng đừng bào giờ vì thế mà tạo ra những nguyên nhân dẫn tới thái độ kiêu căng, và thái độ kiêu căng ấy lại dẫn tới chỗ khiến người ta tưởng rằng mình tốt lành hơn những người khác.“  

Kết thúc bài Giáo Lý của mình, Đức Thánh Cha đã nhắc tới Đại Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Mẹ Tê-rê-sa vào sáng Chúa nhật này. Mẹ chính là chứng tá của Lòng Thương Xót trong thời đại chúng ta, mà Lòng Thương Xót Ấy „đang bổ sung thêm vào với muôn vàn những đoàn người nam nữ, mà họ đã làm cho Tình Yêu của Chúa Ki-tô trở nên rõ ràng với sự thánh thiện của mình.“

Chúng ta hãy noi theo gương lành của Mẹ, và chúng ta hãy cầu xin để mình được trở nên những khí cụ đầy khiêm nhượng trong bàn tay Thiên Chúa, hầu xoa dịu nỗi khổ đau của thế giới và ban tặng cho thế giới niềm vui cũng như niềm hy vọng Phục Sinh.“

(theo de.rv 03.09.2016 mg)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2016