Bài Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Trước Các Tu Sĩ Dòng Đa-minh Tại Đại Sảnh Đường Clementia, Vatican, 04.08.2016

 

Anh chị em thân mến!

Chúng ta có thể mô tả ngày hôm nay với một cụm từ: „Một Giê-su hữu giữa những người anh em“ – vào buổi sáng thì giữa anh chị em, còn vào buổi chiều thì tại Assisi, giữa những anh chị em Dòng Thánh Phan-xi-cô – đúng là giữa những người anh em. Cha xin nồng nhiệt kính chào anh chị em, và xin cám ơn Cha Bruno Cadoré, Bề Trên Tổng Quyền của Dòng, về lời chào mừng mà Ngài đã dành cho Cha nhân danh chính Ngài cũng như nhân danh tất cả anh chị em, trong khi Tổng Công Nghị sẽ kết thúc tại Bologna, nơi anh chị em muốn tái hồi sinh gốc rễ và căn tính của mình bên mộ của vị Thánh Sáng Lập Dòng.

Đối với gia đình Dòng Tu của anh chị em, năm nay có một ý nghĩa đặc biệt, vì 800 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Thánh Cha Honorius III công nhận Dòng Thuyết Giáo. Nhận dịp Năm Thánh mà anh chị em cử hành vì lý do đó, Cha xin bao hàm tất cả anh chị em trong lời tạ ơn đối với ân huệ giầu sang và phong phú mà anh chị em đã lãnh nhận trong suốt thời gian này. Ngoài ra, Cha cũng muốn bày tỏ niềm biết ơn của Cha đối với Dòng của anh chị em vì đã hỗ trợ Giáo hội cách đặc biệt, cũng như vì sự cộng tác với Tòa Thánh mà Dòng của anh chị em đã duy trì trong tinh thần phục vụ trung tín suốt từ hồi nguyên thủy cho tới tận hôm nay.

800 năm Hồng Ân này làm cho chúng ta nghĩ tới những người nam và những người nữ đầy Đức Tin và đầy sự uyên bác, những nhà chiêm niệm lẫn những nhà truyền giáo, các vị Tử Đạo lẫn những vị Tông Đồ Đức Ái, họ đã mang sự âu yếm và sự trìu mến của Thiên Chúa đến khắp mọi nơi. Và như thế, họ đã làm phong phú hóa Giáo hội cũng như đã vạch ra những khả năng mới để hiện thực hóa Tin Mừng thông qua việc loan báo, làm chứng và sống Đức Ái: đó là ba trụ cột căn bản mà chúng sẽ bảo đảm cho tương lai của Dòng, vì chúng bảo vệ và duy trì sự tươi mới của đoàn sủng Đấng Sáng lập.

Thiên Chúa đã thôi thúc Thánh Đa-minh sáng lập một „Dòng Thuyết Giáo“, vì Thuyết Giáo chính là sứ mạng mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho các Tông Đồ. Lời Chúa bừng cháy lên trong lòng và thôi thúc ra đi để công bố Chúa Giê-su Ki-tô cho tất cả mọi dân nước (xc. Mt 18,19-20). Cha Tổ Phụ của anh chị em thường hay nói rằng: „Trước tiên là chiêm nghiệm rồi sau đó mới dậy dỗ“. Được loan báo Tin Mừng bởi chính Thiên Chúa để đi loan báo Tin Mừng. Nếu không có sự hiệp nhất sâu xa với Ngài, thì việc giảng thuyết dù có hoàn hảo, dù có được cân nhắc cẩn thận, thậm chí đáng khâm phục đi nữa, nhưng nó vẫn không thể đụng chạm tới được con tim. Và con tim này chính là điều cần phải được thay đổi. Ngoài ra, việc nghiên cứu nghiêm túc và liên tục các môn Thần Học cũng như nghiên cứu tất cả những môn học khác mà chúng tạo điều kiện cho chúng ta đến gần hơn với thực tại và lắng nghe Dân Thiên Chúa, là điều không thể bác bỏ. Nhà Giảng Thuyết chính là một nhà Chiêm Niệm Lời Thiên Chúa và cũng là nhà Chiêm Niệm của Dân Chúa, Dân ấy mong chờ được hiểu và được cảm thông (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 154).

