Sự Thuộc Địa Hóa Văn Hóa Sẽ Thủ Tiêu Ký Ức – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 23.11.2014)

 

Cướp đoạt sự tự do, tiêu diệt ký ức, và đặc biệt là gây ảnh hưởng trên giới trẻ: cả ba điều tồi tệ này đều dẫn tới một „sự thuộc địa hóa về văn hóa và ý thức hệ“, mà sự thuộc địa hóa ấy là điều không thể chấp nhận được. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhấn mạnh như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Năm vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Khởi đi từ Bài Đọc I được trích từ sách Ma-ca-bê (1Mac 2,15-29), trong đó nói về cuộc bách hại của vua Antiôchô IV, Đức Thánh Cha đã giảng về nạn độc tài trong suốt quá trình lịch sử nhân loại.

Khi những kẻ độc tài cướp đi sự tự do thì người ta bắt đầu hủy hoại lịch sử, hủy hoại ký ức của một dân tộc, và thúc đẩy một hệ thống giáo dục xác định. Tất cả những kẻ độc tài đều làm như vậy. Thậm chí, đôi khi chúng còn thực hiện điều đó với đôi găng tay bằng vải nhung. Ví dụ như khi một chính phủ mượn tiền của một người khác thì rồi sẽ được nghe những lời sau: ´Này, tôi sẽ trao tiền cho ông, nhưng ông phải nói điều này ở đây hay ở trong các trường học của ông`, và sau đó họ khoe với bạn về những cuốn sách mà trong đó, tất cả những gì Thiên Chúa đã sáng tạo nên cũng như việc Ngài đã sáng tạo nên chúng thế nào, đều bị loại bỏ. Họ bãi bỏ những điều khác biệt, hủy bỏ lịch sử và nói rằng, sẽ phải suy nghĩ mới ngay lập tức. Và ai thấy điều đó không tốt, người ấy sẽ bị loại sang một bên, hoặc sẽ bị bách hại.“

Điều đó đã diễn ra ngay tại Châu Âu khi những kẻ độc tài vô lương thống trị nơi này trong thế kỷ XX. Chúng cướp sạch sự tự do và cưỡng bức người ta đi theo những ý thức hệ mà những ý thức hệ đó muốn hủy hoại ký ức về lịch sử. Người mẹ trong sách Ma-ca-bê chính là một mẫu gương, và bà đã cho thấy, những người phụ nữ quan trọng biết dường nào trong việc „bảo trì ký ức“ – Đức Thánh Cha giảng.

Bảo trì ký ức: đó là ký ức về ơn cứu độ, ký ức của Dân Thiên Chúa. Ký ức này đã củng cố Đức Tin cho dân đang bị bách hại bởi sự thuộc địa hóa về mặt văn hóa và ý thức hệ ấy. Ký ức sẽ giúp chúng ta chiến thắng bất cứ hệ thống giáo dục đồi bại nào. Ở đây, điều quan trọng là nhớ lại, và cụ thể là nhớ lại những giá trị, những biến cố lịch sử và những gì chúng ta đã học từ đó. Và rồi có người mẹ, mà theo bức thư của Ma-ca-bê, bà đã nói tới hai lần bằng ´ngôn ngữ của cha ông`, tức bằng tiếng địa phương, bằng thổ ngữ của mình. Sẽ không có bất cứ cuộc xâm lược văn hóa nào có thể chiến thắng được thổ ngữ.

Người mẹ trong sách Ma-ca-bê mang hai khía cạnh: sự trìu mến của nữ giới và sự can đảm của nam giới, mà sự can đảm đó được khơi lên qua ngôn ngữ của cha ông. Có lẽ chỉ có „sức mạnh của những người phụ nữ“ mới có thể trụ vững trước những cuộc xâm lược về mặt văn hóa – Đức Thánh Cha phỏng đoán.

Dân Chúa tiếp tục tiến bước nhờ vào sức mạnh của nhiều phụ nữ, họ biết rõ việc họ có thể tiếp tục chuyển giao Đức Tin cho con cái họ như thế nào, và chỉ có họ - tức những người mẹ - mới có thể giới thiệu Đức Tin bằng ngôn ngữ địa phương một cách chính xác. Ước gì Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sự thiện hảo đó, và thực ra là trong Giáo hội, để chúng ta biết bảo tồn ký ức, và không bao giờ lãng quên ´thổ ngữ của cha ông chúng ta`, cũng như xin Ngài ban cho Giáo hội có thêm những phụ nữ can đảm trong mức độ nhiều nhất có thể.“

 

(theo de.rv 23.11.2017 mg)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 11, 2017