Hãy Khước Từ Những Hiệu Ứng Đặc Biệt Nơi Tôn Giáo

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 10.11.2016)

 

Hãy nói không với một tôn giáo mà nó luôn luôn cần tới một hiệu ứng đặc biệt, nhưng rốt cục thì chẳng có bất cứ điều chi tồn tại. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khuyên như thế qua bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Thực ra thì Triều Đại Thiên Chúa phát triển trong những điều bé nhỏ, và trong những sự việc bình thường. Nhưng để cho Triều Đại đó lớn lên thì người ta không bao giờ được phép ngừng hy vọng trong cuộc sống hằng ngày.

Bài Tin Mừng trong ngày thuật lại việc những người Pha-ri-siêu đến hỏi Chúa Giê-su rằng, bao giờ thì Triều Đại Thiên Chúa đến? Chúa Giê-su đã trả lời như sau: „Triều Đại Thiên Chúa không đến theo kiểu mà người ta có thể nhận ra qua những dấu chỉ bên ngoài… Triều Đại ấy đang ở giữa các ông rồi.“ Triều Đại Thiên Chúa được ví như một hạt giống âm thầm phát triển theo thời gian – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Thiên Chúa là Đấng làm cho nó lớn lên, nhưng không hề có chuyện lôi kéo sự chú ý về phía mình.

Triều Đại Thiên Chúa không phải là tôn giáo của phường chèo: để rồi chúng ta luôn luôn tìm kiếm những vở mới, những tiết mục mới, những sứ điệp mới… Thiên Chúa đã nói trong Chúa Giê-su Ki-tô rồi: đó là Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Những cái khác thì chỉ giống như pháo hoa, nó chỉ rực lóe lên một chút thôi; nhưng điều gì sẽ ở lại sau đó? Chẳng có gì cả! Không có sự phát triển, không ánh sáng, và chẳng có gì hết: một chốc lát. Và thường thì thông qua thứ tôn giáo lồ lộ trước mắt ấy, chúng ta thường hay bị cám dỗ để tìm kiếm những thứ mà chúng chẳng có gì để làm với sự khám phá và với sự khiêm tốn của Triều Đại Thiên Chúa, mà Triều Đại ấy đang ở giữa chúng ta và đang phát triển.“

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng, như thế không phải là niềm hy vọng, nhưng đúng hơn, nó là niềm mong ước muốn có được một cái gì đó cụ thể trong tay. Nhưng:

Ơn cứu độ của chúng ta nằm trong niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng của một người đàn ông đi gieo mạ, hay của một người phụ nữ vo gạo để thổi cơm: với niềm hy vọng rằng, mạ sẽ lớn lên, và gạo sẽ thành cơm. Trái lại, thì chỉ là ánh sáng giả tạo, nó lóe lên trong một chốc lát và rồi sau đó biến mất, giống như một cây pháo hoa: nó không được dùng để chiếu sáng cho căn nhà. Nó là một vở tuồng.“

Nhưng chúng ta nên làm gì trong lúc mong chờ Triều Đại Thiên Chúa trở nên viên mãn? – Đức Thánh Cha đặt câu hỏi. Chúng ta phải „duy trì“ – Đức Thánh Cha trả lời: „phải duy trì với sự kiên nhẫn; kiên nhẫn trong công việc, trong nỗi khổ đau của chúng ta… Kiên tâm, như người đi gieo giống, và canh chừng để cỏ dại không mọc lẫn vào lúa, để lúa có thể lớn lên. Duy trì niềm hy vọng. Và ở đây là câu hỏi mà hôm nay Cha muốn dành cho anh chị em: Nếu Triều Đại Thiên Chúa ở giữa chúng ta, nếu tất cả chúng ta đều mang hạt giống ấy trong mình, nếu chúng ta có Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ bảo vệ điều đó như thế nào?“ Điều quan trọng là phân biệt cây tốt của hạt lúa với những cây của hạt bất hòa.

Phát triển trong niềm hy vọng, duy trì niềm hy vọng, vì chúng ta được cứu độ trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng chính là sợi chỉ đỏ của lịch sử cứu độ. Chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa cách chung cuộc trong niềm hy vọng.“

Triều Đại Thiên Chúa – Đức Thánh Cha khép lại bài giảng của Ngài – sẽ trở nên mạnh mẽ trong niềm hy vọng.

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có niềm hy vọng không? Hay là tôi lại tiến về phía trước, nhưng tôi không thể và cũng không biết phân biệt giữa điều thiện và điều ác, giữa hạt ngũ cốc và mối bất hòa, giữa ánh sáng, ánh sáng dịu hiền của Chúa Thánh Thần và sự lóe sáng mà nó phát sinh một cách giả tạo? Chúng ta hãy tự tra vấn về niềm hy vọng của chúng ta vào hạt giống ấy xem, nó đang lớn lên trong chúng ta, và chúng ta đang bảo vệ niềm hy vọng của mình như thế nào. Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta phải duy trì niềm hy vọng vào Triều Đại Thiên Chúa với những giai đoạn tĩnh lặng, với lao công và với khả năng biện phân, Triều Đại ấy đang phát triển, cho tới giây phút mà Chúa đến và tất cả sẽ được biến đổi. Trong một khoảnh khắc mà tất cả được biến đổi: Thế giới, chính chúng ta, tất cả! Và như Thánh Phao-lô nói với các tín hữu Thessalonica, tất cả chúng ta sẽ lưu lại với Ngài trong giây phút ấy.

 

(theo de.rv 10.11.2016 cs)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2016