Để việc làm trung gian cho Lời Thiên Chúa trở nên hiệu quả, đòi hỏi phải có chứng tá: Những thầy dậy trung tín với chân lý và những chứng nhân can đảm của Tin Mừng. Chứng nhân hiện thực hóa giáo huấn, làm cho giáo huấn trở nên dễ dàng được nhận thức, lôi cuốn, và không làm cho bất cứ ai trở nên thờ ơ lãnh đạm. Vị chứng nhân sẽ hiệp nhất niềm vui của Tin Mừng và niềm vui về sự hiểu biết với chân lý, để được yêu mến bởi Thiên Chúa và để trở nên đối tượng cho Lòng Thương Xót khôn cùng của Ngài (xc. Nt. 142). Thánh Đa-minh vẫn thường hay nói với các môn sinh của Ngài rằng: „Chúng ta hãy đi chân đất để rao giảng“. Điều đó nhắc chúng ta nhớ tới Bụi Gai Bốc Cháy, mà tại đó, Thiên Chúa đã nói với Mô-sê: „Hãy cởi giầy của ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là nơi Thánh“ (Xh 3,5). Nhà giảng thuyết tài ba biết rằng, mình đang chuyển động trên mảnh đất thánh, vì Lời mà nhà giảng thuyết mang đến là Thánh, và những ai tiếp nhận Lời cũng đều là Thánh. Đối với các tín hữu, họ không chỉ cần tới việc được đón nhận Lời Thiên Chúa trong sự trọn vẹn của Lời, nhưng họ cũng còn cần phải cảm nhận được chứng tá đời sống của nhà giảng thuyết nữa (xc. Evangelii gaudium, 171). Các Thánh đã sinh hoa kết trái dồi dào, là vì các Ngài đã nói bằng ngôn ngữ của con tim với đời sống và sứ vụ của các Ngài, mà ngôn ngữ ấy không biết tới bất cứ rào cản nào, và có thể hiểu được đối với tất cả.

Sau cùng, nhà giảng thuyết và chứng nhân phải trở thành điều đó trong Tình Yêu. Không có điều đó, họ sẽ trở nên không đáng tin cậy, nhưng đáng nghi ngại. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống của Ngài, Thánh Đa-minh đã ở trong sự xung đột nội tâm, mà sự xung đột đó đã đánh dấu toàn bộ kiếp hiện sinh của Ngài: „Tôi có thể nghiên cứu về những bộ da chết thế nào đây trong khi thân thể của Chúa Ki-tô lại đang phải khổ đau?“ Thân thể sống động và đau khổ của Chúa Ki-tô chính là điều mà từ đó nhà giảng thuyết nghe thấy được tiếng kêu than của nó, và tiếng kêu than đó làm cho nhà giảng thuyết không thể an thân. Tiếng kêu than của những người nghèo cũng như của những người bị loại trừ đang tái khơi lên sự cảm thông mà Chúa Giê-su có đối với nhân loại (Mt 15,32), và làm cho nó trở nên dễ hiểu. Nếu chúng ta nhìn chung quanh mình thì rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng, nhiều người nam và người nữ trong thế giới ngày nay đang đói khát Thiên Chúa. Họ chính là thân thể sống động của Chúa Ki-tô, mà thân thể ấy đang thét lên: „Ta khát“ một lời đích thực và một lời có khả năng giải thoát, khát một cử chỉ huynh đệ và tràn đầy Tình Yêu. Tiếng thét gào này đòi hỏi chúng ta phải đi ra và phải trở nên xương sống của sứ vụ, cũng như phải truyền thêm sức sống cho những cấu trúc và những kế hoạch mục vụ. Trong sự suy tư của anh chị em về sự cần thiết phải thay đổi cơ cấu tổ chức của Dòng mình, anh chị em hãy nghĩ tới việc nhận ra câu trả lời mà nó phải được trao cho tiếng thét gào ấy của Thiên Chúa. Chúng ta càng ra đi để thỏa mãn cơn khát của tha nhân, thì chúng ta càng trở nên những nhà giảng thuyết của chân lý, của chân lý được công bố với Tình Yêu và Lòng Thương Xót, mà Thánh Catharina Siena đã nói tới (xc. Sách Giáo huấn của Thiên Chúa, 35). Trong sự gặp gỡ với thân thể sống động của Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ được loan báo Tin Mừng và sẽ tái tìm thấy niềm hăng hái để trở nên những người loan báo cũng như những chứng nhân của Tình Yêu Ngài. Và chúng ta sẽ giải phóng mình khỏi cơn cám dỗ vô cùng nguy hiểm của ngộ đạo thuyết đang hiện hữu trong thời đại hôm nay.

Anh chị em thân mến, với một tấm lòng đầy biết ơn về những ân huệ đã được đón nhận từ Thiên Chúa cho Dòng của anh chị em và cho Giáo hội, Cha xin khích lệ anh chị em, hãy hân hoan bước theo đoàn sủng đã được gợi hứng từ Thánh Đa-minh, mà đoàn sủng đó đã được sống bởi rất nhiều những người nam và những người nữ thánh thiện của Dòng Đa-minh trong những sắc thái khác nhau. Gương sáng của Ngài chính là một động cơ để hy vọng hoàn toàn vào tương lai trong sự hiểu biết rằng, Thiên Chúa luôn luôn làm cho tất cả nên mới… và không bao giờ gây gây thất vọng. Ước chi Mẹ của chúng ta, Đức Trinh Nữ Mân Côi Rất Thánh, sẽ cầu thay nguyện giúp cho anh chị em và bảo vệ anh chị em, để anh chị em trở nên những nhà giảng thuyết và những chứng nhân đầy can đảm của Tình Yêu Thiên Chúa. Xin cám ơn anh chị em!

 

Đại sảnh đường Clementina, Vatican, thứ Năm ngày mồng 04 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 10, 2016