„Luôn Luôn Có Những Phản Kháng Chống Lại Chúa Thánh Thần“ –(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 24.04.2018)

 

Đối với các Ki-tô hữu, sự phản kháng tồi tệ nhất chính là sự phản kháng chống lại Chúa Thánh Thần. Tư tưởng này chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Bài giảng của Ngài đã xoay quanh những thái độ của những con người không đứng về phía Thiên Chúa. Trong lịch sử nhân loại „luôn luôn có những phản kháng chống lại Chúa Thánh Thần“, và ngay cả trong thời đại hôm nay đi nữa, thì người ta cũng vẫn đang đối đầu với những điều mới mẻ của Thiên Chúa – Đức Thánh Cha nhận xét.

Những tù nhân của những ý thức hệ

Bài Tin Mừng trong ngày (Ga 10,22-30) đã thuật lại „thái độ khép kín của những con người tôn thờ Lề Luật“ – Đức Thánh Cha giải thích. Họ ngoan cố và chỉ thích đặt mình vào trung tâm điểm, và không hề đứng về phía những công việc của Chúa Thánh Thần. Họ khước từ những điều mới mẻ, và hoàn toàn không thể nhận ra „những dấu chỉ thời đại“ – Đức Thánh Cha bổ sung. Với cách thức như thế, họ đã trở thành „những tù nhân của những từ ngữ và của những ý thức hệ“.

Họ luôn luôn quay lại với những vấn đề như nhau. Đơn giản là vì họ không có khả năng bước ra khỏi cái thế giới khép kín của họ, và đã trở thành những tù nhân của những hệ tư tưởng. Họ đón nhận Lề Luật, và thực ra đó là cuộc sống, nhưng họ đã chưng cất Lề Luật và biến nó thành một hệ tư tưởng. Họ chạy quanh chạy quẩn với cách thức như vậy, và không hề có khả năng đi ra khỏi chính mình; họ coi những điều mới mẻ nơi cuộc sống của họ như là một mối đe dọa.

Sự tự do của con cái Thiên Chúa

Trái ngược với những điều trên đó là cách nghĩ của những người làm con Thiên Chúa – Đức Thánh Cha giải thích tiếp – có lẽ, vào lúc ban đầu, họ cũng đã có những phản kháng nào đó đối với Thánh Ý của Thiên Chúa, nhưng họ tự do, và đồng thời ở trong tình trạng đặt Chúa Thánh Thần vào trung tâm cuộc sống của mình. Ở đây, Đức Thánh Cha đã nêu ra một ví dụ cụ thể: những môn đệ đầu tiên đã đứng về phía “hạt giống của Thiên Chúa”, như được thuật lại trong Bài Đọc I (Cv 11,19-26). Các Ngài đã đi theo Chúa Thánh Thần để thực hiện “một điều mà nó đã trở thành một cái gì đó còn nhiều hơn một cuộc cách mạng” – Đức Thánh Cha giảng giải. Chúa Thánh Thần đứng trong trung tâm điểm chứ không phải là Lề Luật.

Và Giáo hội hồi đó là một Giáo hội trong sự chuyển động, một Giáo hội đi ra khỏi chính mình. Đó không phải là một nhóm khép kín của những người được chọn lọc, nhưng là một Giáo hội truyền giáo. Sự cân bằng của Giáo hội hệ tại ở chỗ chuyển động, và thực ra, luôn luôn trong sự trung tín với Chúa Thánh Thần. Một người nào đó đã từng ví sự cân bằng của Giáo hội với sự thăng bằng của chiếc xe đạp. Luôn giữ được sự ổn định ngay cả khi người ta chuyển động, chỉ khi nào người ta không hoạt động gì nữa, chẳng hạn như chỉ ngồi lỳ trên chiếc xe ấy, thì lúc đó người ta mới té ngã. Đó là một ví dụ rất hay.”

Cầu nguyện để tìm ra con đường

Khép kín và mở ra: hai điều trái ngược nhau, nhưng chúng cho phép khám phá ra việc người ta có thể cư xử với Chúa Thánh Thần như thế nào. Mở ra chính là một „thái độ tiêu biểu“ của những người môn đệ, bất chấp chuyện họ đã có „những phản kháng nào đó“ lúc ban đầu. Nhưng điều ấy thậm chí còn là điều cần thiết, vì đó là „một sự bảo hành cho việc không bao giờ để mình bị thất vọng cách mù quáng“. Điều đã giúp các Ngài chính là sự cầu nguyện – Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Luôn luôn có những phản kháng chống lại Chúa Thánh Thần, luôn luôn và cho tới tận thế. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết chống lại điều mà nó đến từ sự ác và cướp đi sự tự do của chúng ta, nhưng mặt khác, xin Ngài ban cho chúng ta ơn biết mở bản thân mình ra cho những điều mới mẻ, mà những điều mới mẻ đó chỉ đến từ chính Thiên Chúa, với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và ước chi Ngài ban cho chúng ta ơn biết biện phân hầu nhận ra những dấu chỉ thời đại, để chúng ta đưa ra những quyết định mà chúng ta nên đưa ra trong từng khoảnh khắc.“

 

(theo vaticannews.va – 24.04.2018, 11:45)

 

Đa-minh Thiệu


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 4, 2018