Khiêm Nhượng Có Nghĩa Là Đón Nhận Sự Sỉ Nhục Về Cho Bản Thân Mình - (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 05.12.2017)

 

Khiêm nhượng có nghĩa là gánh chịu sự sỉ nhục, và có ít việc phải làm với việc duy trì một nghi thức. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới hình ảnh mầm noi mà Bài Đọc I nói tới. Ngôn Sứ Isaia đã nói tiên tri về một Đấng Được Xức Dầu, Ngài sẽ xuất thân từ „cội rễ Giét-sê“ và sẽ nhận lãnh „đầy tràn các ơn Chúa Thánh Thần“: Khôn ngoan, thông hiểu, cố vấn, dũng mãnh, tri thức, và lòng kính sợ Chúa. Hình ảnh này được coi là đời sống của một Ki-tô hữu – Đức Thánh Cha giải thích.

Vấn đề nằm ở chỗ „ý thức rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều là mầm non của cội rễ đó, mà mầm non ấy phải lớn lên và phải phát triển với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cho tới khi đạt tới được sự tràn đầy Thánh Thần trong chúng ta. Và ở đây, điều gì là nhiệm vụ của người Ki-tô hữu? Thưa, bảo vệ mầm non đó, tức mầm non sẽ lớn lên trong chúng ta, đồng hành với sự phát triển của nó, và bảo vệ Thần Khí.“

La bàn của đời sống Ki-tô hữu chính là mẫu gương của Chúa Giê-su, là „phong cách khiêm nhượng“ của Ngài – Đức Thánh Cha giải thích. „Cần có Đức Tin và sự khiêm nhượng để tin rằng, mầm non này, ân sủng nhỏ bé này, sẽ đạt tới được sự đầy tràn các ơn Chúa Thánh Thần. Cần có sự khiêm nhượng để tin rằng, Thiên Chúa Cha, Đấng làm Chúa toàn cõi vũ trụ, cả bầu trời lẫn trái đất, sẽ giấu không cho những kẻ khôn ngoan và thông thái thấy được những điều ấy, như được nói tới trong Bài Tin Mừng hôm nay, nhưng lại mạc khải chúng cho những kẻ bé nhỏ. Khiêm nhường có nghĩa là trở nên bé nhỏ, như mầm non, nó rất nhỏ nhưng nó phát triển hằng ngày; nó rất nhỏ và nó cần tới ơn Chúa Thánh Thần để đạt tới được sự viên mãn của cuộc sống.“

Khiêm nhường không chỉ có nghĩa là trở nên đáng yêu và đạo hạnh

Vì thế, một số Ki-tô hữu tin rằng, khiêm nhượng có nghĩa là được giáo dục tốt và cho đi cách vui vẻ, cũng như „nhắm nghiền đôi mắt lại trong lúc cầu nguyện“. Nhưng „không, đó không phải là khiêm nhượng“ – Đức Thánh Cha giải thích. Vậy thì phải hiểu khiêm nhượng là thế nào? Làm sao biết được liệu người ta có khiêm nhượng thật hay không? Đức Thánh Cha đặt câu hỏi và Ngài trả lời: „Có một dấu chỉ, và đó là một chỉ dấu duy nhất: chấp nhận sự sỉ nhục. Khiêm nhượng mà không chấp nhận sự sỉ nhục thì không phải là khiêm nhượng. Một người nam hay một người nữ khiêm nhượng chính là người luôn ở trong tình trạng gánh chịu những sự sỉ nhục, giống như Chúa Giê-su đã làm, Đấng khiêm nhượng, Đấng đại khiêm nhượng.“

Đức Thánh Cha đã nhắc tới nhiều đoạn Kinh Thánh, „mà những đoạn văn ấy không chỉ nói về sự sỉ nhục, nhưng còn khuyên hãy chịu sỉ nhục nữa“ để nên giống Chúa Giê-su. „Ước gì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn này để chúng ta biết bảo vệ sự bé nhỏ cho tới khi nó đạt tới được sự viên mãn của Thần Khí, để không lãng quên cội nguồn, và để chấp nhận những điều sỉ nhục.“

 

(theo de.rv 05.12.2017 pr)

 

Đa-minh Thiệu

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 12, 2017