Tham Nhũng Giống Như Tiêu Thụ Thuốc Phiện!

(Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa CN 18.09.2016)

 

Trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung vào trưa Chúa Nhật vừa qua, dựa vào bài Tin Mừng trong ngày, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đưa ra những lời lẽ nghiêm khắc để kết án thói tham nhũng và sự hủ hóa. Ngài nói rằng, tham nhũng giống hệt như tiêu thụ thuốc phiện vậy: Ban đầu người ta nghĩ rằng, người ta sẽ kiểm soát được tất cả và giờ đây người ta sẽ có thể tái chấm dứt. Một khoản tiền trà nước ở đây và một khoản hối lộ ở đó… Và dần dà người ta sẽ đánh mất đi chân lý riêng của mình. Bằng những hình ảnh đầy tính gợi ý đó, Đức Thánh Cha đã chứng minh cho thấy mối nguy hiểm của sự thiếu trung thực, của sự bất tín và của thói ích kỷ.

Giống như Ngài cũng đã nói với các Hiến Binh Vatican trong Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô trước đó, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin này, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo rằng, vấn nạn tham nhũng đang phát tán trên toàn thế giới. Theo Ngài, đó là hậu quả của „tinh thần thế tục“, đó là một con đường sai quấy, vì nó dẫn người ta đi vào tội lỗi. Quen riết với nó rồi thì thậm chí người ta sẽ thấy con đường này là con đường dễ dãi, trong khi một đời sống theo Thần Khí thì lại đỏi hỏi phải có sự nghiêm túc. Nhưng sự nghiêm túc ấy luôn tràn đầy niềm vui. Nó là một thái độ đòi hỏi một cái gì đó và được đánh dấu bởi sự trung thực, bởi tính đúng đắn, bởi sự ý thức trách nhiệm và bởi sự kính trọng người khác và phẩm giá của họ. Những đặc tính vừa nêu sẽ tạo nên tính „láu cá Ki-tô giáo“, trong sự tương phải với tính láu cá thuần „thế tục“.

Sở dĩ Đức Thánh Cha đã đề cập tới những điều trên là vì bài Tin Mừng trong ngày là một Dụ Ngôn nói về người quản lý bất lương (Lc 16,1-13). Tất nhiên, – Đức Thánh Cha nói tiếp – cuôc sống sẽ đẩy người ta tới chỗ phải phân định giữa hai con đường ấy: Người ta không thể dao động giữa sự trung thực và sự bất lương, vì cả hai con đường này đều phát sinh ra những lô-gích mà chúng mâu thuẫn với nhau.

Đức Thánh Cha đã liệt kê ra vô vàn những nạn nhân của sự tham nhũng trên thế giới này. Sự bất lương sẽ dẫn tới sự lệ thuộc, nghèo túng, bóc lột và khổ đau. Trái lại, khi người ta đi theo lô-gích của sự liêm khiết, của độ tinh ròng về các ý định, cũng như của một thái độ trong ý nghĩa Tin Mừng, thì rồi các Ki-tô hữu sẽ trở thành những cộng tác viên của công lý, và mở ra cho nhân loại một đường chân trời hy vọng. Nếu con người sống cách vô vị lợi và trao hiến bản thân mình cho những người anh chị em, thì có nghĩa là họ đang phục vụ một người chủ chân thật: cụ thể là Thiên Chúa!

 

(theo de.rv 18.09.2016 mc)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 9, 2016