Ai Không Biết Đến Sự Trìu Mến Của Thiên Chúa Thì Không Biết Gì Cả

(Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 06.12.2016)

Ai không biết đến sự trìu mến của Thiên Chúa, người ấy cũng sẽ không có kiến thức gì về Giáo Huấn của Ki-tô giáo. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài giảng của Ngài chính là hình tượng Giu-đa.

Khởi đi từ bài Tin Mừng trong ngày nói về con chiên bị thất lạc và về niềm vui vì „Thiên Chúa không bao giờ ngừng tìm kiếm chúng ta“, Đức Thánh Cha giải thích rằng, thực ra Thiên Chúa là một thẩm phán, nhưng Ngài là một thẩm phán „vỗ về cách trìu mến“. Thiên Chúa tràn đầy sự trìu mến – Đức Thánh Cha bổ sung. Thiên Chúa không chỉ yêu thương đám đông một cách đơn giản, và gạt những cá nhân ra ngoài, nhưng Ngài yêu thương cá nhân từng người một trong chúng ta. Chẳng hạn như con chiên thất lạc: nó đã không bị lạc vì không có la bàn, nhưng vì con tim của nó „mắc bệnh“. Tuy nhiên, rõ ràng là Thiên Chúa vẫn luôn thăm viếng „những bệnh nhân“ này. Và điều đó cũng xảy ra trong trường hợp của Giu-đa.

Trong Kinh Thánh, có lẽ Giu-đa là một ví dụ điển hình nhất đối với con chiên bị lạc. Ông là một con người luôn luôn có một con tim cay đắng. Ông luôn phải chỉ trích một ai đó, ông luôn luôn lảng tránh. Ông không biết sự ngọt ngào của việc chung sống với tất cả những người khác. Và vì con chiên này không bao giờ hài lòng – Giu-đa là một con người bất mãn! – nên ông luôn luôn chạy trốn. Ông chạy trốn vì ông là một tên trộm. Những con chiên khác cũng chạy trốn vì chúng sống một cuộc đời dâm đãng. Nhưng chúng cũng chạy trốn vì có một bóng tối đang ngự trị trong tâm hồn chúng, mà bóng tối ấy chia tách chúng khỏi đàn. Đó là một cuộc sống kép của nhiều Ki-tô hữu – và với sự đau khổ, chúng ta cũng phải nói rằng, cũng có cả các Linh mục và Giám mục trong số những Ki-tô hữu ấy – và Giu-đa cũng là một Giám mục, thậm chí còn là một trong những Giám mục tiên khởi – đúng không? Nhưng ông là một con chiên bị lạc, một kẻ tội nghiệp!

Cách đặt tên này bắt nguồn từ don Primo Mazzolari – Đức Thánh Cha nhắc nhớ. Trong cuộc thế chiến thứ hai, vị Linh mục người Ý này rất nổi tiếng với tư cách là người chống lại chủ nghĩa Phát-xít, và trong Công Đồng Vatican II, Ngài đã bảo vệ một „Giáo hội vì người nghèo“. Vì thế, một con chiên bị lạc không phải là một con chiên đã phạm phải lỗi lầm, nhưng là một con chiên mắc bệnh. Nhưng Giu-đa không biết điều đó. Ông đã để cho mình bị dẫn vào sự đen tối của con tim ông trên „chuyến đi sai trái“. Thay vì nhìn vào ánh sáng của Thiên Chúa, Giu-đa đã nhìn vào „những ánh đèn chớp chớp của mùa Giáng Sinh“, tức nhìn vào những ánh sáng giả tạo, sai trái – Đức Thánh Cha giải thích.

Trong Kinh Thánh có một lời về Giu-đa, lời đó viết rằng, Giu-đa đã tự tử và đã hối hận. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, ngay cả đối với con chiên này Ngài cũng không bao giờ ngưng tìm kiếm nó. Cha tin rằng, Chúa Giê-su đón nhận cụm từ ´hối hận này` - và mang nó theo mình. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là, Tình Yêu của Thiên Chúa đã hoạt động đến cùng trong tâm hồn này, tới tận phút giây tuyệt vọng. Đó là thái độ của vị mục tử tốt lành đối với những con chiên lạc. Đó là sứ điệp vui mừng của Đại Lễ Giáng Sinh, sứ điệp này sẽ biến đổi con tim chúng ta và cho phép chúng ta kiếm tìm niềm an ủi nơi Thiên Chúa – không phải trong những sự an ủi mà chúng ta tìm kiếm để chạy trốn trước thực tế, trước những nỗi dày vò và căng thẳng nội tâm.“

Chúa Giê-su không la rầy hay mắng nhiếc con chiên thất lạc sau khi Ngài đã tìm thấy nó, mặc dầu nó đã gây ra rất nhiều đau khổ. Trái lại, cho tới giây phút cuối cùng, Chúa Giê-su vẫn gọi Giu-đa là „bạn“. Và đó chính là sự trìu mến của Thiên Chúa.

Ai không biết đến sự trìu mến của Thiên Chúa thì có nghĩa là người ấy cũng chẳng biết gì về Giáo Huấn của Ki-tô giáo! Người nào không để cho mình được mơn trớn bởi Thiên Chúa, thì đó là kẻ bị thất lạc! Đó là Tin Mừng, đó là tiếng chuông reo mừng mà chúng ta muốn hôm nay. Đó là niềm vui và là niềm an ủi mà tất cả chúng ta đều đang kiếm tìm: Với quyền năng của Ngài, mà quyền năng ấy hiện diện trong sự trìu mến, Thiên Chúa đến với chúng ta và cứu độ chúng ta, và mang chúng ta như mang con chiên lạc về đàn của Ngài, tức Giáo hội. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết mong chờ Lễ Giáng Sinh với tất cả những vết thương của chúng ta, và với những tội lỗi được nhận biết thực sự, cũng như mong chờ quyền năng của Ngài đến an ủi chúng ta.“

(theo de.rv 06.12.2016 mg)

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2016