Tha Thứ Là Tất Cả“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21.03.2017)

Tha thứ và để cho mình được tha thứ, đó là một nhịp điệu hoàn toàn không hề đơn giản. Để thực hiện được nhịp điệu đó, người ta cần phải cầu nguyện, phải thống hối, phải biết xấu hổ, và phải biết sửng sốt trước những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta với Lòng Thương Xót của Ngài. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Ai muốn thực hiện bước thứ nhất trong phạm vi mà Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hoạt động, người ấy cần phải biết xấu hổ: xấu hổ về những tội lỗi của mình. Theo quan điểm của Đức Thánh Cha, việc xấu hổ về tội lỗi của mình chính là một „ân sủng“ mà chúng ta không thể nhận được „từ chính mình“.

Nếu Cha hỏi anh chị em: Có phải tất cả anh chị em đều là những tội nhân không?, thì rồi anh chị em sẽ trả lời: Vâng, thưa Cha, tất cả. – Còn để nhận được ơn tha thứ tội lỗi thì sao? – Chúng ta phải xưng thú tội lỗi. Nhưng cụ thể thì anh chị em xưng tội thế nào? – Dạ, thế này… Con đi vào Tòa Giải Tội, rồi con nói ra những tội của con, sau đó Linh mục giải tội cho con, rồi bảo con đọc vài ba Kinh Kính Mừng để đền tội, sau đó con đi ra bình an. – Nhưng nói chung là, cuối cùng thì anh chị em chẳng hiểu chuyện gì! Anh chị em đã bước vào trong Tòa Giải Tội giống như đi đến một dịch vụ tại ngân hàng, giống như đi để giải quyết một việc gì vậy. Anh chị em đã không thực sự xấu hổ về điều mà anh chị em đã làm. Anh chỉ em đã thấy một vài vết bẩn trong lương tâm, và đã coi Tòa Giải Tội như một dạng tiệm giặt để giặt sạch những vết bẩn đó. Anh chị em không có khả năng xấu hổ về tội lỗi của mình!

Đừng luồn lách để có được một sự tha thứ sai trái!

Ơn tha thứ của Thiên Chúa phải thực sự „thẩm thấu vào trong lương tâm“ của chúng ta – Đức Thánh Cha nhấn mạnh: nếu không như thế thì khi người ta đi ra khỏi Tòa Giải Tội, và gặp một vài người bạn bên ngoài, mọi chuyện lại bắt đầu đâu vào đấy, người ta lại nói xấu người khác, và lại phạm tội như thường.

Nếu anh chị em không ý thức một cách thâm sâu rằng, anh chị em đã được tha thứ, thì rồi anh chị em sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ - không bao giờ. Và rồi người ta vẫn luôn còn phải có những hóa đơn để mở ra cho những người khác. Sự tha thứ là tất cả. Nhưng người ta chỉ có thể cầu xin cho có được ơn tha thứ đó, nếu chính tôi cảm thấy tội lỗi của mình, thì tôi hãy xấu hổ và hãy cầu xin Chúa ban ơn tha thứ, và nếu tôi cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha, thì chỉ có như thế, sau đó tôi mới có thể tha thứ cho người khác. Nếu không thì tôi không thể tha thứ, chúng ta sẽ không có khả năng để làm điều đó. Vì thế, sự tha thứ chính là một cuộc tử đạo.“

Nhưng chúng ta thường cảm thấy thế nào khi chúng ta bước ra khỏi Tòa Giải Tội: Giống như thể chúng ta đã giải quyết xong được một điều mà nó đã bị gây ra! Nhưng điều đó mang tới cảm giác rằng, chúng ta đã được tha để khỏi phải làm nhiều – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Đó là „sự giả hình mà với nó người ta cố luồn lách để mình có được một sự tha thứ sai quấy“.

Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu được điều mà Ngài nghĩ khi Ngài nói, chúng ta phải tha thứ tới bảy mươi bảy lần. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn xấu hổ trước mặt Chúa. Đó là một ơn lớn! Xấu hổ vì tội lỗi của mình và như thế sẽ nhận được sự tha thứ và ơn tha thứ cách quảng đại cho người khác. Nếu Thiên Chúa đã tha thứ rất nhiều cho tôi, thì tôi là ai mà lại không chịu tha thứ cho người khác như thế?

(theo de.rv 21.03.2017 sk)

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 2, 2017