Sự An Nhiên Tự Tại Đầy Dối Trá

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 15.11.2016)

Thiên Chúa khuấy đảo sự an nhiên tự tại đầy dối trá của chúng ta, chúng ta chỉ cần phải lắng nghe tiếng gõ cửa của Ngài. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhiều lần cảnh báo trước loại „Ki-tô giáo hâm hâm dở dở“, và Ngài cũng đã nhiều lần kêu gọi hãy mở ra cho „cơn bão“ mà tiếng gọi của Thiên Chúa mang đến với chính mình.

Trong khi quở trách Giáo hội tại Laodichea, Chúa Giê-su đã nói một cách thẳng thừng, và nói điều đó với lý do tốt lành – Đức Thánh Cha giải thích. Qua bài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican, dựa vào đoạn văn tương ứng được trích từ sách Khải Huyền của Thánh Gio-an, Đức Thánh Cha đã suy niệm về mối nguy hiểm của „Ki-tô giáo hâm hâm dở dở“. Trong bài diễn từ của Ngài trước dân chúng của một thành phố phồn thịnh, Chúa Giê-su đã đưa ra những điều kiện của cuộc sống thường nhật, chẳng hạn như Ngài nói về đường dẫn nước mà nó cung cấp nước cho người Laodichea - Đức Thánh Cha giải thích:

Một Ki-tô hữu hâm hâm dở dở sẽ nghĩ gì? Điều đó, Thiên Chúa nói với chúng ta ở đây: Người ấy nghĩ rằng mình đang rất giầu có. ´Tôi đã tự làm giầu cho mình và tôi không cần đến bất cứ điều gì khác. Tôi an nhiên tự tại.` Đó là sự an nhiên tự tại đầy dối trá. Nếu trong tâm hồn của một Giáo hội, một gia đình, một cộng đoàn, hay của một con người mà tất cả mọi sự đều luôn luôn an nhiên tự tại, thì ở đó không có Thiên Chúa.

Và như thế, một cuộc sống vui cảnh điền viên, thanh bình và khoan thai là một cuộc sống lừa dối: Những ai tin rằng mình có thể tự thu xếp để rồi không cần đến bất cứ ai nữa, không cần đến bất cứ điều gì nữa, và không làm bất cứ một cái gì đó cho người khác để họ nên tốt hơn, thì trong thực tế, đều là những người bất hạnh và tội nghiệp – Đức Thánh Cha nói. Vì nơi Thiên Chúa có một sự giầu sang khác: „Không phải sự giầu sang của tâm hồn mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ có nếu như bạn tốt, nếu như bạn làm tất cả mọi sự cách chính xác, và tất cả đều thư thái, nhưng là một sự giầu sang khác mà nó đến từ Thiên Chúa: Sự giầu sang này luôn luôn mang đến Thập Giá, luôn luôn mang đến bão táp và sự băn khoăn trong tâm hồn.“

Chúa Giê-su cũng đã nói với những người của thành phố phồn thịnh về quần áo, để trách mắng họ về sự nghèo nàn, về sự mù lòa và về sự trần trụi tinh thần. Đức Thánh Cha giải thích tiếp:

Và tôi khuyên bạn hãy bận lấy bộ quần áo trắng tinh, để sự trần truồng đáng xấu hổ của bạn không còn lồ lộ ra nữa: Những kẻ hâm hâm dở dở không hề nhận ra rằng họ đang trần truồng, như trong câu chuyện cổ tích về ông vua không mặc quần áo, cho tới khi một em bé nói với ông ta: ´Ê, vua cởi truồng!`… Những Ki-tô hữu hâm hâm dở dở thì cũng trần truồng như thế.“

Những Ki-tô hữu hâm hâm dở dở và trần truồng ấy đã đánh mất khả năng chiêm nghiệm – Đức Thánh Cha quả quyết. Vì thế, Thiên Chúa đã cố gắng lay thức họ để họ hoán cải. Thiên Chúa mời gọi chúng ta, Ngài gõ vào cánh cửa lòng chúng ta – Đức Thánh Cha giải thích. Người ta phải lắng nghe tiếng gọi mời của Thiên Chúa, Đấng muốn bước vào trong lòng chúng ta – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Và Ngài sử dụng một đoạn văn khác của Kinh Thánh để giải thích điều vừa nói, đoạn Kinh Thánh ấy nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Gia-kêu – viên quan ngành thuế. Chúa Giê-su đã thôi thúc ông này mời Ngài vào nhà của ông.

Ở đây, sáng kiến của Thần Khí đi đến với Thiên Chúa. Ngài ngước mắt lên và nói: ´Hãy xuống và hãy mời Ta vào nhà của anh.` Thiên Chúa ở đó… luôn luôn với Tình Yêu, để cải thiện chúng ta, mời gọi chúng ta, hay làm cho chúng ta biết mời Ngài vào nhà. Ngài ở đó để nói với chúng ta: ´Đứng dậy`. ´Hãy mở cõi lòng ra.` ´Hãy xuống`. Lần nào Ngài cũng như thế. Tôi có thể biện phân trong tâm hồn mình khi Thiên Chúa nói với tôi:´Hãy đứng dậy!` không? Khi Ngài bảo tôi: ´Hãy mở cõi lòng ra!`? Khi Ngài bảo tôi: ´Hãy xuống mau!`? Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết biện phân lời mời gọi đó.“

(theo de.rv 15.11.2016 pr)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2016