Thánh Phê-rô Đã Có Thể Đâm Đơn Kiện Thượng Hội Đồng“ – (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 13.04.2018)

 

 

Liệu tôi có thực sự tự do hay không, hay tôi lại đang là nô lệ cho những tham vọng, những của cải và những y phục thời trang của mình?“ – Đức Thánh Cha đã đặt ra câu hỏi như thế cho các tín hữu khi Ngài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Sáu vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican. Sự tự do đích thực – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – hệ tại ở chỗ, đảm bảo cho Thiên Chúa có được một chỗ trong cuộc sống, và bước đi theo Ngài trong cả nỗi khổ đau lẫn vui mừng.

Phụng Vụ trong ngày giới thiệu cho chúng ta ba mẫu tự do – Đức Thánh Cha cho biết khi Ngài giải thích Bài Đọc I, tức bài trích sách Tông Đồ Công Vụ. Bài Đọc này nói về một người Pha-ri-siêu tên là Gamaliel. Còn bài Tin Mừng trong ngày, tức bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an, thì tường thuật lại việc Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Sự tự do mà chúng ta nói về nó trong mùa Phục Sinh này, chính là sự tự do của những người con mà Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta „với công trình cứu độ của Ngài“. „Người tự do“ đầu tiên mà Phụng Vụ mời gọi chúng ta lưu tâm tới, đó là ông Pha-ri-siêu Gamaliel, một Luật Sĩ được kính trọng và là thành viên của Thượng Hội Đồng như Bài Đọc I cho biết. Nhờ ảnh hưởng của ông mà Thượng Hội Đồng này đã trả tự do cho Thánh Phê-rô và Thánh Gio-an. Hai vị Tông Đồ đã bị giam trong ngục vì các Ngài đã chữa lành một người bại liệt. Và vì việc làm đó, nên các Ngài đã bị Thượng Hội Đồng đe dọa là sẽ kết án tử hình. Nhưng ông Gamaliel – Đức Thánh Cha giải thích – là một „con người tự do, ông suy nghĩ một cách hợp lý, và đã làm cho họ hiểu ra lẽ phải“, cũng như đã thuyết phục họ rằng, „thời gian sẽ trả lời cho họ“.

Người tự do sẽ không sợ hãi trước thời gian: Họ để cho Thiên Chúa hành động. Họ tạo không gian để Thiên Chúa hoạt động trong thời gian. Người tự do luôn kiên nhẫn. Và đó là một người Do-thái – ông không phải là Ki-tô hữu, ông không nhìn nhận Đấng Cứu độ - nhưng ông là một người tự do. Ông bắt đầu những suy tư của mình, trình bày những suy nghĩ đó với người khác và được chấp nhận. Sự tự do không thể bất nhẫn.“

Phi-la-tô lệ thuộc vào sự thăng quan tiến chức của mình

Phi-la-tô cũng là người hợp lý và đã nhận ra rằng, Chúa Giê-su là người vô tội – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. „Nhưng ông đã không thành công trong việc giải quyết vấn đề, vì ông không tự do, ông lệ thuộc vào việc thăng quan tiến chức của mình“ – Đức Thánh Cha diễn giải. Đối với Phi-la-tô, đó là một „sự nô lệ của bước đường công danh, của sự tham vọng và của sự thành công“. Ngược lại với điều đó là mẫu gương thứ hai của sự tự do, cụ thể đó là Thánh Phê-rô và Thánh Gio-an. „Hai vị Thánh này đã chữa lành người bại liệt và giờ đây dám chịu trách nhiệm về công việc của mình trước Thượng Hội Đồng“. Cuối cùng thì Thượng Hội Đồng đã phải để các Ngài ra đi, nhưng trước khi được thả, các Ngài đã bị đánh đòn dù các Ngài vô tội.

Các Ngài rời Thượng Hội Đồng và vui mừng vì việc các Ngài được coi là xứng đáng để gánh chịu những nhục hình vì danh Chúa“ – Đức Thánh Cha nhắc lại một lời trong Bài Đọc I. Vui mừng vì việc noi gương Chúa Giê-su là „một sự tự do khác, lớn hơn, bao la hơn và Ki-tô giáo hơn“. Thánh Phê-rô đã có thể kiện Thượng Hội Đồng để đòi bồi thường thiệt hại – Đức Thánh Cha diễn giải – nhưng thay vì như thế Ngài lại vui mừng vì việc đã chịu đau khổ vì danh Chúa. „Các Ngài tự do trong đau khổ để bước theo Chúa Giê-su“ – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Đó là sự tự do của người say đắm Chúa Giê-su; được chứng thực bởi Chúa Thánh Thần, với Đức Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa đã làm điều đó cho con, giờ đây con lại làm điều đó cho Chúa. Ngay cả trong thời đại hôm nay cũng đang có rất nhiều Ki-tô hữu phải bị tù đầy, họ bị tra tấn, họ mang sự tự do đó tiến về phía trước để làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô.“

Thế giới này đang bị điên khùng một chút

Mẫu gương thứ ba chính là Chúa Giê-su, Đấng đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Cuối cùng thì mọi người đều phấn khởi, và Chúa Giê-su hiểu rằng, họ đến „để khống chế Ngài và bắt Ngài làm vua“. Sau đó, Ngài lại đi lên núi để „tránh xa cuộc khải hoàn giả tạo ấy“, như trong sa mạc khi Ngài chống cự lại những cơn cám dỗ của Sa-tan, vì „sự tự do của Ngài là thi hành Thánh Ý Chúa Cha“. Vì làm như thế, nên Ngài sẽ phải kết thúc trên Thập Giá – Đức Thánh Cha nhấn mạnh –, nhưng đồng thời Ngài lại trở thành mẫu gương lớn nhất cho sự tự do.

Hôm nay chúng ta hãy nghĩ tới sự tự do của mình. Ba mẫu gương: Gamaliel, Thánh Phê-rô và Thánh Gio-an, và chính Chúa Giê-su. Liệu sự tự do của tôi có mang tính Ki-tô giáo không? Tôi có tự do không? Hay tôi lại đang là nô lệ cho những đam mê của mình, cho những tham vọng, cho nhiều vấn đề, cho sự giầu sang và cho những mốt thời thượng của tôi? Điều đó có vẻ như một câu nói đùa, nhưng biết bao nhiêu người đang là nô lệ cho những mẫu thời trang! […] Chúng ta hãy nghĩ tới sự tự do của mình trong thế giới này, tức thế giới đang bị một chút điên khùng, đúng không? Thế giới đó gào lên: Tự do, tự do, tự do! Nhưng vẫn luôn luôn là nô lệ, nô lệ, và nô lệ. Chúng ta hãy nghĩ đến sự tự do đó, tức sự tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Chúa Giê-su!

 

(vaticannews.va -13.04.2018, 13:07)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2018